Câu chuyện về Phước - shipper nói tiếng Pháp truyền cảm hứng tới mọi người |
THÚY HẰNG |
Đang là một học sinh được gia đình chăm lo, bảo bọc, chỉ yên tâm đến trường, học thêm các ngoại ngữ sao cho thật giỏi, cuộc đời của Huỳnh Hữu Phước đổi thay 180 độ sau một đêm.
Biến cố quá lớn khiến gia đình em không giữ được ngôi nhà, cha mẹ ly tán mỗi người một nơi, nam sinh viên khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tự "bơi" giữa đời với đủ nghề khác nhau hòng có đủ tiền để ăn, trả nhà trọ, đóng học phí…
Thầy cô ở trường hỗ trợ tiền để Phước đi học, nhưng gặp những áp lực lớn từ việc kiếm tiền, khủng hoảng từ gia đình, nam sinh viên bị trầm cảm nặng nề, không giữ được kết quả học tập tốt. Thấy có lỗi với sự giúp đỡ từ thầy cô, Phước xin bảo lưu việc học để làm phụ bàn, bưng bê cà phê, bảo vệ, giao hàng khi nào có tiền sẽ đi học tiếp...
Nhưng dù vất vả như thế nào, chàng shipper cũng không bao giờ quên được niềm đam mê tiếng Pháp, sách Pháp văn và ước mơ được làm việc với những cuốn sách.
Những đồng tiền lẻ kiếm được sau mỗi cuốc xe giao hàng, Phước dành dụm để ghé cửa hàng sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn, Q.5, mua những cuốn sách văn học của nhiều tác giả nổi tiếng người Pháp, người Nhật, người Anh, Mỹ... Mỗi ngày trong chiếc túi bạn đeo bên người luôn có một cuốn sách để đọc lúc rảnh.
Video Phước nói tiếng Pháp ở đường sách tình cờ hôm giao lưu với nhà văn Marc Levy được một khán giả post trên Facebook, bỗng chốc khiến Phước được biết đến nhiều hơn. Cộng đồng cùng chung tay để Phước được tiếp tục học đại học, theo đuổi đam mê tiếng Pháp, văn học trong tương lai.
Nhiều người nói Phước chỉ ăn may. Cuộc sống luôn có rất nhiều điều bất ngờ chờ đợi chúng ta, sự may mắn cũng vậy. Nhưng tôi không nghĩ rằng sự may mắn cứ một ngày rơi “bụp” xuống ai đó và khiến người đó thành công, nếu như chúng ta không ngừng cố gắng.
Dù vất vả với công việc mưu sinh, Phước vẫn đọc sách, vẫn ôn tập ngoại ngữ, không chỉ tiếng Pháp, tiếng Anh (2 ngoại ngữ mà bạn được học từ nhỏ), Phước còn tự học tiếng Trung, tiếng Nhật. Khao khát được đọc, được trau dồi và trên hết là kiểm chứng lại kết quả học tập, Phước đã mạnh dạn giơ cánh tay giữa đám đông, đặt câu hỏi với nhà văn nổi tiếng người Pháp bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của ông. Phước đã không ngừng cố gắng và tự tạo ra điều may mắn với chính mình - điều mà bạn không bao giờ ngờ tới.
Dù bạn đang là ai, làm gì, đừng bao giờ đánh mất ngọn lửa trong trái tim mình |
THÚY HẰNG |
Mấy tháng trước, bộ phim của Hàn Quốc chinh phục rất nhiều khán giả của xứ sở kim chi và cả Việt Nam tên “Tuổi 25, tuổi 21” (Twenty Five, Twenty One). Điều đọng lại với tôi sâu sắc nhất, đó là nhân vật chính, Baek Yi Jin, nhà giàu, điển trai, học giỏi bỗng bước chân từ đỉnh cao xuống vực sâu khi gia đình phá sản, cha mẹ trốn nợ, anh phải tạm dừng việc học đại học, đi làm thuê trong tiệm sách, đạp xe giao báo mỗi sáng, ở trọ, chịu nhiều cay đắng. Nhưng Baek Yi Jin chưa một phút giây nào thôi cố gắng.
Một cơ hội đến, anh được thử sức trong một đài truyền hình, với chuyên môn và tiếng Anh giỏi, từ phóng viên tập sự anh trở thành phóng viên thường trú của đài tại New York, Mỹ… Sự may mắn cho anh cơ hội được làm công việc anh đam mê, dù chưa có bằng tốt nghiệp đại học. Nhưng sự may mắn là không đủ, nếu như giấc mơ trong Baek Yi Jin đã “chết” đi, lụi tàn theo những gánh nặng cơm áo gạo tiền mà anh đang gồng trên vai.
Phán xét và bới lông tìm vết luôn dễ hơn là đặt mình vào hoàn cảnh của ai đó để thấu hiểu. Cuộc đời này luôn vô vàn những hoàn cảnh khó khăn, vô vàn những số phận bỗng dưng phải đối mặt với khủng hoảng, biến cố.
Đi cùng đó là những cách đối diện với hoàn cảnh khác nhau. Người buông xuôi, người chấp nhận hoàn cảnh và kiên nhẫn tìm một lối đi. Những người đáng quý là luôn giữ một ngọn lửa ở trong tim mình, dù họ đang là ai, làm gì, chỉ là một shipper, người bán cà phê dạo vỉa hè, hay một người giao báo mỗi ngày. Cuộc đời này vốn dĩ luôn đầy ắp những điều tử tế, nhân ái. Chỉ cần bạn đừng bao giờ lãng quên, từ bỏ ước mơ...
Bình luận (0)