Chàng trai rong ruổi khắp phố ghi lại hình ảnh đầy cảm xúc của người lao động

04/06/2024 16:25 GMT+7

Cứ mỗi cuối tuần, Trần Quốc Sự (29 tuổi) lại một mình chạy xe máy từ H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến TP.HCM để chụp ảnh. Những con đường, góc phố và hình ảnh con người lao động tại TP.HCM luôn là niềm cảm hứng bất tận của chàng trai đam mê nhiếp ảnh.

Dù bận rộn với công việc văn phòng tại một công ty gia công đá thạch anh ở tỉnh Đồng Nai nhưng cuối tuần nào Sự cũng một mình chạy xe máy đến TP.HCM để chụp ảnh. Chàng trai đam mê nhiếp ảnh cho biết nếu đi cùng bạn bè sẽ không thể tập trung cảm nhận được những góc ảnh đẹp. 

Quê ở tỉnh Cà Mau, năm 2014, Sự lên TP.Cần Thơ học tập. Trong thời gian là sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, Sự đã nhận ra niềm đam mê và thường xuyên đi chụp ảnh bằng điện thoại. “Lúc đó mình luôn ước ao có được một chiếc máy ảnh nhưng không có tiền mua. Ấy vậy mình vẫn đi chụp hình bằng điện thoại, tuy thành quả không sắc nét nhưng nó giúp mình thỏa đam mê”, Sự chia sẻ.

Chàng trai rong ruổi khắp phố ghi lại hình ảnh đầy cảm xúc của người lao động- Ảnh 1.

Hình ảnh Sự chụp những người làm nghề xe ôm công nghệ nhận được nhiều lượt tương tác trên mạng xã hội

NVCC

Năm 2018, Sự tốt nghiệp đại học và quyết định lên H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai lập nghiệp. “Mức lương ở đây cao hơn, giúp mình có thể trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình”, Sự nói. Năm 2023, sau thời gian dành dụm, Sự đã mua được chiếc máy ảnh đầu tiên. Sự luôn bị thu hút bởi khung cảnh ở những địa điểm có nét hoài cổ như: chợ Phùng Hưng, chung cư An Bình (Q.5, TP.HCM)...

Chàng trai rong ruổi khắp phố ghi lại hình ảnh đầy cảm xúc của người lao động- Ảnh 2.

Một gánh hàng rong qua ống kính của Sự

NVCC

“Khi đến những khu chợ, mình hòa vào dòng người và bắt đầu quan sát hoạt động của tiểu thương. Một tấm ảnh đẹp với mình sẽ đảm bảo các yếu tố như màu sắc, bối cảnh, bố cục và sự tự nhiên. Trước khi chụp ảnh mình sẽ không tính toán nhiều, đến nơi và cảm nhận nét đẹp của từng ngóc ngách. Những cú bấm máy sẽ giúp mình ghi lại cảm nhận cá nhân về một khung cảnh hay hoạt động của người lao động”, Sự chia sẻ.

Chàng trai rong ruổi khắp phố ghi lại hình ảnh đầy cảm xúc của người lao động- Ảnh 3.

Sự ghi lại hoạt động của người dân tại một khu chợ

NVCC

Ở mỗi địa điểm, Sự thường dành khoảng 2 tiếng đồng hồ để chụp ảnh. Khi về nhà, Sự dùng những ứng dụng để xử lý ảnh, nhưng chỉ xử lý phần ánh sáng, màu sắc… chứ không chỉnh sửa quá nhiều khiến tấm ảnh mất đi sự tự nhiên và cảm xúc.

Chàng trai rong ruổi khắp phố ghi lại hình ảnh đầy cảm xúc của người lao động- Ảnh 4.

Góc nhìn cuộc sống qua chiếc kính cận

NVCC

“Mình là người yêu thích cái đẹp và nghệ thuật. Và với mình không có một khuôn khổ nào để quy định, áp đặt một bức ảnh là đẹp hay xấu. Có những hôm đi chụp về xem lại hình ảnh mình thấy không ưng ý. Tuy nhiên, qua hôm sau xem lại thì mình thấy hình ảnh ổn hơn. Và khi đăng tải lên mạng xã hội mình lại thấy mọi người ủng hộ rất nhiều. Mình nghĩ điều mà bản thân làm tốt nhất qua những bức ảnh là truyền tải cảm xúc”, Sự chia sẻ.

Chàng trai rong ruổi khắp phố ghi lại hình ảnh đầy cảm xúc của người lao động- Ảnh 5.

Sự ghi lại khoảnh khắc lao động thường ngày của những người chạy xích lô tại TP.HCM

NVCC

Chàng trai rong ruổi khắp phố ghi lại hình ảnh đầy cảm xúc của người lao động- Ảnh 6.

Những hình ảnh bình dị của người dân ở TP.HCM được Sự ghi lại

NVCC

Khi được hỏi có muốn theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh chuyên nghiệp không?, Sự trả lời: “Mình đã từng thử nhưng lại thấy bản thân không phù hợp. Với mình nghệ thuật là sự tự nhiên, thỏa sức sáng tạo. Nhưng khi mất đi sự tự do, làm việc theo một khuôn khổ nào đó lại khiến bản thân không còn năng lượng sáng tạo, thăng hoa. Công việc văn phòng hiện tại rất ổn định, mình cũng không phải thuộc kiểu người thích mạo hiểm nên nhiếp ảnh chỉ đơn thuần là đam mê”.

Chàng trai rong ruổi khắp phố ghi lại hình ảnh đầy cảm xúc của người lao động- Ảnh 7.

Trần Quốc Sự

NVCC

Sự cho biết những người trẻ đam mê nhiếp ảnh nhưng không biết bắt đầu từ đâu thì cứ mạnh dạn đi chụp cảnh, cây cối, con người lao động… dần dà sẽ hình thành được kỹ năng. Với Sự việc có trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hay không còn là duyên số, “nghề chọn người” và chàng trai này sẽ nắm bắt nếu cơ hội đến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.