Từng nhịn ăn để mua sách cũ
Tiệm sách cũ của anh Chuộn nằm sâu trong hẻm 132, đường Ba Tháng Hai, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Điểm nhấn của tiệm là có nhiều loại sách, tạp chí cũ xuất bản đã lâu. Có loại giấy hoen cũ ố vàng, gợi biết bao nhớ thương về ký ức. Tất cả được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp trên kệ. Điểm bán không phải mặt tiền những vẫn có một lượng khách ổn định đến mua mỗi ngày.
Anh Chuộn là cựu sinh viên ngành sư phạm lịch sử Trường ĐH Cần Thơ. Trước đây, anh thường xuyên đến các thư viện, nhà sách trong thành phố để tìm kiếm tài liệu học tập. Bên cạnh bồi đắp kiến thức chuyên môn, anh còn muốn làm phong phú nội dung cho fanpage cung cấp những kiến thức bổ ích về lịch sử (hiện nay có hơn 20.000 người theo dõi - PV). Tuy nhiên, có những quyển sách anh phải tìm mua ở nhà sách cũ mới có.
"Tôi là người yêu sách và thích đọc sách. Thời sinh viên, từng đi làm thuê cho nhiều chỗ, mỗi buổi nhận thù lao 50.000 đồng nhưng tôi sẵn sàng nhịn ăn để mua một bộ sách cũ về lịch sử có giá 80.000 đồng", anh Chuộn kể.
Càng đam mê, số sách cũ được Chuộn tích lũy ngày một nhiều. Do ở ký túc xá của trường, anh phải bán bớt vì không muốn ảnh hưởng đến các bạn cùng phòng, đồng thời xoay vốn để mua lại sách khác. Qua những lần trao đổi, anh thấy nhu cầu mua sách cũ của người trẻ khá nhiều nên nảy ý tưởng khởi nghiệp. Khi học năm thứ 3, anh Chuộn đã quen với công việc bán sách cũ online và có nhiều mối quan hệ với những người có thâm nghiệm trong lĩnh vực này.
Theo anh Chuộn, việc bán sách cũng như là bán 'tri thức' nên tuyệt đối nói không với sách lậu. Bởi đó là cách để tôn trọng mồ hôi, công sức, trí tuệ và sự sáng tạo của tác giả. Thời gian rảnh, anh thường đọc tiêu điểm của một số loại sách bán chạy để có thể giới thiệu cho khách khi cần. Anh đặt nhiều tâm huyết vào tiệm sách cũ của mình, nâng niu từng trang tài liệu cũ. Bởi theo anh, sự hiểu biết của bản thân được mở mang, góc nhìn về cuộc sống ngày càng sâu sắc hơn cũng là nhờ tiệm sách này mà có.
Mong gặp tài liệu của học sinh 8X, 9X
Sau khi tốt nghiệp đại học, trong lúc chờ cơ hội xin việc làm, anh Chuộn mở tiệm sách cũ nhỏ tại quê nhà ở H.Long Phú, Sóc Trăng. Mát tay trong những lần chốt đơn nên năm 2017, anh quyết định lên TP.Cần Thơ gầy dựng tương lai với việc bán sách cũ.
Gác việc giáo viên để làm điều mình thích, anh không dễ dàng thuyết phục được gia đình. Anh cũng nhận thấy hiện nay thành phố có nhiều nhà sách hiện đại, khang trang, đẹp đẽ. Tuy nhiên, anh cũng tin là vẫn có nhiều sinh viên, cô chú trung niên, người già có tâm hồn yêu văn hóa đọc, trân quý những thứ còn sót lại của quá khứ qua những trang sách cũ.
Từ vài quyển sách thời 'sinh viên', đến nay, chàng trai quê Sóc Trăng đã trưng bày tại tiệm gần 10.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó, có kho chứa những quyển sách thuộc hàng 'khó tìm' về lịch sử, văn hóa, từ điển, y học và văn học trước năm 1975. Với anh Chuộn, có trong tay những thứ ấy tựa như có một kho báu. Có hôm đi qua lại ngắm nghía cũng đủ thấy lòng vui.
Anh Chuộn cho biết thêm, có lúc 'sách gặp đúng người', khách không quan tâm giá cả, chốt rất nhanh, nhưng có thời điểm mua vào lô sách cũ, nhiều tháng liền chẳng bán được quyển nào. "Tôi quyết định theo nghề bán sách cũ vì một phần là... nhớ tuổi thơ. Tôi hy vọng sẽ sưu tầm được những tài liệu giáo dục phổ thông ngày xưa, đặc biệt là các giáo trình dạy học cho thế hệ học sinh 8X, 9X. Những quyển sách may mắn tìm được tôi giữ lại chứ không bán. Sưu tầm được quyển nào, tôi mang về quê trưng bày cẩn thận trong tủ kính, thỉnh thoảng lấy ra xem, cảm giác rất khó tả vì nó gợi lên một thời ký ức đẹp", anh Chuộn bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Minh Thùy (38 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều) cho biết, chị là mối quen của tiệm 2 năm nay. Chị khó tin vì trong hàng trăm chồng sách chất cao hơn mắt người, anh Chuộn nhớ rất rõ quyển nào nằm ở đâu để lấy cho khách. Mỗi lần đến tiệm, chị mua 1 - 2 quyển liên quan đến văn học, báo chí. "Hồi nhỏ, tôi cũng ước mơ có một tủ sách đầy ắp như vậy. Tôi rất ấn tượng với tiệm sách cũ này, bởi đây là một trong số ít nơi mà một người trẻ còn nặng lòng với nghề bán sách cũ", chị Thùy nói.
Bình luận