Chàng trai 9X bỏ xứ sở Bạch Dương về quê lập nghiệp với hoa sen

Bá Cường
Bá Cường
05/06/2023 18:34 GMT+7

Sau 10 năm mưu sinh trên đất Nga, Lê Duy Trinh quay về quê cũ Quảng Bình để lập nghiệp với hoa sen.

Mong muốn cống hiến cho quê hương

Những ngày gần đây, nhiều người dân tỉnh Quảng Bình tìm đến vườn hoa sen tại xã Duy Ninh (H.Quảng Ninh) để chụp ảnh, ngắm hoa và thưởng thức các sản phẩm từ hoa sen. Tuy nhiên, Ít ai biết được chủ của vườn hoa sen mới nổi này là một 9X đã từng có thời gian 10 năm bôn ba mưu sinh tại xứ sở Bạch Dương.

Anh nông dân bỏ xứ sở Bạch Dương, về quê Quảng Bình lập nghiệp từ hoa sen - Ảnh 1.

Anh Trinh từng có 10 năm làm việc tại xứ sở Bạch Dương

BÁ CƯỜNG

Chủ của vườn hoa sen rộng 3,5 ha này là anh Lê Duy Trinh (27 tuổi, thôn Tả Phan, xã Duy Ninh, H.Quảng Nình). Đây cũng là mô hình khởi nghiệp mới lạ tại xã Duy Ninh.

"Học xong lớp 12, tôi được người thân bảo lãnh qua Nga để làm việc. Ở bên đó tôi làm rất nhiều công việc, cũng có thu nhập ổn nhưng mỗi ngày lại thấy cuộc sống nhàm chán, mất đi động lực. Cuối năm 2022, tôi quyết định từ bỏ công việc ở Nga, trở về Việt Nam tìm một công việc mới", Trinh chia sẻ.

Những ngày tháng ở Nga, Trinh vẫn luôn ấp ủ sẽ làm được một công việc gì đó cống hiến được cho quê nhà ở tỉnh Quảng Bình, gắn bó với con người Việt Nam. Trinh tìm hiểu và cơ duyên đưa anh đến với loài quốc hoa của Việt Nam.

Anh nông dân bỏ xứ sở Bạch Dương, về quê Quảng Bình lập nghiệp từ hoa sen - Ảnh 2.

Khu đất trước đây là nơi nuôi cá được Trinh cải tạo lại thành đầm trồng hoa sen

BÁ CƯỜNG

Ở quê nhà ở xã Duy Ninh, gia đình Trinh có 3 ha đất nông nghiệp được bố mẹ anh đào ao nuôi cá suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, vùng đất ở đây nhiễm phèn chua nặng, nuôi cá nhiều năm bị thiệt hại, chưa kể đây còn là vùng rốn lũ. 

"Tôi tìm hiểu trên mạng xem có loài cây gì thích nghi được với môi trường đất bị nhiễm phèn thì biết được cây hoa sen có thể sống được trong môi trường này. Ngay khi có ý tưởng, ở Nga tôi đã quyết định gọi về cho bố mẹ, cải tạo lại đất để khi về nước sẽ bắt tay vào việc", Trinh nói.

Mô hình khởi nghiệp mới lạ

Sau khi trở về từ Nga, Trinh cải tạo khu đất thành 7 đầm trồng sen, thuê thêm 0,5 ha khu đất đối diện để mở rộng diện tích. Anh cũng nhập 2.000 cây giống sen Đồng Tháp, sen Huế để trồng thử nghiệm.

Anh nông dân bỏ xứ sở Bạch Dương, về quê Quảng Bình lập nghiệp từ hoa sen - Ảnh 3.

Anh Trinh pha trà sen, một trong những sản phẩm của vườn do chính tay anh làm ra

BÁ CƯỜNG

Anh Trinh chia sẻ việc trồng sen cũng rất khó khăn, mỗi cây giống mua với giá 35.000 đồng, lại tốn kém nhiều thời gian để theo dõi, chăm sóc mới phát triển tốt và cho ra hoa đúng mùa.

"Hoa sen ở những nơi như Huế, Đồng Tháp đã là một loài cây được ví như một đặc sản, tuy nhiên ở Quảng Bình lại rất ít và việc mở một địa điểm dịch vụ gắn với loài hoa này vẫn chưa có", Trinh bày tỏ.

Anh nông dân bỏ xứ sở Bạch Dương, về quê Quảng Bình lập nghiệp từ hoa sen - Ảnh 4.

Ngoài trà, anh còn bán thêm hạt sen, hoa sen và lá sen

BÁ CƯỜNG

Sau thời gian trồng thử nghiệm thành công, cả 7 đầm sen của Trinh đều cho ra hoa đúng hạn. Cuối tháng 5.2023, Trinh bắt đầu kinh doanh các dịch vụ như đến vườn để chụp ảnh, uống trà sen và bán các sản phẩm từ cây sen.

Vườn sen của Trinh rất đắt khách từ những ngày đầu, trong những ngày Quảng Bình có thời tiết nắng nóng oi bức, vườn sen của Trinh là nơi rất lý tưởng để mỗi sáng hay xế chiều đến đây ngồi thưởng thức trà. Mỗi vé vào cổng, Trinh thu lại 20.000 đồng và bán thêm hoa sen cho những ai có nhu cầu với giá 7.000 đồng/cây.

Anh nông dân bỏ xứ sở Bạch Dương, về quê Quảng Bình lập nghiệp từ hoa sen - Ảnh 5.

Vườn sen của anh Trinh là mô hình kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái đầu tiên tại H.Quảng Ninh

BÁ CƯỜNG

Chị Phạm Thị Hồng Hà, Phó bí thư Đoàn xã Duy Ninh, cho biết đây là mô hình trồng sen kết hợp du lịch sinh thái đầu tiên trên địa bàn, Đoàn xã vẫn đang tiếp tục khuyến khích để đoàn viên, thanh niên có thêm những mô hình tương tự.

"Trước đây xã cũng đã có các mô hình trồng hoa sen, tuy nhiên để kết hợp với kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái như anh Trinh lại chưa có. Đây là một mô hình mới lạ và anh Trinh cũng đang dần thu lại hiệu quả, Đoàn xã vẫn đang khuyến khích các đoàn viên, thanh niên tiếp tục sáng tạo, mở rộng thêm các mô hình tương tự", chị Hà nói.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.