Chàng Nhuận Điền đã về với đất

Hoàng Kim
Hoàng Kim
24/02/2022 06:53 GMT+7

Nghệ sĩ Thanh Tú, người đóng xuất sắc vai chàng nông dân Nhuận Điền trong vở Bên cầu dệt lụa , đã vĩnh viễn nằm xuống lòng đất.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, Nhuận Điền của Thanh Tú vẫn sừng sững như một tượng đài nghệ thuật bởi quá đẹp và sâu sắc. Sức hút của nhân vật này lạ kỳ đến mức có lần tôi đến thăm Thanh Tú lúc ông còn khỏe, đang mở quán nhậu, ông nói: “Ngày nào khách cũng yêu cầu tôi hát mấy câu vọng cổ trong trích đoạn đóng chung với anh Thanh Sang, có ngày hát tới 2 - 3 lần vì khách mới vô lại kêu hát nữa... Hình như mấy chục năm nay chàng Nhuận Điền “nuôi” tôi đó”.

Thật sự chưa bao giờ có một hình tượng nông dân tuyệt vời như Nhuận Điền. Trong bộ quần áo bà ba, lại thêm vài miếng vá, vậy mà Nhuận Điền vẫn đẹp ngời ngời bởi nét đẹp đầy nam tính của nghệ sĩ Thanh Tú. Không chỉ đẹp, Nhuận Điền còn dũng khí nữa, không hề cúi đầu hoặc sợ hãi bọn quan lại, cường quyền. Vài lời nhắc nhở cộng với cái cán cuốc xoay ngang đủ cho mấy anh công tử bột như Hiếu Danh và Vô Đạo phải chạy có cờ. Khán giả thật sự mê nét đẹp mạnh mẽ này.

NSƯT Thanh Sang (vai Trần Minh), nghệ sĩ Thanh Tú (vai Nhuận Điền, phải) trong vở Bên cầu dệt lụa

H.K

Nhuận Điền toát lên sự chân chất, mộc mạc nhưng không hề quê mùa. Thanh Tú đi trên lằn ranh nhỏ như sợi tóc ấy, và cho thấy tinh hoa phát ra từ tri thức của một người đọc nhiều sách, ngẫm nhiều chuyện, suy tư nhiều vấn đề, chứ không chỉ biết cày sâu cuốc bẫm. Thực tế, Nhuận Điền là trí thức nhưng ẩn mình nơi thiên nhiên, thôn dã, lấy rau lúa nuôi thân, và lấy nhân nghĩa nuôi tâm. Mỗi một lời thốt ra đều sâu sắc, thâm trầm, khán giả phải im phăng phắc lắng nghe và thấm thía. Giọng ca Thanh Tú trầm ấm, sâu lắng thể hiện hết nội dung của bài bản trong vở tuồng. Thật là “duyên kỳ ngộ” để Nhuận Điền thành vai diễn để đời của Thanh Tú.

Nghệ sĩ Thanh Tú 'Bên cầu dệt lụa' qua đời sau nhiều năm bị tai biến

Thanh Tú sinh năm 1939, học ca cổ với thầy Út Trong nổi tiếng. Năm 1961 thầy giới thiệu cậu học trò 22 tuổi bước thẳng lên sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga. Nghệ sĩ Thành Được rời Thanh Minh - Thanh Nga cùng vợ là nghệ sĩ Út Bạch Lan lập gánh riêng, vì vậy bao nhiêu vai của Thành Được bà bầu Thơ đều giao lại cho Thanh Tú. Chẳng hạn Nửa đời hương phấn, Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Con gái chị Hằng, Đoạn tuyệt, Phấn bụi phù hoa… Năm 1963, Thanh Tú nhận giải Thanh Tâm cùng lúc với Bạch Tuyết, Kim Loan (Mộng Tuyền), Trương Ánh Loan, Tấn Tài, Diệp Lang. Sau đó hàng loạt bộ phim mời ông đóng vai chánh bởi ngoại hình rất đẹp của ông. Mãi sau 1975 ông vẫn còn đóng phim, hầu hết là vai sĩ quan, quân nhân cường tráng, kiên nghị.

Năm 1969, Thanh Tú về đoàn Ánh Chiêu Dương của ông bầu Năm Châu (NSND Nguyễn Thành Châu) và có dịp cùng nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Thanh Thanh Hoa sang Pháp, Anh, Algerie, Lào biểu diễn. Sau đó ông đầu quân cho đại bang Dạ Lý Hương, rồi lập gánh riêng cùng vợ là nghệ sĩ Trang Bích Liễu, đến 1976 thì trở lại đoàn Thanh Nga. Đoàn Thanh Nga giải thể, ông đi hát show và mở quán nhậu. Nhưng nghệ sĩ không giỏi kinh doanh, ông dẹp quán, rồi lâm trọng bệnh. 13 năm bị tai biến, Thanh Tú nhớ sân khấu vô cùng, và khán giả cũng nhớ ông vô cùng.

Thanh Tú đã an nghỉ vào lúc 10 giờ 10 ngày 23.2 tại nhà riêng số 504/51/31 Kinh Dương Vương, P.An Lạc, Q. Bình Tân, TP.HCM; thọ 83 tuổi.

Tang lễ nghệ sĩ Thanh Tú được tổ chức tại nhà riêng. Lễ viếng diễn ra từ 17 giờ ngày 23.2. Ngày 26.2 thi thể của nghệ sĩ sẽ được đưa đi an táng tại nghĩa trang Hoa Viên, tỉnh Bình Dương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.