Không chỉ giúp quê hương phát triển du lịch, Trần Đại Cương còn hỗ trợ nhiều người dân bản địa có thêm nguồn thu nhập.
"Niềm đam mê du lịch như một ngọn lửa cháy âm ỉ trong mình"
Năm 2020, Cương là sinh viên chuyên ngành thú y tại Trường ĐH Nông Lâm (tỉnh Thái Nguyên). Trong quá trình học tập, Cương còn làm thêm nghề hướng dẫn viên du lịch bằng cách tham gia một số chuyến đi của các công ty lữ hành.
"Mỗi lần đưa mọi người đi chơi, khám phá nhiều địa điểm mới lạ mình luôn cảm thấy vui vẻ, sảng khoái cũng như có thêm kinh nghiệm tổ chức các chương trình du lịch... và cứ thế, niềm đam mê du lịch như một ngọn lửa âm ỉ cháy trong mình", chàng trai 23 tuổi chia sẻ.
Rồi Cương cho hay nhà mình có một mảnh đất rộng gần 1 ha ở ngay hồ Ghềnh Chè. Nơi đây ngoài cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, còn có nhiều thứ tiềm năng để phát triển du lịch xanh theo xu hướng "bỏ phố về rừng", với các trải nghiệm sinh tồn như: tự câu và bắt cá, học cách làm ra lửa, tạo ra các trò chơi cuộc đua kỳ thú, cắm trại qua đêm, ăn tiệc nướng...
Thế là, tháng 6.2020, chàng trai 23 tuổi chính thức về quê triển khai kế hoạch phát triển du lịch mà mình từng ấp ủ. Tuy nhiên, tiền không có, kinh phí không đủ, đôi lúc Cương muốn từ bỏ ước mơ…
"Mình đã mời người dân địa phương thành lập ra một hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng. Ngoài việc đóng góp quỹ đầu tư phát triển du lịch thì 15 thành viên trong HTX sẽ kiếm thêm tiền từ những hoạt động thường nhật của họ", Cương nói.
Theo đó, ở mảnh đất tại gia, Cương dựng hai căn nhà sàn, 5 homestay phục vụ khách đến lưu trú ăn uống, 5 chiếc thuyền chở khách đi tham quan cảnh đẹp, cùng nhiều chương trình team building như: chèo SUP, câu cá… ở hồ Ghềnh Chè. Cùng các tour hoạt động trải nghiệm cắm trại trên đảo hoang, tham quan và mua sắm trà hữu cơ ở các đồi chè do người bản địa sản xuất.
"Trong hành trình khám phá hồ Ghềnh Chè, bà con HTX sẽ phục vụ cho khách như: lái đò chở mọi người tham quan hồ, chài lưới bắt cá, cùng người dân hái chè… nhờ thế mà họ có thêm thu nhập", Cương nói.
Tuy nhiên, hoạt động của Cương bị tạm hoãn vì đợt bùng phát dịch Covid-19. Những tháng ngày này, Cương tự chèo thuyền, "đóng vai" hành khách khám phá hồ Ghềnh Chè, cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, trong lành.
"Mình còn chụp hình, đăng tải lên các trang, hội về cộng đồng du lịch trên Facebook. Rồi mình trau dồi thêm các kiến thức kỹ năng về lĩnh vực du lịch, xây dựng mối quan hệ và mạng lưới kết nối bền vững trên mạng xã hội, tư vấn du lịch miễn phí một cách chân thành, nhiệt tình, nhờ thế mà mọi người biết đến hồ Ghềnh Chè nhiều hơn", chàng trai 23 tuổi cho hay.
Đón gần 1.000 khách/tháng
Đầu năm 2022, tình hình dịch đã ổn định, chàng trai 23 tuổi bắt đầu "chạy" các chương trình du lịch ở hồ Ghềnh Chè. "Mình đã đón được lượt khách đầu tiên là những cô chú cán bộ, người mà mình quen biết trên mạng xã hội hồi đợt dịch. Mình thật sự rất vui và nhận được phản hồi tích cực từ họ", Cương kể lại.
Giữa năm 2022, các chương trình du lịch của Cương bắt đầu ổn định, lượng khách quen và được giới thiệu thêm nên khách đông dần hơn. Bên cạnh đó, chàng trai 23 tuổi không ngừng nghiên cứu và học hỏi nhiều hơn về cách quản lý và xây dựng, phát triển loại hình du lịch mà mình đang hướng tới. Hiện nay, mọi hoạt động marketing, quảng bá chủ yếu dựa vào mạng xã hội.
"Mình còn làm thêm các chương trình trải nghiệm cắm trại trên đảo hoang dành cho các bạn trẻ. Song, chính nhờ cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và không khí trong lành vốn có hay đặc sản tự nhiên của vùng chè Thái Nguyên do bà con HTX tạo ra cùng với ẩm thực từ món gà nướng đến tôm cá tự nhiên tại hồ Ghềnh Chè đã giúp mình đón gần 1.000 khách/tháng", Cương háo hức chia sẻ.
Theo Cương, đến thời điểm hiện tại lượng khách mình nhận khá đều, chủ yếu ở những khu vực lân cận như: Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn...
"Khi lượng khách đến hồ Ghềnh Chè ngày càng đông, bà con cũng bắt đầu mở ra nhiều dịch vụ "ăn theo" như: nhà hàng, ăn uống, chèo thuyền, tham quan cảnh quanh các đảo lớn nhỏ. Từ đó, địa điểm du lịch ở vùng quê mình được nhiều người biết đến", Cương cho biết.
Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên nhận định Cương đã tiên phong mở ra các chương trình du lịch tại hồ Ghềnh Chè.
"Từ một người không biết gì về du lịch, tay trắng nay chàng trai 23 tuổi đã trở thành hướng dẫn viên du lịch điểm, đưa nhiều khách ở mọi nơi đến, biết hơn về hồ Ghềnh Chè, cùng lúc giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập, tạo tiền đề cho các bạn trẻ sau này về đây đầu tư du lịch nhiều hơn", bà Hương cho hay.
Bình luận (0)