|
“Các doanh nghiệp thường đặt lợi ích kinh tế hàng đầu, vì vậy vấn đề quan trọng là phải cân bằng được giữa lợi ích và việc bảo vệ môi trường”, Makoto chia sẻ.
Sinh ra tại thành phố Niihama (tỉnh Eshime), nơi có sông nước, núi non hữu tình nên Makoto luôn mong muốn giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên. Khi còn là sinh viên, ngoài việc tham gia hoạt động xã hội, Makoto thường xin vào Cty của ba mình mỗi khi có đợt triển khai các hoạt động, dự án về môi trường.
Makoto lựa chọn Cty Suntory để làm việc sau khi tốt nghiệp vì đây là một trong những doanh nghiệp được đánh giá hàng đầu về bảo vệ môi trường.
Đi khắp nơi để khám phá và trải nghiệm, Makoto luôn ám ảnh bởi những bãi biển đầy rác, những con phố nhỏ xinh nhưng mọi người không có ý thức, vứt rác bừa bãi, những dòng sông đang chết dần do nhà máy xả nước thải …
Đến với Hội An, Makoto được phân công làm việc tại Phòng Tài nguyên - Môi trường. “Là thành phố du lịch nổi tiếng, nên vấn đề môi trường ở đây được giải quyết khá tốt.
Biển Hội An rất đẹp, phố cổ rất sạch, nhưng đối tượng tôi quan tâm là các doanh nghiệp. Tôi mong muốn sự thay đổi ngay từ ý thức của doanh nghiệp.
Nhưng nếu chỉ tuyên truyền suông thì không thể lọt tai họ được, mà phải tìm cách thuyết phục, đánh vào lợi ích, giá trị mà họ đạt được”, Makoto nói. Chàng trai Nhật xây dựng và triển khai các dự án, thuyết trình, giới thiệu đến doanh nghiệp về lợi ích, công nghệ bảo vệ môi trường.
Suốt buổi trò chuyện, Makoto nói bằng tiếng Việt rành mạch, rõ ràng. Trước khi đến Hội An, anh có 5 tháng học tiếng Việt tại ĐH KHXH&NV TP HCM và ĐH Bách khoa Hà Nội.
Makoto chia sẻ: “Học tiếng Việt rất khó, vì tiếng Việt giàu nghĩa, lại có dấu. Nhưng khi trò chuyện với người Việt tôi rất thích nên càng cố gắng học. Người Nhật thường bị cuốn vào guồng máy công việc, những áp lực khiến con người ít gần gũi nhau. Tôi mến tính thật thà, gần gũi của người Hội An. Nhiều khi tôi quên hay đánh rơi một món đồ gì đó đều được trả lại khiến tôi rất tin tưởng, cảm giác thật ấm áp”.
Ngoài giờ làm việc chính, Makoto thường thích dạo trên các con phố, ăn những món vỉa hè để được trò chuyện nhiều hơn với người dân, hiểu hơn về văn hóa, con người phố cổ.
Theo Hoài Văn / Tiền Phong
Bình luận (0)