Chàng trai với những sáng kiến làm lợi hàng trăm triệu đồng

17/01/2024 06:00 GMT+7

Không muốn người dân làm nông nhưng càng ngày càng nghèo, chàng trai Dương Phú Tiến đã có những sáng kiến rất hay và vô cùng hiệu quả, giúp cho nhiều hộ dân, cũng như doanh nghiệp tăng được lợi nhuận kinh tế. Tiến cũng được nhận Giải thưởng Lương Định Của của T.Ư Đoàn năm 2023.

Hiệu quả kinh tế tăng cao

Hiện sở hữu vườn lan hơn 5.000 m2 với nhiều chủng loại khác nhau tại xã Phạm Văn Cội, H.Củ Chi (TP.HCM), anh Bùi Xuân Thắng phấn khởi khoe: "Trước đây khi tự nhân giống thì cây con lúc đưa ra vườn rất yếu, tỷ lệ cây chết cao. Nhưng bây giờ nhờ có Tiến vừa hỗ trợ nhân giống, vừa hướng dẫn cho tôi quy trình, cách chăm sóc nên cây ra vườn sống tốt, tỷ lệ hao hụt rất thấp và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn".

Chàng trai với những sáng kiến làm lợi hàng trăm triệu đồng- Ảnh 1.

Điều thú vị nhất với Tiến trong việc nuôi cấy mô là từ một cái chồi có thể tạo nên hàng ngàn cây trong thời gian ngắn

NỮ VƯƠNG

Anh Thắng là một trong rất nhiều hộ dân được Dương Phú Tiến (29 tuổi), ngụ tại xã Nhuận Đức, H.Củ Chi, hỗ trợ về nhân giống, hướng dẫn quy trình và chuyển giao công nghệ… Từ đó, giảm thiểu được thất bại, tăng lợi nhuận và doanh thu cho cây trồng.

Thật không quá lời khi gọi Tiến là chàng trai của những sáng kiến. Trong những năm qua, Tiến cùng với đồng nghiệp của mình đã có nhiều sáng kiến làm lợi hàng trăm triệu đồng cho doanh nghiệp và người dân.

Có thể kể đến là sáng kiến ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật để sản xuất cây giống dược liệu cốt khí củ. Tiến cho biết trong sáng kiến này, với công nghệ nhân giống in vitro giúp tạo số lượng lớn cây cốt khí củ trong thời gian ngắn, chất lượng cây đồng đều, khỏe mạnh và sạch bệnh. Bên cạnh đó, trong quy trình kết hợp phương pháp nuôi cấy trên hệ thống ngập chìm tạm thời giúp gia tăng hệ số nhân chồi lên 6,46 lần, giảm công lao động cấy chuyền và số lượng môi trường sử dụng cũng như năng lượng tiêu thụ, nhờ vậy tiết kiệm được chi phí sản xuất và giảm giá thành sản xuất cây giống. Lợi nhuận trong 1 năm sản xuất 20.000 cây giống cốt khí củ cho đơn vị áp dụng là 130 triệu đồng.

Chàng trai với những sáng kiến làm lợi hàng trăm triệu đồng- Ảnh 2.

Mỗi ngày Tiến cần mẫn với phòng thí nghiệm và vườn ươm hậu nuôi cấy mô

NỮ VƯƠNG

Sáng kiến này đã được chuyển giao công nghệ cho Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Giống cây trồng Vina In-Vitro. Từ đó, công ty đã cung cấp hơn 8.000 cây giống cho khách hàng trong vòng 4 tháng; trước đây phải mất ít nhất 8 tháng để có số lượng cây này.

Một sáng kiến cũng khá ấn tượng của Tiến là nhân giống cây cúc gai dài bằng phương pháp nuôi cấy mô. Việc nhân giống này, 1 năm có thể sản xuất hơn 35.000 cây ngoài vườn ươm và mang lại lợi nhuận 140 triệu đồng cho đơn vị ứng dụng sáng kiến.

Hay sáng kiến ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân giống cây sâm đá cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lợi nhuận trong 1 năm sản xuất 50.000 cây giống là 140 triệu đồng cho đơn vị ứng dụng sáng kiến này.

Xuống tận vườn tìm hiểu khó khăn của người dân

Trước đây, với mong muốn sẽ trở về quê để làm nông nghiệp, Tiến đã chọn theo học ngành công nghệ sinh học. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM (nay là Trường ĐH Công thương TP.HCM), Tiến được nhận vào làm việc tại Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, thuộc Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (xã Phạm Văn Cội, H.Củ Chi).

"Ngày xưa lúc còn ở nhà, luôn nghĩ nông nghiệp chỉ là làm ruộng, nhưng khi đi học mới biết có rất nhiều ngành, lĩnh vực liên quan. Chính vì thế, mình chọn lĩnh vực nuôi cấy mô tế bào thực vật để có thể cung cấp một số lượng lớn cây giống trong thời gian ngắn, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường, giúp nhà nông cải thiện thu nhập", Tiến chia sẻ.

Mong ước lớn nhất là giúp đỡ cho các hộ nông dân tăng thu nhập. Vì mình thấy người dân của chúng ta làm nông sao càng ngày càng nghèo.

DƯƠNG PHÚ TIẾN

Trong tất cả những sáng kiến của mình, Tiến ấn tượng nhất là nhân giống in vitro cho cây dược liệu sâm đá. Chàng trai cho biết đứng trước nguy cơ các loài dược liệu hiện nay thường nhập từ Trung Quốc, nguồn gốc trôi nổi, không xác định được giá trị dược liệu ở trong sản phẩm. Nên định hướng của trung tâm là muốn chủ động nguồn dược liệu, đảm bảo chất lượng và dược tính trong sản phẩm sao cho tốt nhất.

"Trong tự nhiên, cây sâm đá chủ yếu nhân giống bằng củ nên sẽ gặp những bất lợi như tỷ lệ thành công thấp, do côn trùng tấn công hoặc chế độ tưới làm ảnh hưởng đến chất lượng. Khi đưa vào nuôi cấy mô trong điều kiện hoàn toàn vô trùng sẽ khống chế được những bất lợi đó", Tiến lý giải.

Hiện nay dù không phải là nhà nông, nhưng công việc và trăn trở mỗi ngày của Tiến đều gắn liền với người nông dân. Trong suốt những năm qua, Tiến luôn cần mẫn mỗi ngày với phòng thí nghiệm và vườn ươm để nghiên cứu. Vì quá tâm huyết với công việc, Tiến còn xuống tận vườn của người dân tìm hiểu thực tế, chủ động tìm hướng giải quyết thông qua các nghiên cứu để giúp bà con nông dân khắc phục những khó khăn đang gặp phải.

Khi được hỏi: "Điều thú vị nhất trong công việc này là gì?", chàng trai trả lời: "Không gì thú vị bằng khi chỉ từ một cái chồi, mình có thể làm được hàng ngàn cây trong khoảng thời gian rất ngắn, giúp cho nhiều hộ nông dân gia tăng hiệu quả kinh tế".

Chàng trai với những sáng kiến làm lợi hàng trăm triệu đồng- Ảnh 3.

Mong ước lớn nhất của Tiến là giúp cho các hộ nông dân tăng thu nhập

NỮ VƯƠNG

Thú vị là vậy nhưng khó khăn vẫn luôn hiện hữu và Tiến tiết lộ thất bại là chuyện thường xuyên. Đó là những lúc vô mẫu (tức vô trùng, khử trùng mẫu) nhưng vô hoài không được. Có trường hợp một mẫu nhưng Tiến vô 6 tháng không xong.

"Thất bại ở việc vô trùng mẫu là thường xuyên. Do có một số giống đặc thù lấy mẫu từ dưới đất lên nên phải sử dụng nhiều phương pháp vô mẫu khác nhau, nhưng tỷ lệ thành công rất là thấp. Vì mẫu được lấy từ đất tiếp xúc nhiều với vi sinh vật nên việc khử trùng sẽ khó khăn hơn", Tiến kể và cho biết với những giống nhập nội, cây đầu dòng nhất thời chưa thích nghi được với điều kiện thời tiết ở TP.HCM, khi vào nuôi cấy mô và tạo được cây hoàn chỉnh nhưng lúc đưa ra vườn hậu nuôi cấy thì không sống được. Đó cũng là một thử thách.

Khó khăn nhưng chưa bao giờ Tiến nản chí. Chàng trai luôn tự đặt câu hỏi và đi tìm lời giải đáp để khắc phục những thử thách. Tiến cũng đã áp dụng phương pháp mới là sử dụng bể đánh siêu âm để đánh bay những loại vi sinh vật mà mắt thường không nhìn thấy được ra khỏi mẫu trước khi đưa vào công đoạn khử trùng. Với phương pháp này đã giúp tăng hiệu quả khử trùng. Chẳng hạn như tỷ lệ mẫu vô trùng là 80%, khi áp dụng phương pháp này thì tăng lên 90 hoặc 100%.

Chàng trai với những sáng kiến làm lợi hàng trăm triệu đồng- Ảnh 4.

Hạnh phúc nhất của Tiến là thành quả nghiên cứu có thể giúp tăng lợi nhuận kinh tế và thu nhập cho người nông dân

NỮ VƯƠNG

Anh Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Hỗ trợ công nghệ tế bào thực vật, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, cho biết Tiến hiện là Bí thư Chi đoàn của trung tâm nên trong công tác phong trào rất nhiệt huyết, năng nổ, không ngại khó, ngại khổ. Trong công việc cũng rất nhiệt tình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt có nhiều sáng kiến cải tiến trong công việc.

"Tiến đã có những sáng kiến như cải tạo một số máy móc thay thế cho việc làm bằng tay, giúp trung tâm tiết kiệm được nguồn nhân lực, cũng như chi phí và tăng hiệu quả công việc. Đối với doanh nghiệp, hộ nông dân thì những đề tài nghiên cứu của Tiến không chỉ giúp bảo tồn nguồn gien của cây dược liệu, mà còn chuyển giao quy trình công nghệ và cây giống. Từ đó giúp các doanh nghiệp và bà con nông dân ứng dụng để tăng năng xuất và thu nhập", anh Toàn đánh giá cao những sáng kiến của Tiến.

Dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực nông nghiệp, nên khi hỏi về mong ước của mình, Tiến cũng chỉ nói: "Mong ước lớn nhất là giúp đỡ cho các hộ nông dân tăng thu nhập. Vì mình thấy người dân của chúng ta làm nông sao càng ngày càng nghèo".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.