Chàng trai mang tã đi học suốt 12 năm mong đi làm kiếm tiền tìm cha mẹ

20/09/2020 15:19 GMT+7

Ngay từ khi mới ra đời, Nguyễn Văn Tâm không may bị liệt nửa người phải mang tã đến lớp suốt 12 năm liền.

Đến trường vẫn mang tã 

Chúng tôi gặp Nguyễn Văn Tâm (20 tuổi), người không may bị liệt nửa thân dưới trong ngày đầu làm hồ sơ nhập học một trường cao đẳng . Tâm cho biết, được xét đậu một trường đại học nhưng đành phải bỏ chuyển sang một trường cao đẳng vì học phí quá cao.
Tâm vẫn tỏ ra vui vẻ với cuộc sống hiện tại của mình mặc dù có một tuổi thơ khác lạ so với mọi người. 
Tâm là một đứa trẻ mồ côi với thân hình dị tật khác thường. Tâm bị liệt nửa thân dưới, có khối u tròn ở thắt lưng, thoát vị màng tuỷ. Tâm bị cha mẹ bỏ rơi từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đúng 20 năm về trước. Sau đó Tâm được chuyển qua Trung tâm bảo trợ xã hội Q.Gò Vấp nuôi dưỡng đến tận hôm nay.
Ở trung tâm, mỗi ngày Tâm được thầy cô bảo mẫu tận tình chăm sóc và nuôi nấng. Năm 6 tuổi, Tâm được trung tâm làm hồ sơ cho đi học lớp 1, làm quen với môi trường bên ngoài. Khó khăn nhất của Tâm khi đi học nhất là việc di chuyển đến trường. Mỗi ngày, Tâm được thầy cô ở trung tâm chở hoặc thuê xe ôm chở đến trường rồi di chuyển bằng xe lăn vào lớp. Có năm, lớp Tâm học ở  tầng cao nên mỗi ngày phải nhờ bạn bè cõng lên lớp.

Nguyễn Văn Tâm bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn nhưng vẫn cố gắng học tốt

Vì không thể tự chủ nửa thân dưới, mọi hoạt động bài tiết của Tâm phải trông cậy vào chiếc tã lót. Do đó, mỗi khi đến lớp Tâm luôn mang tã lót từ nhỏ cho đến tận bây giờ.
“Tôi được dạy tự lập ngay từ nhỏ từ các sinh hoạt cá nhân mỗi ngày như tự học bài, có khi còn chỉ cho các em nhỏ hơn học bài. Tôi còn tập được tự mình thay tã cho mình luôn. Những cái khác khó hơn tôi mới nhờ thầy cô giúp đỡ. Mỗi ngày đi học tôi mang theo 5 cái tã lận. Khó nhất là những lúc vệ sinh mà tôi không biết, nó tràn ra ngoài làm ảnh hưởng đến cả lớp”, Tâm chia sẻ.
Là một người khác thường so với bạn bè, đôi lúc Tâm không khỏi chạnh lòng với hoàn cảnh của mình. Những năm THPT, Tâm buồn vì tại sao cuộc đời của mình như vậy, không được may mắn như nhiều người khác. Tuy vậy, Tâm cho rằng không ai có thể được lựa chọn nơi mình sinh ra nên phải chấp nhận, cố gắng sống.
Tâm nói thêm: “Lúc nhỏ tôi không cảm thấy gì nhưng đến lớn tôi hơi tuổi thân, mặc cảm một chút. Có thời gian ở trường THPT, tôi ngồi phía trong dãy lớp nhìn ra thấy bạn bè chơi bóng chuyền, tôi ước gì mình phẫu thuật đi lại được để chạy ra chơi với các bạn. Hoặc có thể chơi được môn thể thao nào đó mình thích”.

Tiếp tục việc học để có thể tự mình lo cho mình

Sau khi tốt nghiệp THPT, Tâm quyết tâm mình phải tiếp tục việc học để có thể tự mình lo cho cuộc sống ở tương lai.
Trong khoảng thời gian đi học, Tâm đã phải tạm dừng 2 năm vì căn bệnh của mình. Những vết lở loét do mang tã thỉnh thoảng lại hành hạ khiến Tâm không thể ngồi. Những năm cuối THPT, Tâm tận lực học ngày đêm để vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp. Ngoài học ở trường, khi về trung tâm, Tâm lại lao vào học tiếp. Bài nào không hiểu Tâm lại nhờ thầy cô bảo mẫu chỉ giúp rồi tự ôn thi tốt nghiệp tại trung tâm. Điều kiện học tập của Tâm khá đơn giản, chỉ với sách báo có sẵn ở trung tâm. Chiếc máy tính cũ được một mạnh thường quân gửi tặng, Tâm dùng để học suốt nhiều năm liền.
Cuối cùng Tâm cũng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và chọn ngành thiết kế đồ họa ở một trường ĐH. Tuy vậy, số tiền học phí quá lớn, trung tâm không thể đáp ứng nên Tâm đổi nguyện vọng đăng ký học vào một trường cao đẳng.
“Tôi chọn ngành đó là vì tôi cảm thấy yêu thích nó. Một phần nó cũng phù hợp với sở trường, hình thể vì không cần phải di chuyển nhiều. Giờ tôi chỉ ước có một chiếc máy tính mới để học, chiếc máy tính cũ giờ như không còn sử dụng được nữa. Sau khi học xong tôi sẽ đi làm kiếm thật nhiều tiền để đi tìm lại ba mẹ của mình”, Tâm nói.
Thầy bảo mẫu của Tâm chia sẻ Tâm là một cậu bé có nhiều ý chí, nỗ lực trong cuộc sống. Tâm luôn cố gắng học mặc dù cuộc sống thiệt thòi và thiếu thốn nhiều thứ. Đậu tốt nghiệp và được xét vào một trường ĐH, đó là một thành công lớn với riêng chàng trai mang tã đi học suốt 12 năm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.