Số người thực sự chơi thủy sinh rất hiếm bởi nó không chỉ tốn kém, đòi hỏi đam mê và tính nghệ thuật của người chơi mà còn lắm công phu.
Trèo đèo lội suối
Không như những thành phố lớn, hàng thủy sinh ở Huế khá khiêm tốn. Ngoại trừ một số tiệm nhỏ ở đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Qúy Đôn, Trần Hưng Đạo, muốn có một hồ thủy sinh lớn thường phải đặt hàng tại Hà Nội hoặc TP.HCM. Thế nhưng, giới chơi thủy sinh Huế lại tìm cho mình một cách chơi riêng đầy thú vị và chàng trai trẻ Đặng Bá Thành là một người nổi tiếng trong giới ở Huế bởi “khả năng” đặc biệt của mình. “Anh Thành còn trẻ nhưng là một người chơi thủy sinh thực thụ ở Huế. Thành có rất nhiều bể thủy sinh đẹp khiến người khác phải ngưỡng mộ. Ngoài một số phụ kiện phải mua thì đa số đồ làm hồ thủy sinh thường được Thành đi vào sông suối để tìm kiếm. Bởi thế hồ thủy sinh của Thành thường mang vẻ đẹp riêng, gần gũi với thiên nhiên Huế”, anh Nguyễn Ngọc Thủy - một người chơi thủy sinh ở TP.Huế, chia sẻ.
|
Vừa bước vào ngôi nhà nhỏ trên đường Bà Triệu, đã thấy những bể cá lớn. Căn phòng ngủ cũng được đặt những bể thủy sinh bên cạnh. Không gian ngôi nhà trở nên xanh tươi, đầy sức sống. Anh Thành vừa chăm chú nhìn những chú tép, chú cá đang bơi vừa nói: “Những con này hay lắm. Chúng cũng có cả thế giới đầy thú vị. Sau giờ làm việc mệt mỏi, ngồi ngắm chúng bơi lội, nô đùa với nhau cũng vui. Nhìn vậy đó, bể thủy sinh mua thì dễ chứ tự làm để chơi thì cũng kỳ công lắm”. Theo anh Thành, thú chơi thủy sinh nếu được chơi một cách nghiêm túc thì khá đắt. Tuy nhiên độ phức tạp, cũng như mức đầu tư cũng còn phụ thuộc vào mục đích của người chơi. Có thể, người chơi chỉ cần mảng xanh đơn giản trong nhà thì đầu tư không nhiều. Nhưng đối với những hồ thủy sinh có bố cục, có sinh vật cảnh đa dạng thì cần tiền bạc cũng như công sức khá cao. “Không hiếm những loại cây, loại tép, loại cá có giá bạc triệu. Tép thủy sinh có khá nhiều loại với nhiều tên gọi khác nhau như tép ong, tép cọp, king kong, mũi đỏ, chấm trắng, chery đỏ…Nhiều người chơi ở TP.HCM đầu tư một bể thủy sinh cả trăm triệu là chuyện thường. Ở Huế, thú chơi này đã bình dân hóa. Một bể thủy sinh thường có giá từ 500 ngàn đến 5 triệu. Giới chơi thủy sinh ở Huế thường vào sông suối để bắt cá, bắt tép, lấy đá tìm cây để phục vụ cho thú chơi của mình. Mình và bạn bè thường đi đến những huyện miền núi như A Lưới, Nam Đông vào cuối tuần. Muốn có một bể thủy sinh ưng ý cũng phải đi vài chuyến trèo đèo lội suối mới được. Gần chục bể thủy sinh của mình phải mất cả mấy chục chuyến đi đó”, anh Thành cho biết.
Nghề chơi
Theo anh Thành, mọi người thường đùa nhau, chơi thủy sinh là nghề chơi chứ không còn là thú chơi. Bởi chơi thủy sinh không như nhiều thú chơi khác. Để có một bể thủy sinh đẹp thì đầu tiên người chơi cần có một sự đam mê thật sự, tiếp đến là một ít kiến thức về môi trường sống của sinh vật cảnh, chế độ ăn uống, nhiệt độ, ánh sáng, dịch bệnh... và không thể thiếu một con mắt có chút nghệ thuật để tạo ra những bể thủy sinh đẹp. “Đối với mình, tiêu chí là đưa tác phẩm của mình về thật gần với thiên nhiên, tạo được một hệ sinh thái ổn định trong hồ. Điều quan trọng nhất là mình phải biết sắp xếp tất cả để có một bố cục đẹp. Hệ thống chiếu sáng, bình lọc, bình khí…phải bố trí khoa học, hợp lý tùy theo thời tiết. Mọi kiến thức về sinh vật cảnh thì mình phải tìm tòi học hỏi ở trên mạng và rút ra kinh nghiệm từ bản thân, chứ không có sách vở nào dạy cả. Nói chung, khi nó đã trở thành thú đam mê thì sẽ kích thích mình tìm tòi về nó”, anh Thành nói.
Vào năm 2010, anh Thành mở quán cà phê Thủy Sinh dự kiến làm nơi sinh hoạt chung nhóm chơi thủy sinh của anh. Trong năm đó, anh và mọi người đã tổ chức một số cuộc thi về hồ thủy sinh đầu tiên tại Huế. Tuy nhiên do bận bịu công việc nên anh Thành phải sang lại quán trong năm 2011. “ Mình cũng từng tham gia nhiều cuộc thi về thủy sinh trong, ngoài nước và được đang giá cao. Nhưng đối với mình tất cả chỉ là đam mê, là giải trí. Chơi thủy sinh không chỉ thỏa được đam mê nuôi cá sinh vật cảnh đã có từ nhỏ của mình mà còn thỏa mãn được niềm vui tìm hiểu và tự tạo không gian thư giãn xanh trong ngôi nhà nhỏ của mình. Từ nhỏ mình đã rong ruổi đi bắt cá, tìm rong ở khu vực cầu Đập Đá để đem về nuôi rồi. Vì thế, thú chơi này đến với mình khá đơn giản và tự nhiên”, anh Thành chia sẻ.
Tuyết Khoa
>> Hồ thủy sinh trên trạm không gian
Bình luận (0)