(TNO) Nối tiếp tinh thần của Thần Tượng, ở Chàng trai năm ấy, Quang Huy vẫn giữ vững cái nhìn lạc quan đến độ lý tưởng về cuộc sống.
|
Bắt đầu bằng một xen mà người viết thấy hay nhất phim, đó là lúc nhân vật chính Đình Phong thức dậy từ sớm vào một buổi sáng tại Singapore. Trong căn phòng nhỏ, khi những người bạn vẫn đang say giấc, thậm chí là nói mớ một cách hài hước, Đình Phong tiến lại phía cửa sổ, và bên dưới con đường, tiếng kinh chùa đều đều vang. Đây là phân đoạn Sơn Tùng đã lột tả tuyệt vời trạng thái một con người chạm được giới hạn của cuộc sống khi anh ta biết căn bệnh hiểm nghèo đang chiếm lấy cơ thể mình. Ở Thần Tượng, tôi chưa được nhìn thấy sự tiếp cận của một đạo diễn đúng nghĩa. Nó giống một sự khám phá điện ảnh hơn, thật ra chẳng có gì gọi là bất ổn cả, vì như Quang Huy từng chia sẻ, anh thích đón nhận thành công của một tập thể hơn là thành công của riêng cá nhân mình. Và Thần Tượng đúng là kiểu thành công giống anh mong đợi. Một xen thì không thể đại diện cho chín mươi mấy phút của Chàng trai năm ấy, nhưng rất rõ ràng, nó nói lên được con người đạo diễn của Quang Huy, về cái cảm giác chính xác mà đạo diễn cần có. Đôi khi, những thứ chạm tới trái tim người ta không hẳn là tiếng khóc. Khuôn mặt nửa đau khổ nửa lạ lẫm của Đình Phong tại khoảnh khắc đối diện với chính bản thân mình, cái khoảnh khắc làm nên đoạn giang tấu dịu dàng giữa bài ca vốn đã đầy kịch tính, thiết nghĩ, còn xúc động hơn phần độc thoại cuối phim. Lẫn trong tiếng kinh chùa kia, có điều gì tựa như sự chữa lành.
Lấy cảm hứng từ tự truyện Bắt đầu một kết thúc của cố ca sĩ Wanbi Tuấn Anh, Chàng trai năm ấy là hành trình sống vỏn vẹn 5 năm kể từ lúc phát hiện ra mình mắc phải căn bệnh u tuyến yên của chàng ca sĩ trẻ Đình Phong. Cần phải nhấn mạnh, Chàng trai năm ấy không phải là dạng phim tiểu sử nên sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu nhân vật Đình Phong mà Sơn Tùng MPT đảm nhận được xây dựng một hình ảnh riêng biệt. Đình Phong của Chàng trai năm ấy là kiểu người đam mê, nhiệt huyết, dư năng lượng và thỉnh thoảng thích thể hiện. Giấc mơ về một liveshow hoành tráng chưa kịp thực hiện, Đình Phong đã lao vào cuộc chiến kéo dài thời gian sống, và liveshow duy nhất được tổ chức cũng chính là liveshow quyên góp tiền cho anh chữa bệnh. Chuyện buồn là thế, song vẫn tràn ngập tiếng cười ở hơn nửa đầu phim nhờ màn tung hứng của hai nhân vật Quỳnh Băng và Kiến Hà. Nối tiếp tinh thần của Thần Tượng, ở Chàng trai năm ấy, Quang Huy vẫn giữ vững cái nhìn lạc quan đến độ lý tưởng về cuộc sống. Có lẽ, Quang Huy thực sự là kiểu người như chính anh từng nói: “Tôi thích sự tích cực, và tôi thích khán giả của mình cũng giống thế. Tôi không chắc mình sẽ làm dạng phim này tới bao giờ, nhưng tôi muốn có một kết thúc cho người ta niềm tin”.
Điều quý giá nhất Quang Huy có được, cũng chính là điều Chàng trai năm ấy có được, không phải một câu chuyện hấp dẫn hay một dàn diễn viên đồng đều mà chính là cảm xúc. Thứ cảm xúc đó, dù có vài đoạn hơi hồn nhiên, hơi dồn dập, hơi ướt át nhưng tóm lại nó là cảm xúc chân thành. Khán giả hoàn toàn có thể đồng cảm được với những giọt nước mắt của các nhân vật trong phim. Để làm được vậy cần có một sự chuẩn bị tâm lý kỹ càng cho nhân vật. Ở một phần tư đầu phim, Chàng trai năm ấy đã có một bản dựng chưa thật sự mạch lạc nếu không muốn nói là nó khá rối và ồn ào. Cách kể chuyện của Quang Huy cũng có vài giới hạn nho nhỏ, điển hình nhất là cú flashback làm sáng tỏ về nhân vật do Hứa Vĩ Văn đảm nhận, dù chỉ là một cú twist nhẹ nhàng, nó vẫn cứ làm gián đoạn đi vẻ mộc mạc của phim. Tuy nhiên, chính nhờ cảm xúc mạnh mẽ quý giá kia mà người xem sẵn lòng lướt qua rất nhanh những cái lỗi ấy. Một điểm đáng trân trọng khác ở Quang Huy là sự tận tụy với tác phẩm của mình. Trong dàn diễn viên năm người, anh đã không bỏ sót bất cứ ai. Không riêng gì Sơn Tùng MTP, từ Hứa Vĩ Văn, Hari Won cho đến Ngô Kiến Huy, Phạm Quỳnh Anh, ai cũng được đầu tư và cho nhiều đất diễn để bộc lộ khả năng diễn xuất của mình. Nghe thì tưởng đơn giản nhưng chẳng phải đạo diễn nào cũng giữ được sự công tâm tối thiểu đấy, đơn cử là bộ phim gần đây, Để mai tính 2, một minh họa xuất sắc cho chuyện bộ phim một diễn viên và các diễn viên còn lại gần như chỉ là chiếc bóng mờ nhạt. Hẳn là, đặc điểm khiến Quang Huy ngay lập tức được xếp vào hàng ngũ đạo diễn được kỳ vọng chỉ sau hai tác phẩm không gì khác ngoài sự chỉn chu và tận tụy này.
Còn nhớ mùa hè năm nay, một tác phẩm điện ảnh mà nhân vật chính cũng bị mắc bệnh hiểm nghèo là The Fault In Our Stars đã bất ngờ vượt mặt một số phim bom tấn làm náo động phòng vé. Từ bỏ hình ảnh nổi loạn ở The Descendant năm nào, trong The Fault In Our Stars, cô diễn viên trẻ Shailene Woodley đã dấn thân vào một bi kịch mới của nhân vật Hazel: Bị ung thư tuyến giáp giai đoạn bốn, di căn sang phổi và sống từng ngày như là chờ đợi thần chết gõ cửa ở tuổi mười bảy. Sẽ dễ dàng bắt gặp được nhiều điểm chung giữa Hazel và Đình Phong, đấy chính là “tuổi trẻ để dành”, cách đối mặt cái chết và những mối quan hệ tình thân vô cùng đẹp đẽ của họ. Đình Phong mới ngoài hai mươi, rất trẻ để biết sợ hãi cái chết, và cũng rất trẻ để biết chấp nhận số phận, song tất cả mọi biểu hiện của Đình Phong cũng làm người xem liên tưởng đến thông điệp tích cực của The Fault In Our Stars khi Gus - người yêu của Hazel ngậm điếu thuốc và bảo rằng: “Thuốc lá không giết được ai trừ khi người ta châm thuốc hút. Anh chưa bao giờ châm điếu nào hết. Đó là một phép ẩn dụ, xem này, ta đặt thứ giết người giữa hai hàm răng mà ta không cho nó sức mạnh để giết ai”.
Từ đầu đến cuối phim, “cái thứ giết người” ấy chưa một lần được Quang Huy trao cho sức mạnh để giết bất kỳ ai.
|
|
|
|
Một số hình ảnh từ Chàng trai năm ấy
|
Bình luận (0)