Chàng trai gen Z 'nuôi' ý định làm thức ăn thủy sản từ... rau câu

Lê Hoài Nhân
Lê Hoài Nhân
29/03/2023 15:12 GMT+7

Tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế), chàng trai Đặng Văn Dần quyết định rẽ hướng với ý định làm thức ăn thủy sản từ rau câu vùng đầm phá chỉ vì... môi trường.

Tại Hội thảo "Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung", do Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD) tổ chức sáng nay (29.3) tại TP.Huế, trong số hàng trăm đại biểu nữ đến từ các vùng biển, đầm phá, PV Thanh Niên ấn tượng với một chàng trai hiếm hoi ngồi chăm chú lắng nghe.

Chàng trai 'nuôi' ý định làm thức ăn cho thủy sản từ rau câu vùng đầm phá - Ảnh 1.

Sáng 29.3, tại TP.Huế, Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD) tổ chức Hội thảo "Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung".

LÊ HOÀI NHÂN

Dần nghiêm túc, cẩn thận ghi chép lại những ý kiến của các chuyên gia về giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào hệ sinh thái, những sáng kiến sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu...

Đặng Văn Dần (23 tuổi, quê xã Phú An, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế), một trong những gen Z đang ấp ủ ý định làm thức ăn thủy sản thuần hữu cơ trên vùng đầm phá Tam Giang.

Chàng trai 'nuôi' ý định làm thức ăn cho thủy sản từ rau câu vùng đầm phá - Ảnh 2.

Anh Dần chăm chú lắng nghe các chuyên gia trình bày

LÊ HOÀI NHÂN

Chia sẻ nhanh cùng PV Thanh Niên, Dần thổ lộ về cảm hứng để lên ý định thực hiện dự án vì bản thân anh sinh ra và lớn lên từ vùng đầm phá, gia đình Dần xưa nay quanh năm mưu sinh bằng nghề đánh bắt trên đầm Chuồn. Gần đây chàng trai lo lắng vì thấy nguồn nước dần bị ô nhiễm, dẫn đến thiên tai, biến đổi khí hậu. Theo chàng trai này, nguyên nhân một phần do ngư dân sử dụng thức ăn công nghiệp trong việc nuôi thủy sản.

"Nguồn thức ăn thủy sản thuần hữu cơ là một loại thức ăn bảo vệ môi trường. Bởi nguyên liệu chính từ rau câu vùng đầm phá kết hợp cùng cám và bột ngô", Dần giải thích.

Sau khi được Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội hỗ trợ 20 triệu đồng, Dần mạnh dạn bắt tay vào nghiên cứu máy móc, nguyên liệu và sẵn sàng khởi nghiệp. Qua hội thảo lần này, với những tổng kết từ các chuyên gia, Dần phấn khởi vì học được thêm nhiều kinh nghiệm, góp phần hoàn thiện dự án.

"Trước đó mình đã nghiên cứu máy xay, máy tạo viên làm thức ăn. Nếu dự án thành công sẽ góp phần vào bảo vệ hệ sinh thái vùng đầm phá, đồng thời mình mong muốn dự án sẽ giúp một số người dân ở địa phương có thêm công việc hàng ngày", Dần nói.

Dần cho biết thêm có thể thấy những năm gần đây việc ô nhiễm đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, khi số lượng người mắc các bệnh hô hấp ngày càng tăng. Vì vậy việc chung tay để bảo vệ môi trường rất quan trọng và cấp thiết, nhất là những người trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.