TNO

Chàng trai yêu trống ngay từ cái nhìn đầu tiên

14/02/2014 11:12 GMT+7

(iHay) Nguyễn Phi Phụng có thể bỏ cả ngày để nói với bạn về trống. Với anh, mọi thứ liên quan đến loại nhạc cụ này đều có “sức hấp dẫn” cực lớn.

(iHay) Nguyễn Phi Phụng có thể bỏ cả ngày để nói với bạn về trống. Với anh, mọi thứ liên quan đến loại nhạc cụ này đều có “sức hấp dẫn” cực lớn.

>> Người đàn ông sở hữu bộ sưu tập râu 'độc' nhất thế giới

Yêu trống ngay từ cái nhìn đầu tiên 1
Phi Phụng luôn muốn chia sẻ niềm đam mê của mình với các tay trống khác

Đến nhà Phi Phụng, thứ đầu tiên đập vào mắt chính là trống. Anh dành trọn tiền sảnh nhà mình cho trống. Tay trống này là thành viên của các ban nhạc Hoài Sa, Không Tên, từng tham gia nhiều chương trình ca nhạc, truyền hình thực tế như: Duyên dáng Việt Nam, Sao mai điểm hẹn, Bài hát Việt, Việt Nam Idol, Cặp đôi hoàn hảo, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, live show của các ca sĩ (Lệ Quyên, Bằng Kiều, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng)…

Như một món ăn ngon

Phi Phụng “yêu” loại nhạc cụ bùm bùm, cheng cheng này ngay khi vừa được làm quen năm 8 tuổi. Sau đó, anh được học trống một cách bài bản ở trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM vào năm 1994. Đến nay, với anh, trống thật sự là đam mê. Vì mê quá nên Phi Phụng “đầu tư” cho trống một khoản đáng kể, dù anh chơi trống xịn chẳng “khoe” được với ai, chỉ một số người trong nghề biết đến.

Khi Phi Phụng tốt nghiệp năm 1997, trống của những thương hiệu đình đám trên thế giới vẫn còn rất hiếm ở TP.HCM. Việc tìm hiểu thông tin về loại nhạc cụ này cũng khá hạn chế, không thuận lợi như thời kỹ thuật số hiện nay. Dò la, dành dụm mãi, đến năm 2000, anh mua được bộ trống Nhật đầu tiên.

Nhờ thân nhân, bạn bè ở nước ngoài hỗ trợ, anh ngày càng có nhiều tài liệu về các hãng trống danh tiếng. Phi Phụng chia sẻ: “Dân đánh trống được chơi một bộ trống chuyên nghiệp giống như bạn thích làm bếp mà tình cờ được nếm một món ăn ngon. Bạn sẽ muốn ăn lại món đó nhiều lần để tự khám phá công thức món ăn và sau đó tự nấu. Thành thục rồi, bạn sẽ lại tiếp tục “săn lùng” những món ngon khác. Một bộ trống “ngon” sẽ giúp bạn thăng hoa với cảm xúc, chơi rất “đã” tay. Âm thanh ổn định ở những bộ trống này cũng giúp công việc thuận lợi hơn khi bạn là tay trống chuyên nghiệp”.

Yêu trống ngay từ cái nhìn đầu tiên 2
“Gia tài” của tay trống ban nhạc Không Tên không nhiều về số lượng nhưng những bộ trống và phụ kiện đi kèm đều là hàng đặc biệt của những hãng danh tiếng nhất. Anh chỉ “bày” ra một bộ, những bộ kia để gọn lại, chừa chỗ cho những phụ kiện và những bộ trống sắp tậu

Yêu trống ngay từ cái nhìn đầu tiên 3

Yêu trống ngay từ cái nhìn đầu tiên 4

Yêu trống ngay từ cái nhìn đầu tiên 5
Trống snare đặc biệt được làm từ gỗ nguyên khối

Yêu trống ngay từ cái nhìn đầu tiên 6
Bàn đạp mạ vàng 24K được sản xuất với số lượng hạn chế nhân kỷ niệm 35 năm thành lập hãng DW

Đặt hàng nửa năm, lau trống một tuần

Sau “món ngon” năm 2000, đến năm 2007, lần đầu tiên, Phi Phụng “tậu” một bộ trống của Mỹ và bắt đầu sưu tập loại nhạc cụ này. Đến nay, đã có hơn 20 bộ trống qua tay anh, phần lớn Phi Phụng nhượng lại cho những tay trống bạn bè, chỉ giữ lại những bộ “có lai lịch” nhất. 

Anh cho biết: “Mê thì đương nhiên phải theo cảm tính, chủ quan. Trên thế giới có nhiều hãng làm trống rất tốt, rất tiếng tăm nhưng hiện tôi chỉ sưu tập trống của 3 hãng vì hợp gu mình nhất: Yamaha (Nhật), Tama (Nhật) và DW (Mỹ). Mỗi loại có thế mạnh riêng. Yamaha với âm “mềm”, có độ ngân nên phù hợp với nhạc pop, jazz, nhạc Việt. Tama âm “cứng” hơn nên hợp với nhạc rock. Còn DW thì chơi cực “sướng” ở những buổi live show trong không gian rộng”.

 

Phi Phụng có 2 món “hàng độc” mà anh “cưng” vô cùng. Món đầu tiên là trống snare Super Solid của DW. Chiếc trống này làm từ gỗ nguyên khối (không phải gỗ ghép) nên cho âm thanh cực hay. Kế đến là bộ bàn đạp mạ vàng 24k, được DW sản xuất đặc biệt chỉ 1.000 cái nhân kỷ niệm 35 năm thành lập. Cái của Phi Phụng mang số thứ tự 0110.

Nghề chơi cũng lắm công phu, những bộ trống mà Phi Phụng đang giữ tại nhà đều nhập từ Mỹ. Mỗi bộ với đầy đủ phụ kiện nặng trung bình 80-100 kg nên việc vận chuyển về đến Việt Nam cũng không đơn giản. Phần “phụ kiện” bằng kim loại (hardware) không thể thiếu của bộ trống là bàn đạp, chân trống… Kể cả… ghế ngồi cũng phải đúng bộ. Không chỉ vậy, với những bộ trống đặc biệt dòng Exotic (sản xuất bằng gỗ nhập từ nước ngoài) của các hãng, thường phải mất khoảng nửa năm sau khi đặt mới được nhận hàng.

Một chuyện “công phu” khác khi sưu tập trống chính là việc lau chùi, bảo quản. Tay trống của ban nhạc Không Tên cho biết: “Mỗi năm tôi có một đợt “tổng vệ sinh” cho các bộ trống. Phải tháo ra từng con ốc để lau chùi, sau đó lắp vào, chỉnh âm lại. Mỗi bộ mất khoảng 1 tuần, với thời gian 8 giờ/ngày mới làm xong. Còn lau chùi bình thường thì ít nhất 1 lần/tháng. Làm mấy việc này ngán lắm nhưng lỡ mê trống nên phải… lăn vào chùi”.

Mê trống như thế, sao Phi Phụng lại nhượng bớt cho bạn bè, chỉ giữ lại một phần cho mình? Anh cười tươi, giải thích: “Tôi muốn chia sẻ niềm đam mê của mình với mọi người nên chỉ giữ lại những bộ đặc biệt nhất. Có nhiều người cùng được thưởng thức những bộ trống tốt như mình, tôi thấy vui lắm”.

Lan Chi
Ảnh: Lan Chi

>> Nhạc cụ từ vũ khí
>> Cực ấn tượng với ban nhạc dùng rau củ quả làm đạo cụ
 >> Ban nhạc nữ đông thành viên nhất thế giới bầu thủ lĩnh mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.