Chàng trai sở hữu gần 2.000 bức tranh cá 3D

22/03/2018 19:53 GMT+7

Một lần tình cờ xem được video về nghệ thuật vẽ tranh cá 3D của nghệ nhân nước ngoài, anh Nguyễn Tấn Đạt (ngụ Q.3, TP.HCM) như bị thôi miên và từ đó anh quyết tâm theo đuổi loại hình nghệ thuật này.

Từ một chàng trai không biết gì về nghệ thuật vẽ tranh cá 3D, đến cả người truyền dạy cũng không, nhưng sau hơn 4 năm mày mò, nghiên cứu, giờ đây anh  Đạt đã sở hữu gần 2.000 bức tranh về thể loại này.

Anh Đạt kể: “Khi xem được video về nghệ thuật vẽ cá 3D của nghệ nhân Riusuke Fukahori, Nhật Bản, mình như bị thôi miên, từ đó mình mày mò nghiên cứu về các chất liệu và phương pháp vẽ. Đến năm 2015, sau nhiều lần thất bại thì mình đã thực hiện được tác phẩm đầu tiên”.

Để cho ra đời những bức tranh cá 3D sinh động như thật, Nguyễn Tấn Đạt đã nhiều đêm thức trắng NHÂN VẬT CUNG CẤP

Theo anh Đạt, nghệ thuật tranh cá 3D là một phương pháp vẽ theo hướng điêu khắc dựng hình, chồng lớp vẽ xen kẽ lớp keo (layer by layer), người vẽ khéo léo dụng màu sắc phù hợp chồng lớp màu lên đến khi thành con cá hoàn chỉnh kết hợp cùng độ trong của nhựa resin, đánh lừa thị giác người xem, nhìn sống động như cá đang bơi trong nước. Khi vẽ tranh cá, người vẽ học được sự kiên nhẫn vì phải chờ đợi keo khô (có thể từ 8-20 tiếng tùy theo loại keo).

Anh Đạt cũng cho biết khó khăn trong việc vẽ tranh cá 3D đó là làm chủ được chất liệu resin, có hơn 1.000 loại nhựa khác nhau và công thức pha chế cũng không giống nhau. Điều này đòi hỏi phải thử nghiệm rất nhiều loại nhựa, cân đo đong đếm thật chính xác. Nếu pha dư xúc tác nhựa, có thể dẫn đến tỏa nhiệt, nguy cơ cháy cao hoặc bề mặt nhựa bị rỗ. Ngược lại nếu pha ít xúc tác thì nhựa không bao giờ đóng rắn và giữ nguyên trạng thái lỏng. Bọt trong các tác phẩm phải khử rất công phu và qua nhiều giai đoạn, nếu dùng keo không tốt, sau 1 tuần lễ, tranh cá sẽ ngả vàng.

Anh nói vui rằng, một ngày anh nuôi không biết bao nhiêu cá nhưng không phải tốn một tí thức ăn nào cả NHÂN VẬT CUNG CẤP

Với phương pháp vẽ dựng hình cũng phải có tỷ lệ chuẩn, đòi hỏi phải nghiên cứu về cấu tạo của các loại cá khác nhau, cấu trúc khớp xương, tập quán, cách bơi nên phải trải qua nhiều giờ ngắm cá và ký họa hoặc chụp ảnh lưu giữ lại...

Màu vẽ phải dùng là màu acrylic pha thêm các phụ gia khác, mới tạo được màu giống cá thật, việc dùng màu cũng phải trải qua nhiều thử nghiệm khác nhau. Có nhiều loại màu khi tương tác với nhựa lỏng sẽ bị loang màu, lôi màu hoặc độ bền màu bị mất đi.

Chính vì sự công phu để cho ra đời một bức tranh cá sinh động y như thật nên việc thức trắng đêm của anh Đạt là điều bình thường.

“Tính đến nay, số lượng tranh làm ra cũng tầm 2.000 tác phẩm lớn nhỏ, chưa kể đến việc rơi vỡ, thử nghiệm”, anh Đạt hài hước nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.