“Ồ, bánh mì vẽ cả mặt cười à. Ăn rất ngon, giòn thơm. Tôi sẽ trở lại”, một vị khách Mỹ cười nói rôm rả với Đinh Văn Cường, 28 tuổi, chủ thương hiệu bánh mì Smile Mee.
Bánh mì sa tế tôm, một món ăn do Cường sáng chế - Ảnh: Thúy Hằng |
Gặp Đinh Văn Cường ngoài đời, khó ai nghĩ đây là một ông chủ, người sáng lập thương hiệu Bánh mì cười (103 Nam Đồng) và bánh mì Smile Mee (44 Phan Bội Châu), 2 địa chỉ quen thuộc của những tín đồ mê bánh mì chảo và bánh mì kẹp ở Hà Nội. Quần jeans, áo sơ mi trắng, đi xe đạp điện, người ta tưởng Đinh Văn Cường là một cậu sinh viên cho đến khi thấy anh đứng kế bên vị khách nước ngoài, thao thao bất tuyệt giới thiệu về món bánh mì kẹp thịt bò nướng mà vị khách đang cầm trên tay bằng một thứ tiếng Anh cực chuẩn.
Muốn bánh mì mang lại hạnh phúc
3 năm trước, Đinh Văn Cường nói với bố mẹ sẽ đi buôn bánh mì, đáp lại anh là một sự “bàng hoàng” của gia đình. Tốt nghiệp Học viện ngân hàng, trình độ tiếng Anh siêu, Đinh Văn Cường có thừa cơ hội trong những công ty nước ngoài, nhưng Cường từ chối hết, cùng với chị gái và một người bạn mở một cửa hàng bánh mì kẹp ở Trương Định. Bánh mì kẹp trứng, kẹp thịt, pate, xúc xích, giá thành rẻ, không gian ấm cúng, nhưng chủ và khách đều vui vẻ.
Cửa hàng ở Trương Định phải trả lại mặt bằng, Cường dọn quán qua phố Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ ngày Bánh mì cười xuất hiện, cả khu phố vốn đã tấp nập bởi la liệt hàng quán lại càng nhộn nhịp hơn.
Chân dung ông chủ trẻ sinh năm 1988 - Ảnh: Thúy Hằng
|
Trong vòng 8 tháng, khách hàng lúc nào cũng nườm nượp. Đột ngột, người cho thuê nhà đòi lại mặt bằng, Cường lao đao khi phải vừa dọn đồ, vừa tìm mặt bằng mới, chi phí bỏ ra để giải quyết các công việc này không hề nhỏ.
“Chúng tôi có 2 tháng để tìm ra cửa hàng ở Nam Đồng, mọi việc chuẩn bị lại bắt đầu lại từ đầu khi đồ đạc có thể không còn phù hợp, phải mua mới. Bù lại, có những kinh nghiệm quý báu trong kinh doanh chúng tôi đã thu được, về việc chế biến sản phẩm cũng như quản lý doanh thu”, ông chủ sinh năm 1988 cho hay.
Diện tích hơn 20 mét vuông với 33 chỗ ngồi cho khách, lượng khách nườm nượp vào mỗi ngày, những comment (bình luận) tốt của khách hàng cho thương hiệu Bánh mì cười Nam Đồng trên facebook, các kênh ẩm thực như Foody, Lozi… vẫn chưa làm ông chủ sinh năm 1988 hài lòng. Cách đây 6 tháng, anh bàn với các cộng sự của mình, quyết tâm đưa Bánh mì cười vào một phân khúc cao cấp hơn. Chiếc bánh mì bắt đầu hành trình từ bánh mì ăn trong quán xá bình dân được chế biến và ăn trong không gian sang trọng của biệt thự Pháp cổ.
Bỏ hơn 1 tỉ đồng cho bánh mì
“Từ khi bắt đầu với Bánh mì cười, tôi đã nghĩ đến lúc chiếc bánh mì kẹp của Việt Nam phải hiện đại hơn, kết hợp Á - Âu, phù hợp với các đối tượng khách hàng cần ăn món ăn ngon trong không gian đẹp”, Đinh Văn Cường nói về lý do anh mở tiệm bánh mì 44 Phan Bội Châu, đặt thương hiệu là Smile Mee.
"Nhiều người nói tôi liều khi bỏ hơn 1 tỉ đi bán bánh mì, nhưng theo tôi người kinh doanh phải mạo hiểm", Cường nói - Ảnh: Thúy Hằng
|
“Bánh mì cười từ trước đến nay và Smile Mee là 2 thương hiệu khác nhau, phục vụ các đối tượng khách hàng khác nhau, theo những tiêu chí kinh doanh riêng biệt, có điều cùng do nhóm 3 người chúng tôi quản lý”, ông chủ trẻ giới thiệu.
Cường mất rất nhiều thời gian để tìm được một ngôi nhà Pháp cổ kính ở khu phố trung tâm như Phan Bội Châu, anh mất 6 tháng để cải tạo thành một không gian sang trọng, lịch thiệp, ấm cúng, vừa truyền thống kết hợp hiện đại để bán bánh mì. Tổng chi phí trước khi khai trương là hơn 1 tỉ đồng.
“Mọi người rất lo lắng cho tôi. Nhưng tôi trấn an rằng, làm kinh doanh phải mạo hiểm chứ. Tôi gom góp hết lợi nhuận suốt 3 năm qua từ đi bán bánh mì, vay mượn thêm bạn bè, để có thể hoàn thành nhà hàng này”, Cường chia sẻ.
Bánh mì trong biệt thự của Cường có thực đơn phong phú ngoài những món truyền thống như bánh mì kẹp thịt, bánh mì chảo với trứng và xúc xích. Anh sáng tạo thêm thành bánh mì chảo đùi gà, bánh mì sườn nướng, bánh mì chảo hải sản, bánh mì sa tế tôm, bánh mì cá ngừ đại dương... Giá mỗi ổ/chảo bánh mì giá từ 25.000 - 49.000 đồng, ăn no nê. "Người ta nghĩ bánh mì sang chảnh này thì giá sẽ rất chát, nhưng chúng tôi muốn chứng minh điều ngược lại", Cường nói.
Bánh mì chảo đùi gà, món ăn mới của Smile Mee
Ông chủ trẻ muốn bánh mì cười đem lại hạnh phúc cho mọi người
|
Riêng chiếc bánh mì, Cường phải thức khuya dạy sớm, ra tận lò sản xuất để đặt hàng chiếc bánh mì làm đúng tỉ lệ bột mì, bột nở, muối, đường, cho chiếc bánh khác biệt nhất.
Cường sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh. Tuổi thơ của anh là những chiều tan học, được mẹ cho vài ngàn lẻ, anh đạp xe một mạch đến lò bánh mì, chờ đến khi chiếc bánh đưa ra, thơm phưng phức thì vừa ăn, vừa hít hà trong một cảm giác vui sướng, hạnh phúc. Tình yêu bánh mì với chàng trai Hà Tĩnh đến nay không đổi.
“Rất nhiều vị khách nước ngoài qua đây ăn bánh mì và đều gật gù khen ngon. Chiếc bánh mì kẹp là món ăn đặc biệt của Việt Nam, tại sao không phát triển nó để bạn bè nước ngoài biết đến nhiều hơn, như một cách quảng bá ẩm thực Việt Nam?”, Đinh Văn Cường nói về lý do anh sẵn sàng vượt mọi khó khăn bước đầu để Smile Mee đứng vững hơn trong một thị trường đồ ăn nhanh cạnh tranh khốc liệt.
Bình luận (0)