Chàng trai bay xuyên hệ thống phòng không Liên Xô

02/07/2017 10:06 GMT+7

Ở tuổi 19, Mathias Rust đã gây chấn động thế giới khi lái máy bay vượt qua mạng lưới phòng không dày đặc của Liên Xô để đáp xuống khu vực Quảng trường Đỏ.

Gần cuối cuộc Chiến tranh lạnh, căng thẳng giữa Liên Xô và phương Tây leo thang. Cả hai bên đều nghi ngờ nhau và luôn có cảm giác cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra. Thời điểm đó, Mathias Rust (sinh ngày 1.6.1968) là một phi công nghiệp dư trẻ tuổi người Đức với kinh nghiệm bay chỉ 50 giờ. Năm 1987, Rust bỗng có ý tưởng làm điều gì đó nhằm giúp hạ nhiệt tình hình thế giới đang căng như sợi dây đàn. Và kế hoạch của chàng trai 19 tuổi là lái máy bay đáp xuống Quảng trường Đỏ tại Moscow với hy vọng có thể đem lại hòa bình giữa Mỹ - Liên Xô.
Biến ý tưởng thành hành động


Hàng trăm sĩ quan quân đội Liên Xô mất chức
Chuyện Rust đáp máy bay xuống khu vực Quảng trường Đỏ đã ảnh hưởng đáng kể đến quân đội Liên Xô. BBC đưa tin nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev lúc đó đã tận dụng vụ việc này để “trảm” các tướng lĩnh quân đội có quan điểm trái ngược với mình. Có tới 200 sĩ quan quân đội Liên Xô bị mất chức, theo tờ The Guardian. Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô lúc đó là ông Sergei Sokolov bị cho về hưu, còn Tư lệnh Lực lượng phòng không không quân Alexander Koldunov bị cách chức.

Sau khi thuê được chiếc máy bay một động cơ Cessna 172 Skyhawk và chuẩn bị mọi thứ cần thiết, bao gồm vài thùng nhiên liệu, Rust bắt đầu hành trình bay đến nước Nga. Chiếc máy bay nhỏ do Rust cầm lái cất cánh từ sân bay ở TP.Hamburg (Đức) vào ngày 13.5.1987, theo tờ The Guardian.
Chặng dừng chân đầu tiên là quần đảo Shetland (Scotland), rồi quần đảo Faroe (nằm giữa vùng biển Na Uy và phía bắc Đại Tây Dương). Mỗi nơi Rust nghỉ lại một đêm. Sau đó, anh bay tiếp đến thủ đô Reykjavik (Iceland) và TP.Bergen (Na Uy) trước khi đến Helsinki (Phần Lan) vào ngày 25.5. Rust lưu lại đây vài ngày để cân nhắc liệu mình đã thực sự đủ can đảm thực hiện kế hoạch hay chưa. Viên phi công trẻ tuổi lo lắng nhiều cũng là điều dễ hiểu vì hệ thống phòng không của Liên Xô được đánh giá là nghiêm mật bậc nhất thế giới. Chưa đầy 5 năm trước đó, một chiếc máy bay dân dụng của Hàn Quốc bị bắn rơi khi đi lạc vào không phận Liên Xô, khiến toàn bộ 269 người trên khoang thiệt mạng, theo BBC. “Dĩ nhiên tôi sợ bị mất mạng. Tôi cân nhắc liệu việc liều mạng như vậy là hợp lý và có tinh thần trách nhiệm hay chưa. Cuối cùng, tôi quyết định mình phải mạo hiểm”, Rust nhớ lại.
Sau khi tiếp nhiên liệu tại sân bay Helsinki-Malmi (Phần Lan) sáng 28.5.1987, Rust báo bộ phận kiểm soát không lưu tại đây rằng mình sẽ bay tới Stockholm (Thụy Điển). Rust được phép cất cánh lúc 12 giờ hôm đó, song thay vì đến Stockholm, anh quyết định tắt máy điện đàm vô tuyến và điều khiển chiếc máy bay hướng đến Moscow.
Tại Helsinki, khi máy bay của Rust biến mất khỏi màn hình radar, bộ phận kiểm soát không lưu Phần Lan bắt đầu lo lắng. Họ cho rằng máy bay hẳn đã rơi hoặc đáp khẩn cấp đâu đó nên lập tức triển khai lực lượng cứu hộ hùng hậu. Theo trang The Vintage News, một chiếc tàu tuần tra của Lực lượng Biên phòng Phần Lan thậm chí nhìn thấy vết dầu loang ở gần nơi máy bay biến mất nên huy động đội thợ lặn tìm kiếm dưới nước nhưng không thấy gì. Rust về sau phải bỏ ra khoảng 90.000 USD để thanh toán chi phí cho cuộc tìm kiếm này.
Chàng trai bay xuyên hệ thống phòng không Liên Xô
Chiếc máy bay hạ cánh xuống Quảng trường Đỏ Lenta.ru
Vượt hệ thống phòng thủ
Trong khi cuộc tìm kiếm diễn ra khẩn trương ở Phần Lan thì Rust điều khiển chiếc Cessna bay vào không phận Liên Xô, qua ngả Estonia, theo BBC. Chỉ trong vòng vài phút, máy bay của Rust bị hệ thống radar Liên Xô phát hiện. Ngay lập tức, hệ thống tên lửa đất đối không chĩa về phía chiếc Cessna song không hành động vì chưa được phép khai hỏa. Chưa đầy 1 giờ sau, một chiếc chiến đấu cơ MiG tiếp cận Rust. “Chiếc máy bay vượt qua bên trái tôi với khoảng cách gần đến mức tôi có thể nhìn thấy 2 viên phi công ngồi trong buồng lái. Dĩ nhiên, tôi thấy cả ngôi sao đỏ ở cánh máy bay”, Rust kể lại với BBC.
May mắn cho Rust là thay vì tấn công, chiếc máy bay lướt ngang qua và biến mất vào đám mây. Một sự kết hợp giữa may mắn và nhầm lẫn của con người đã giúp máy bay của Rust thoát nạn. Phía Liên Xô khi đó tưởng nhầm rằng đó là chiếc máy bay của phe mình đang tìm kiếm chiếc trực thăng bị rơi một ngày trước đó. Máy bay Rust còn xuất hiện trên radar vài lần nữa nhưng thời điểm đó cũng đang diễn ra các chuyến bay diễn tập quân sự trong vùng khiến giới chức phòng không Liên Xô không mấy quan tâm đến chiếc Cessna. Ngoài ra, một số người còn cho rằng Rust là sinh viên Liên Xô đang tập lái máy bay nên có thể đã quên bật máy điện đàm vô tuyến.
Đến khoảng 19 giờ, Rust vào đến không phận Moscow. Kế hoạch ban đầu là đáp máy bay xuống Điện Kremlin. Thế nhưng, Rust đã đổi ý vì tin rằng nếu hạ cánh xuống đó, phía sau bức tường của Điện Kremlin, anh sẽ bị bắt ngay lập tức và toàn bộ vụ việc có thể bị Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) bưng bít. Rust bay lượn vòng trên Quảng trường Đỏ và quyết định chọn nơi tốt nhất để đáp là cây cầu Bolshoy Moskvoretsky cách Điện Kremlin không xa. Rust cố hạ cánh an toàn và điều khiển máy bay chạy vào Quảng trường Đỏ. Mọi người bắt đầu túm tụm quanh chiếc Cessna và chào hỏi Rust. Nhiều người thậm chí còn xin chữ ký khi biết Rust đến từ Đức. Thế nhưng trái với suy nghĩ ban đầu của Rust rằng anh sẽ nhanh chóng bị cảnh sát bắt giữ, mãi đến gần 2 tiếng đồng hồ sau, các binh sĩ gần đó mới đến giải tán đám đông và đưa Rust đến trụ sở KGB.
Cầu nối hòa bình
Rust phải ra hầu tòa tại Moscow với các cáo buộc vi phạm luật Hàng không, xâm nhập trái phép lãnh thổ Liên Xô. Theo tờ The National Interest, Rust bị kết án 4 năm tù giam vào ngày 4.6.1987. Thế nhưng, viên phi công liều mạng này được ân xá và trao trả về Đức vào ngày 3.8.1988. Đây là hành động thể hiện thiện chí của Liên Xô dành cho phương Tây theo sau việc Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev cùng ký hiệp ước loại bỏ mọi vũ khí hạt nhân tầm trung ở châu Âu, theo trang The Vintage News.
Trả lời phỏng vấn ngay sau khi trở về nhà, Rust kể lại mình được đối xử tốt trong thời gian bị giam giữ ở Liên Xô. Rust cũng nói rằng mình thực hiện hành động trên với kỳ vọng tạo ra cầu nối Đông - Tây, giúp giảm căng thẳng giữa hai bên trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Sau này, trong một lần phát biểu trước báo chí năm 2012, Rust thừa nhận hành động lúc trẻ của mình là quá bồng bột và: “Chắc chắn tôi sẽ không lặp lại chuyến bay đó. Giờ nhìn lại thấy hành động đó thật là vô trách nhiệm”, Rust phát biểu trên tạp chí Đức Stern.
Có vẻ như cuộc sống về sau của Rust gặp khá nhiều rắc rối. Năm 1989, khi làm việc tại một bệnh viện ở Hamburg, Rust đâm một đồng nghiệp nữ vì cô này không chịu hẹn hò với mình. Sau đó, Rust bị kết án 2 năm rưỡi tù giam, theo tờ The Guardian. Ra tù, Rust được cho là sống khá lập dị và cải sang đạo Hindu. Không lâu sau, Rust bị buộc tội lừa đảo và phải trả 1.700 USD cho số hàng hóa ăn cắp trong siêu thị. Gần đây nhất, vào năm 2012, Rust phát biểu trước báo giới rằng mình đang làm chuyên gia phân tích tại một ngân hàng đầu tư có trụ sở ở TP.Zurich (Thụy Sĩ) và cũng đang học để trở thành giáo viên dạy yoga. Rust cho biết có kế hoạch mở trường dạy yoga tại Hamburg sau này. Trong khi đó, chiếc máy bay Cessna lịch sử đã đổi chủ nhiều lần sau khi được Liên Xô trả lại cho câu lạc bộ bay của Rust, theo BBC. Giờ đây, nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Kỹ thuật Đức ở Berlin như một nhân chứng sống cho nỗ lực vượt Bức màn sắt của một viên phi công táo bạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.