Chàng trai bỏ IT sang kinh doanh nông sản doanh thu 1,5 tỉ đồng/tháng

02/11/2022 10:00 GMT+7

Có một chàng trai đã từ bỏ công việc công nghệ thông tin (IT) với thu nhập cao để chuyển sang kinh doanh nông sản sản và các loại hạt dinh dưỡng hướng đến sức khỏe, với khát vọng cháy bỏng muốn nâng tầm giá trị của nông sản Việt Nam.

Chàng trai khởi nghiệp với hạt dinh dưỡng

thượng hải

Với hơn 2 năm cố gắng cùng chiến thuật kinh doanh hiệu quả, đến nay, ý tưởng khởi nghiệp của anh Nguyễn Hữu Thắng (25 tuổi), ngụ tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) đã thành công và giúp nhiều người khó khăn có thu nhập ổn định.

Phương thức kinh doanh đặc biệt

Tốt nghiệp Học viện Bưu chính Viễn thông TP.HCM, sau khi ra trường, Hữu Thắng bắt đầu công việc làm IT với mức thu nhập khá cao và cơ hội phát triển công việc rất tốt. Nhưng sau 2 năm làm việc, Thắng bị áp lực rất nhiều và nhận ra tình hình sức khỏe đang có chiều hướng xấu đi.

“Tôi thường xuyên phải đối mặt với khối lượng công việc lớn từ dự án trong nước lẫn đối tác nước ngoài. Mỗi ngày, tôi làm việc 9 tiếng đồng hồ ở công ty rồi thức đến 1-2 giờ sáng để kịp tiến độ, lại ăn uống không điều độ nên tôi thường xuyên bị mất ngủ và suy nhược cơ thể nghiêm trọng”, Hữu Thắng kể lại.

Hữu Thắng mong muốn giúp đỡ nông dân tăng thu nhập từ nông sản

THƯỢNG HẢI

Giai đoạn đó, bác sĩ khuyên Thắng nên bổ sung chất dinh dưỡng, khuyến khích anh nên ăn các loại hạt, ngũ cốc tốt cho sức khỏe. Thắng bắt đầu có ý tưởng khởi nghiệp về các loại hạt và ngũ cốc. “Tôi nhận ra lợi ích mà các loại hạt này mang đến cho sức khỏe và sẵn thấy các nông sản ở tỉnh Lâm Đồng, quê tôi như: mắc ca, điều... Mặc dù người nông dân làm ra họ rất vất vả nhưng giá thành lại khá thấp và chưa xuất khẩu nhiều nên tôi muốn giúp tăng thu nhập nông sản của người nông dân lên”, Thắng bày tỏ.

Sau khi bán thử được một thời gian và nhận thấy tiềm năng phát triển rất lớn của con đường này, cuối năm 2021, Thắng quyết định nghỉ hẳn việc làm IT và chuyên tâm với sự lựa chọn của mình. “Nhiều người cảm thấy tiếc khi tôi từ bỏ việc làm và khuyên vừa kinh doanh, vừa làm IT để không lãng phí. Nhưng sau khi đã suy nghĩ kỹ, tôi quyết định lắng nghe đam mê khởi nghiệp của mình”, anh bày tỏ.

Từ bỏ công việc IT khá ổn định, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối cho Thắng

thượng hải

Ban đầu, anh chỉ tập trung bán hạt mắc ca nhưng khi nhận ra nhu cầu của thị trường với các thực phẩm từ hạt dinh dưỡng rất lớn. "Tôi nghĩ, nếu có thể mở rộng sang thị trường ngách này thì sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn. Nên tôi quyết định đầu tư, học hỏi thêm về các loại hạt và có phương thức kinh doanh vô cùng đặc biệt", anh Thắng nói.

Chia sẻ về cách khởi nghiệp của mình, anh Thắng lý giải: “Thay vì đơn giản nhập hàng rồi bán lẻ như bình thường thì tôi định hướng bán sỉ để làm quen với các nhà cung cấp tiềm năng qua việc trung gian nhập sản phẩm hạt và bán lại cho các bên có nhu cầu, lấy lãi tích lũy nên hầu như số vốn đầu tư kinh doanh ban đầu gần như bằng 0. Qua đó, tôi vừa tìm hiểu được thị trường, vừa có nơi cung cấp tốt và giá thành nhập về cũng sẽ thấp hơn”.

Sau nửa năm tìm hiểu thị trường, với số vốn gần 150 triệu đồng, Thắng bắt đầu kinh doanh bán lẻ và đầu tư vào máy móc, thiết bị để chế biến hạt dinh dưỡng thành các sản phẩm được nhiều người ưa chuộng như: gạo lứt, granola, rong biển kẹp hạt… Bằng phương thức kinh doanh từ sàn thương mại điện tử và xuất khẩu với hơn 5 tấn hạt mỗi tháng, Thắng đạt doanh thu từ 1 tỉ đồng - 1,5 tỉ đồng/tháng.

Muốn đưa nông sản của Việt Nam lên kệ hàng quốc tế

Anh Thắng kể: "Cú sốc đầu tiên khiến Thắng gần như tin rằng con đường mình chọn là hoàn toàn thất bại, đó là thời điểm vừa mở công ty vào đầu năm 2021 thì dịch Covid-19 bùng phát khiến cho toàn thành phố đóng cửa và doanh thu lúc đó hoàn toàn bằng 0".

Ngoại trừ công đoạn sấy, các bước còn lại Thắng đều làm thủ công

thượng hải

Rồi anh Thắng chia sẻ: “Thời điểm đó tôi nghĩ mình đã thất bại với con đường này nhưng được cái là tôi không nghĩ tiêu cực và nhiều người động viên tôi. Dù cực kỳ khó khăn nhưng tôi cứ nghĩ thoáng là nhiều doanh nghiệp ngàn tỉ họ còn có thể trụ được thì tại sao mình chưa có gì mà nao núng nên tôi làm thêm nhiều việc khác để cầm chừng”.

Hiện tại, Thắng đã hỗ trợ việc làm cho hơn 10 nhân công đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn để họ có thu nhập ổn định mỗi ngày và còn nhận mua các nông sản hạt từ nhiều hộ dân trồng mắc ca, điều tại tỉnh Lâm Đồng. Anh nói rằng: “Nông sản địa phương đang bị ép giá và khi xuất khẩu lại mang thương hiệu nước ngoài nên tôi vừa muốn nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa muốn xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp Việt Nam trên kệ hàng quốc tế”, Thắng khẳng định.

Một số sản phẩm của Thắng

nvcc

Là bạn từ thời học đại học của Thắng, chị Phạm Thúy Hiền (25 tuổi) chia sẻ: “Thắng là một người chân thành, sống hết mình với bạn bè và chịu khó kinh khủng. Trong công việc, có thời điểm Thắng tự làm mọi thứ, từ bưng bê hàng cho đến vận chuyển hàng hóa và kiêm luôn quản lý tài chính, kế toán”.

Khi được hỏi về bí quyết khởi nghiệp, Thắng bày tỏ mọi người không nên nhìn vào doanh thu của loại hình kinh doanh này mà cho rằng nó dễ làm, vì cũng chịu rất nhiều áp lực công việc. “Người trẻ phải biết tìm hiểu thị trường và xác định đam mê của mình là gì thì mới có hướng đi đúng đắn được. Như điều tôi muốn chính là mang lại thu nhập cho người dân và trong tương lai tôi sẽ đầu tư vùng nguyên liệu riêng cho riêng mình, từ đó, sản phẩm của người dân được xuất khẩu và sẽ có tiềm lực trồng nhiều loại hạt đa dạng hơn thì thu nhập sẽ phát triển hơn”, Thắng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.