Ăn mát lạnh, khác biệt
Một nhân vật tôi từng phỏng vấn có chồng là người Ấn Độ. Hiện, chị sinh sống và làm việc tại TP.Chennai - nơi tập trung ẩm thực nhiều vùng miền của đất nước này. Chị kể với tôi rằng, ẩm thực quê chồng của chị khá phong phú. Ở Việt Nam, nếu bánh tráng trộn được bán phổ biến thì ở Ấn Độ bánh Pani Puri cũng được bán khắp nơi. Đây là món ăn nhanh, tùy vùng sẽ có vị chua, mặn khác nhau.
Chị nói thêm rằng, khi phục vụ khách, người bán phải dùng ngón làm thủng một lỗ tròn nhỏ trên bánh. Nghe chị kể lại, tôi cũng háo hức được thử món ăn vặt này.
Tình cờ một lần đi qua phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (Q.10), tôi thấy người bán treo biển bán món này, tôi quyết định dừng lại thử. Chủ quán là anh Trần Quốc Hưng (29 tuổi).
Bánh ở đây cũng được chiên sẵn ở nhà. Những chiếc bánh tròn, vỏ mỏng và rỗng ruột được chiên vàng ươm, giòn rụm. 16 giờ chiều, anh Hưng mở bán.
"Trong một lần đi ăn ở nhà hàng Ấn Độ, tôi rất thích món này nên về tự tìm tòi trên mạng, hỏi chủ quán người Ấn Độ về cách làm. Tôi muốn đưa ẩm thực nước ngoài để thực khách Việt Nam có thể trải nghiệm các món ăn khác nhau", anh bày tỏ.
Trước đây, anh Hưng làm nghề thiết kế. Dịch Covid-19 bùng phát khiến anh rơi vào cảnh thất nghiệp. Lúc đó, anh cũng muốn chuyển hướng sang kinh doanh.
Theo lời giới thiệu của anh Hưng, nhân bánh gồm khoai tây nghiền trộn chung với 3 - 4 loại gia vị Ấn Độ. Anh lấy vỏ bánh ấn một lỗ nhỏ phía trên, lần lượt cho nhân, nước xốt, cà chua thái hạt lựu và sữa chua vào. Bánh có lớp mỏng và lớp dày. Lớp dày phía dưới giữ nước sốt không bị chảy ra. Mỗi mẻ anh chiên 10 bánh trong khoảng 10 giây.
"Tôi cũng bị phỏng nhiều lần mới tìm ra được công thức chiên bánh vừa vàng vừa giòn. Lúc ăn thử nghiệm, không ít người nói hơi khó ăn nên tôi phải gia giảm lại cho hợp khẩu vị người Việt Nam", anh bày tỏ.
Đông khách đến ăn thử
Tôi thấy khách đến quán anh Hưng khá đông. Không ít người trong số đó vì thấy món bánh lạ mắt nên mua ăn thử. Mỗi phần 5 chiếc có giá 35.000 đồng. Tôi gọi một phần ăn thử. Vị bánh chua chua, thanh mát, nước xốt có mùi thơm đặc trưng, thực sự... rất lạ.
"Khách cũng băn khoăn hỏi tôi về bánh này. Tôi vừa bán vừa giải thích, chia sẻ những gì tôi biết về văn hóa Ấn Độ. Thời gian đầu tôi chưa tìm ra công thức nên làm sai nhiều, tiền vốn bỏ ra lớn. Thay vì chán nản, tôi lại đặt nhiều tâm huyết vào đó đến khi khách ưng ý. Giờ thấy mọi người dần ủng hộ tôi rất vui và mừng. Vừa bán tôi vừa lắng nghe sự góp ý của khách để món bánh hoàn thiện hơn nữa", anh nói.
Hiện, mỗi ngày anh Hưng bán được khoảng 70 - 80 phần bánh. Anh tâm sự, bản thân sẽ dành thời gian đi Ấn Độ để trực tiếp trải nghiệm ẩm thực nước bạn nói chung và món bánh Pani Puri nói riêng.
"Tôi nhớ có khách Ấn Độ đến ăn thử món bánh này và ngạc nhiên. Họ hỏi tại sao bánh truyền thống của quê nhà lại xuất hiện ở Việt Nam. Ăn xong họ khen ngon, nhận xét "very good" (rất tuyệt) và gửi lời cảm ơn đã mang món bánh Ấn Độ để thực khách được thưởng thức. Tôi nghe khách nói vậy rất mừng và có thêm động lực để làm cho món ăn này phổ biến hơn", anh bày tỏ.
Chị Vũ Thu Hà (25 tuổi, ở Q.10) lần đầu ăn thử món bánh Pani Puri và nhận xét: "Bánh ăn rất lạ, không giống với bất kỳ món bánh nào mình từng ăn. Mình thấy bánh có vị chua thanh, ăn mát, nước xốt đặc biệt. Dù không quen nhưng lần sau ghé chợ Hồ Thị Kỷ, nhất định mình sẽ tiếp tục ăn món này".
Bình luận (0)