Từ một chữ "duyên"
Trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) vừa công bố vào giữa tháng 3, Hải Đăng (23 tuổi) đã vươn lên hạng 163 còn Nguyễn Tiến Minh lùi xuống hạng 165. Qua đó, Hải Đăng trở thành tay vợt số 1 Việt Nam hiện nay.
Chia sẻ với Thanh Niên, Hải Đăng cho biết: "Em thật sự vui vì trong làng cầu lông Việt Nam đã có người vượt qua anh Nguyễn Tiến Minh sau 21 năm. Nhưng bên cạnh đó, em vẫn phải cố gắng tập luyện để nâng cao trình độ và thứ hạng của em".
Hải Đăng kể lại sở dĩ theo đuổi cầu lông bởi chữ "duyên". Ban đầu chàng trai này đến với cầu lông chỉ để tập luyện nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, sau khi "chạm" vào cầu lông một thời gian, Hải Đăng cảm thấy đam mê và mong muốn theo đuổi con đường chuyên nghiệp.
Và khi "toàn tâm toàn ý" với cầu lông đã giúp chàng trai gen Z nhận được những thành tích đáng khích lệ và được giới chuyên môn nhận xét tiến triển một cách thần tốc.
Hải Đăng là công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2018 khi gặt hái nhiều thành tích cao tại đấu trong quốc gia và quốc tế. Vận động viên tài năng này từng nhiều lần vô địch giải trẻ quốc gia. Tại Giải cầu lông trẻ quốc tế Síp năm 2018, Hải Đăng khiến giới chuyên môn kinh ngạc với 6 trận thắng và đăng quang ngôi vô địch một cách ấn tượng.
Chàng trai này cũng là người giành ngôi vô địch ở Giải Đại hội thể dục thể thao toàn quốc năm 2022, hạng nhì Giải Croatia mở rộng năm 2022...
Hiện tại, Hải Đăng tham gia Giải cầu lông quốc tế Ciputra Hanoi. Trong trận đấu đầu tiên, tay vợt thuộc đội tuyển cầu lông TP.HCM đã xuất sắc vượt qua đối thủ Yonathan Ramlie (Indonesia).
Mong được hát Quốc ca ở những giải đấu lớn
Trong làng cầu lông Việt Nam, Hải Đăng được nhiều người gọi bằng biệt danh là "Momota Việt Nam".
Giải thích về cái tên này, Hải Đăng cho biết: "Lối đánh của tay vợt người Nhật Bản Momota là phòng thủ và chờ đợi cơ hội để dứt điểm đối thủ. Vì em phòng thủ khá tốt nên mọi người đặt biệt danh như vậy. Em thần tượng tay vợt Momota vì em có lối đánh phòng thủ và điều khiển đối thủ chạy giống anh ấy. Nhưng em cẩn phải cải thiện thêm sức mạnh và tốc độ hơn thì mới vươn lên tầm quốc tế được".
Chia sẻ về sở trường trong phong cách thi đấu của bản thân, Hải Đăng bảo rằng: "Sở trường của em là phòng thủ, điều khiển cầu về 4 góc nhằm khiến đối thủ mệt và có cơ hội dứt điểm".
Hỏi về ước mơ của tay vợt số 1 Việt Nam hiện tại, chàng trai gen Z chia sẻ ước mơ giản dị, đó là: "Em mong muốn được hát Quốc ca ở những giải đấu lớn như: SEA Games, ASIAD".
Theo Hải Đăng, hiện bản thân đã và đang nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất nhiều từ Liên đoàn cầu lông Việt Nam nên sẽ nỗ lực hết mình, cố gắng thi đấu nhằm đạt được những thành tích tốt nhất cho thể thao nước nhà.
Trở lại với việc "soán ngôi" Nguyễn Tiến Minh trong bảng xếp hạng của Liên đoàn Cầu lông Thế giới vừa cập nhật mới đây, Hải Đăng cho biết: "Anh Nguyễn Tiến Minh là thần tượng của em và cũng là của tất cả vận động viên cầu lông Việt Nam. Em luôn coi anh Minh là một người đàn anh phía trước của em, là một người luôn hỗ trợ em trong quá trình tập luyện và thi đấu cũng như tháo gỡ những vấn đề khó khăn bên lề. Tính kỷ luật, sự đam mê cầu lông bền bỉ không biết mệt mỏi của anh Minh là những thứ em rất ngưỡng mộ và muốn học theo".
"Trong cuộc đời này, mỗi người đều có những ước mơ và mục tiêu riêng. Em không mong sẽ đạt đến thứ hạng bằng anh Minh là từng ở vị trí số 5 thế giới. Nhưng sẽ cố gắng để vào được top 50 thế giới và có thể thi đấu ở Olympic 2024. Em chỉ mong là giành được huy chương ở đấu trường SEA Game trong thời gian đến. Và dù em mới lên được top 1 Việt Nam, em sẽ không để ngủ quên trong cái "top 1" ấy, mà cố gắng tập luyện nhiều hơn nữa nhằm thể hiện được bản thân mình", Hải Đăng thổ lộ.
Cần siêng năng, chăm chỉ và khắt khe với bản thân
Nguyễn Hải Đăng tốt nghiệp Trường THPT năng khiếu Thể dục thể thao TP.HCM vào năm 2018 và được công nhận là vận động viên trẻ tham gia chương trình đào tạo nguồn nhân lực của thành phố.
Chia sẻ kinh nghiệm với những người trẻ đam mê và yêu thích cầu lông, Hải Đăng nói: "Môi trường thi đấu của cầu lông có sự cạnh tranh quyết liệt, để thành công, vận động viên cầu lông cần có sự siêng năng, chăm chỉ và khắt khe với bản thân trong tập luyện và thi đấu".
"Em sẽ gắn bó tập luyện và thi đấu trong cầu lông cho đến khi nào không còn đủ phong độ thì sẽ chuyển sang công tác huấn luyện để tham gia đào tạo các thế hệ đàn em, truyền đạt kinh nghiệm đến các vận động viên trẻ tuổi sau này", Hải Đăng cho biết thêm.
Bình luận (0)