Năm 2020, Phúc Yên đã mua bộ dụng cụ cơ bản để thêu bức tranh tặng cho một người bạn. Từ đó, chàng trai này bắt đầu cảm thấy yêu thích và xem thêu như một bộ môn nghệ thuật để giải trí. Khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2021, Phúc Yên có nhiều thời gian ở nhà và bắt đầu tập luyện thêm kỹ thuật thêu khó.
“Khi mới bắt đầu mình thường tham khảo các mẫu tranh trên mạng xã hội Pinterest, sau đó tự sáng tạo theo sở thích. Thêu thùa giúp mình điềm tĩnh, kiên nhẫn và tin tưởng vào bản thân hơn. Mình có đăng tải những tác phẩm lên mạng xã hội và may mắn nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Mỗi khi làm ra một sản phẩm mới và được sự đón nhận thì đó là niềm tự hào, nhựa sống, động lực để mình có thể tiếp tục làm việc”, Phúc Yên nói.
Phúc Yên đang theo đuổi kỹ thuật hiện đại như: mũi thêu lướt vặn, đột thưa, sa hạt, lazy daisy, đâm xô, bó bạt, fishbone... Mỗi tác phẩm ra đời đều được Phúc Yên chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu lên ý tưởng, phối màu, sử dụng các phương pháp thêu khác nhau để tả vật, lồng ghép vào từng sản phẩm. Đối với Phúc Yên, mỗi lần được thêu là đang sống với đam mê.
“Trong quá trình hoàn thiện một bức tranh thêu, mình gặp khó khăn ở khâu lên ý tưởng. Đôi khi mình dành nhiều ngày liền để suy nghĩ cũng chẳng có được ý tưởng nào. Nhưng cũng có lúc tâm trạng mình thoải mái, ít nghĩ ngợi thì ý tưởng lại đến một cách bất ngờ”, Phúc Yên chia sẻ.
Là người kỹ tính, luôn muốn trau chuốt cho từng sản phẩm nên Phúc Yên tốn rất nhiều thời gian để hoàn thiện một bức tranh thêu. Mỗi tác phẩm chàng trai này thường dành từ 30 đến 60 giờ đồng hồ làm việc. Phúc Yên thường ứng dụng kỹ thuật thêu của mình vào túi tote, nón, kẹp tóc, trang sức, tranh treo tường, giày…
“Mình hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ phát triển bản thân nhiều hơn và có những ý tưởng độc đáo để ứng dụng vào các vật dụng đời thường. Mỗi sản phẩm mình làm ra đều tốn rất nhiều thời gian và tâm huyết. Vì vậy, mình tin rằng khi mọi người nhìn vào sản phẩm thêu sẽ thấy được sự chân thành và tỉ mỉ”, Phúc Yên nói.
Trong rất nhiều tác phẩm đã làm ra, Phúc Yên cho biết tâm đắc nhất với bức tranh thêu cảnh hoàng hôn ở quê nhà tỉnh Trà Vinh. Hình ảnh buổi chiều tà đỏ rực sau nhà luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho chàng trai này khi tìm ý tưởng để sáng tạo tranh thêu. Phúc Yên đã dành hơn 60 giờ đồng hồ để thêu lại khung cảnh lãng mạn ấy. Mỗi khi nhớ nhà, nhìn vào bức tranh Phúc Yên lại cảm thấy quê hương thật gần.
Những tác phẩm thêu mà Phúc Yên thực hiện
KIM NGỌC NGHIÊN
Anh Đinh Duy Hoà Thuận (35 tuổi), giáo viên tại Handsome English, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Mình tình cờ thấy được một tác phẩm thêu đôi mắt mà Phúc Yên đăng tải trên mạng xã hội trông rất tình cảm, sống động. Mình rất thích những sản phẩm thủ công độc bản, mang tính cá nhân cao và phản ánh được gu thẩm mỹ. Vì vậy, mình đã đặt Phúc Yên thêu đôi mắt vào túi tote để mang đi khắp nơi".
Anh Thuận nói thêm: "Tranh của Phúc Yên nhìn trên hình đã đẹp nhưng khi thực sự cầm trên tay mới cảm nhận rõ được sự tâm huyết, tỉ mỉ. Tranh thêu của Phúc Yên có bố cục chắc, mũi thêu sắc sảo, phối màu đỉnh, đậm nhạt, sáng tối uyển chuyển. Điều đặc biệt là những bức tranh của Phúc Yên toát ra một nguồn năng lượng rất dễ chịu. Mình nghĩ rằng nếu không đặt hết tâm tư vào từng đường kim, mũi chỉ thì khó mà tạo ra được cái thần sắc đấy".
Bình luận (0)