Sáng 21.6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Tư pháp người chưa thành niên. Nội dung nhận được nhiều quan tâm, đó là biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Theo dự thảo luật, TAND tối cao đề xuất bổ sung thêm nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng (thay vì truy cứu trách nhiệm hình sự) đối với người chưa thành niên phạm tội, gồm: khiển trách; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại, xin lỗi người bị hại, bồi thường thiệt hại, lao động công ích…
Mở rộng biện pháp xử lý chuyển hướng với cả người dưới 14 tuổi?
Cho ý kiến thảo luận, đa số đại biểu nhất trí việc quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng, nhằm bảo đảm sự nhân văn, tạo cơ hội cho người dưới 18 tuổi phạm tội có cơ hội được sửa chữa sai lầm.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) kiến nghị bổ sung nhóm người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi là đối tượng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Theo nữ đại biểu, dự thảo luật chỉ quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong số này có biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Điều này đồng nghĩa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi khi thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm sẽ không thuộc đối tượng phải xử lý chuyển hướng, mà chỉ có thể áp dụng các biện pháp như nhắc nhở, quản lý tại gia đình theo quy định tại luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bà Xuân cho rằng, việc quản lý tại gia đình chỉ đạt hiệu quả cao khi người vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi, có môi trường sống thuận lợi, cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật của nhóm người chưa thành niên là do không có sự quản lý của gia đình, cha mẹ ly hôn, cha mẹ là người phạm tội hoặc không có điều kiện để quản lý, chăm sóc, giáo dục con cái.
"Nếu dự thảo luật bỏ sót đối tượng từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là rất nguy hiểm", đại biểu đoàn Bình Dương nêu.
Phản hồi ý kiến đại biểu, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, theo quy định pháp luật về hình sự hiện hành, trẻ từ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi dù vi phạm việc gì thì cũng không bị coi là tội phạm.
"Theo quy định hiện hành như vậy, chúng ta không quy định đây là tội phạm", ông Bình nói.
Quy định về nộp tiền sẽ phân biệt giàu - nghèo?
Vẫn theo dự thảo luật, TAND tối cao đề xuất mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền và mức phạt tiền không quá 1/3 mức tiền phạt mà điều luật quy định.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát để có quy định chặt chẽ hơn, không áp dụng hình phạt tiền cho người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Theo bà Linh, ở độ tuổi trên, các người chưa thành niên chưa làm ra tiền hoặc không có thu nhập để tự mình thi hành hình phạt chính là phạt tiền. Nếu áp dụng như dự thảo, hình phạt này vô hình trung là phạt chính cha, mẹ, người giám hộ hợp pháp của người chưa thành niên phạm tội.
Cùng quan tâm nội dung có liên quan, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề cập tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên phạm tội được quy định tại dự thảo.
Ông Tạo cho rằng, đây là biện pháp xử lý khá phổ biến áp dụng đối với các đối tượng đã thành niên, còn đối tượng người chưa thành niên đang phụ thuộc vào kinh tế của gia đình nên việc có tiền để bồi thường thiệt hại là rất khó khăn. Thậm chí, quy định này có thể tạo ra sự phân biệt đối xử giữa người có tiền và người không có tiền.
"Nếu quyết định biện pháp này trong nhiều trường hợp sẽ dẫn đến sự không công bằng, do gia đình có điều kiện sẽ áp dụng biện pháp theo hướng xử lý chuyển hướng, còn gia đình không có điều kiện thì không áp dụng được biện pháp này", ông Tạo nêu.
Từ những căn cứ đã nêu, đại biểu tỉnh Lâm Đồng đề nghị quy định trách nhiệm liên đới bồi thường của cha mẹ, người giám hộ hoặc gia đình, anh chị em có liên quan của người chưa thành niên phạm tội.
Giải trình trước Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói, vấn đề phạt tiền được dự thảo nêu ra để áp dụng đối với những người chưa thành niên có điều kiện tự nguyện thực hiện.
"Ở đây luật pháp không đặt ra câu chuyện tiền là quá quan trọng. Đối với các cháu có thừa kế hay có tài sản gì đấy thì việc đồng ý nộp một khoản tiền chính là thành tâm khắc phục, đây là điều chúng ta cần, chứ chúng ta không cần khoản tiền 50% hay 100%", ông Bình nói.
Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh, việc tự nguyện bỏ ra một phần tài sản của mình (nếu có thể) để khắc phục thể hiện việc người chưa thành niên phạm tội đã có trách nhiệm trong việc sửa chữa khuyết điểm.
Bình luận (0)