"Sự nghiệp" lang thang vòng quanh thế giới của Trần Đặng Đăng Khoa mới bắt đầu vào ngày 11.11 – ngày tháng giống với số ngày anh đã đi quanh thế giới bằng xe máy.
Giữa tháng 6.2017, khi bắt đầu chuyến đi xe máy vòng quanh thế giới, Trần Đặng Đăng Khoa không hẹn ngày về. Nhưng sau hơn 1.000 ngày rong ruổi trên chiếc xe máy, Khoa buộc kết thúc hành trình khi đang ở châu Phi vì ảnh hưởng của dịch Covid -19.
Tuy thấy những trải nghiệm của hành trình hơn 3 năm vậy là đủ nhưng đôi lúc vẫn thấy tiếc vì lý do kết thúc hành trình khá "lãng xẹt", chưa thực sự thỏa mãn giấc mơ nên quyết định đi vòng quanh thế giới lần nữa.
Đăng Khoa chia sẻ quá trình chuẩn bị cho hành trình vòng quanh thế giới lần 2.
"Người bạn" đồng hành có gì đặc biệt?
Chiều 8.11, Đăng Khoa tất bật kiểm tra, dán thêm những sticker lên chiếc xe ô tô tải đồng hành. Đó là chiếc Suzuki Blind Van, tên thường gọi là "Su Cóc". Khoa đã đặt lại một cái tên đáng yêu hơn là Sóc. Đây cũng là chiếc xe ô tô đầu tiên Đăng Khoa sở hữu, có ký hiệu biển số xe là 63 - quê hương Tiền Giang của anh.
"Thời điểm bắt đầu nghĩ về cái tên đặt cho chiếc xe, tôi đang ở trong một khu rừng thuộc H.Khe Sanh (Quảng Trị) thì thấy có con sóc chạy qua. Con sóc nhỏ nhắn, lanh lợi cũng giống dáng vẻ của chiếc xe nên quyết định lấy đặt tên là Sóc", Khoa kể.
Cận cảnh chiếc xe cùng Trần Đặng Đăng Khoa lên đường vòng quanh thế giới
Đồ đạc có trên xe được Khoa phân chia thành nhiều nhóm khác nhau. Gồm có nhóm dùng để sửa xe, cứu hộ, vệ sinh cá nhân, nấu ăn, dự trữ, thiết bị quay phim, y tế, giải trí… Theo "phượt thủ", đây là chiếc xe nhỏ gọn, không hộp số tự động, không cảm biến, dễ sửa chữa và phụ tùng rẻ.
"Trên xe có khoảng 300 – 400 món đồ. Tôi chia thành các khu vực khác nhau để khi cần thì lấy rất dễ", anh nói.
Khoảng 2 năm sau chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe máy, Khoa ra mắt cuốn sách "1.111 nhật ký sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng". Thời điểm đó, anh cũng mới có bằng lái ô tô nên mang theo sách, poster đi xuyên Việt để giao lưu với mọi người. Từ đây, hành trình đi vòng quanh thế giới trên chiếc ô tô bắt đầu nhen nhóm.
Khoa mua chiếc xe từ tháng 3, trị giá khoảng 200 triệu đồng và sắm sửa thêm đồ đạc bằng số tiền tương tự, hoàn thiện trong 6 tháng. Bạn bè, người thân tặng thêm cho anh từng cái thùng, cái màn hình, thậm chí là những vật lưu niệm nhỏ nhắn như móc khóa... tiếp tinh thần và sự may mắn cho Khoa trong chuyến đi.
Khoa chia sẻ, mỗi phương tiện sẽ có những ưu, nhược điểm khác nhau, quan trọng là bản thân phải có sự thích ứng. Đi xe máy, Khoa thường phải dựng lều ngủ qua đêm, nếu kéo dài liên tục trong vài ngày cơ thể rất mệt mỏi.
Đi ô tô sẽ hạn chế được điều này, chưa kể có thể chở được nhiều đồ đạc hơn, có thể che mưa nắng, từ đó có thể ở lâu tại một địa điểm. Nhưng bù lại, khi gặp sự cố hoặc hư xe thì việc sửa chữa ô tô có thể mất nhiều thời gian, vất vả hơn xe máy.
Để du lịch không biến thành ‘ác mộng’: 5 điều cần tuyệt đối tuân thủ
"Chở theo ước mơ của nhiều người"
Cũng giống lần trước, hành trình đi khắp thế gian lần này Khoa chưa hẹn ngày về. Anh dự tính 3 năm sẽ là khoảng thời gian lý tưởng nhất. Trên đường đi, ngoài lái xe và khám phá những vùng đất mới, anh làm thêm một số công việc như viết bài, chụp ảnh, quay phim… để có thêm chi phí.
Lần trước Đăng Khoa khởi hành đi về phía Tây theo hướng mặt trời lặn nên giờ sẽ xuất phát đi về phía Đông, theo hướng mặt trời mọc để thử cảm giác mới lạ.
Lịch trình của anh sẽ từ Việt Nam đi Campuchia, Thái Lan, Indonesia, đi xuyên Úc, New Zealand, qua trung Mỹ, tới bắc Mỹ, rồi sang châu Âu, Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ, con đường tơ lụa, các nước Trung Á, Mông Cổ, Trung Quốc rồi về Việt Nam.
Trên trang cá nhân của Khoa, nhiều người đã để lại bình luận chúc anh lên đường bình an. Hành trình của anh cũng chở theo ước mơ của nhiều người khác, bởi họ sẽ luôn dõi theo, cùng anh khám phá những miền đất mới mỗi ngày.
"Mấy hôm nay tôi cũng có chút suy tư trước một hành trình dài và bận rộn chuẩn bị nhiều đồ đạc. Tuy nhiên, vì đã thực hiện hành trình đó một lần rồi nên không thấy hồi hộp, lo lắng. Chuyến đi trước, tính đến lúc phải quay về Việt Nam, tôi đi được 73 nước nên lần này dự định sẽ đi qua 100 nước. Nhưng đó chỉ là cột mốc để bản thân hướng tới, cứ sống vui, được trải nghiệm là niềm hạnh phúc lớn", anh bày tỏ.
Lịch trình dự kiến của Trần Đặng Đăng Khoa:
Xuất phát từ Việt Nam qua Campuchia, Thái Lan, xuống Malaysia, Singaprore, Indonesia, đi tiếp sang Đông Timor rồi đi đường biển sang Úc, New Zealand. Sau đó, anh sẽ sang châu Mỹ bằng đường biển.
Lần trước, Khoa đi khá nhiều nước châu Mỹ nên lần này sẽ bắt đầu ở trung Mỹ, ngược lên Mexico, qua Mỹ, Canada, sau đó gửi xe qua Đại Tây Dương để đến châu Âu, qua một số nước như Anh, Scotland, Iceland… xuống vùng nam Âu đến Ma Rốc ở châu Phi. Cuối cùng, Khoa đến vùng Địa Trung Hải, qua Thổ Nhĩ Kỳ, rồi đi trên con đường tơ lụa đến Mông Cổ, Trung Quốc để về Việt Nam.
Chiếc xe cùng Trần Đặng Đăng Khoa vòng quanh thế giới có gì đặc biệt?
Hành trình này, anh dự định vào dịp tết hoặc hè sẽ về Việt Nam thăm gia đình vài tuần, lấy thêm phụ tùng, trang thiết bị và xin visa. Anh cũng mang theo một số hình ảnh của Việt Nam để giới thiệu với bạn bè khắp thế giới rằng đất nước mình rất đẹp, con người thân thiện.
"Tôi thích đi đây đó, khám phá nhiều điều đặc biệt mà bản thân không lường trước được. Điều này dường như đã thấm vào máu, trở thành một lý tưởng sống của bản thân. Sau này, khi lập gia đình có thể tôi sẽ suy nghĩ khác đi nhưng hiện tại còn độc thân, được lang thang khắp nơi là tôi vui rồi", chàng trai bộc bạch.
Trên trang cá nhân của Khoa, nhiều người đã để lại bình luận chúc anh lên đường bình an. Hành trình của anh cũng chở theo ước mơ của nhiều người khác, bởi họ sẽ luôn dõi theo, cùng anh khám phá những miền đất mới mỗi ngày.
Thanh Niên cũng sẽ theo dõi và cập nhật những hình ảnh, câu chuyện trên dọc hành trình đi khắp thế giới, dự kiến qua 100 nước và vùng lãnh thổ của Đăng Khoa để quý độc giả có thể “vòng quanh thế giới cùng phượt thủ”.
Bình luận (0)