Thông tin Bộ Nông nghiệp Mỹ và Bộ NN-PTNT đã hoàn tất quá trình đàm phán kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép nhập khẩu chanh leo Việt Nam vào thị trường Mỹ được Bộ NN-PTNT công bố trong ngày 28.8 vừa qua đã mang tin vui với ngành hàng này.
Chia sẻ từ góc nhìn và quan điểm cá nhân với Thanh Niên, ông Hồ Bảo, Giám đốc Công ty cổ phần Vạn Xuân Agri (tỉnh Đắk Nông), cho rằng trái chanh leo được xuất khẩu vào thị trường châu Âu từ hơn 10 năm nay. Thế nên, về mặt sản xuất, chế biến của doanh nghiệp Việt Nam để đáp ứng với tiêu chuẩn của thị trường Mỹ là "không đáng ngại".
Tuy nhiên, trái cây tươi Việt Nam hiện nay để được xuất khẩu vào Mỹ phải thực hiện biện pháp xử lý chiếu xạ với giá thành khá cao sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh đối với các nước Nam Mỹ đang có lợi thế về logistics khi đưa sản phẩm này vào Mỹ.
Cụ thể, 1 kg chanh leo tươi nếu phải chiếu xạ chi phí từ 20.000 - 22.000 đồng. Ngoài ra, trái chanh leo có thời gian bảo quản không dài nên chưa thể đóng container để xuất khẩu theo đường biển. Chanh leo tươi đang được xuất khẩu qua đường hàng không với chi phí khoảng 3 USD/kg. Giá mua chanh leo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu từ các nhà vườn khoảng 45.000 đồng/kg thì giá vốn hơn 100.000 đồng/kg. Giá mua sỉ chanh leo tại Mỹ khoảng 130.000 - 140.000 đồng/kg thì sức cạnh tranh sẽ không cao so với hàng từ các nước Nam Mỹ.
"Chanh leo sắp được xuất khẩu vào Mỹ là tin rất vui đối với nông dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp khi thị trường tiêu thụ được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu chanh leo tăng là điều chắc chắn. Nếu giải quyết được vấn đề về công nghệ bảo quản đưa quả chanh leo đến Mỹ bằng đường biển để hạ cước phí vận chuyển thì sức cạnh tranh sẽ cao", ông Bảo nói.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết nhiều năm nay chanh leo luôn nằm trong Top 10 loại trái cây có giá trị xuất khẩu cao. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chanh leo đạt hơn 222 triệu USD. Hiện nay, các nước châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sản phẩm chế biến dịch chanh leo cấp đông.
Nhìn nhận Mỹ cũng là thị trường lớn tiêu thụ chanh leo tươi, các sản phẩm chanh leo chế biến, cấp đông của Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên dự báo, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm sẽ đạt từ 50 - 100 triệu USD.
Nghiên cứu công nghệ bảo quản chanh leo 50 ngày để xuất khẩu đường biển
Theo Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có gần 9.500 ha trồng chanh leo, mỗi năm cho sản lượng gần 190.000 tấn và nằm trong số 18 loại trái cây có sản lượng trên 100.000 tấn/năm. Đặc biệt, 80% sản lượng chanh leo thu hoạch hàng năm được doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu.
Có lợi thế khí hậu, Việt Nam có thể trồng, cung ứng chanh leo quanh năm, tập trung lớn nhất ở Tây nguyên, chiếm hơn 90% tổng diện tích trồng chanh leo cả nước. Theo đó, Việt Nam đang nằm trong Top 10 nước sản xuất, xuất khẩu chanh leo lớn trên thế giới, chỉ đứng sau các nước Brazil, Colombia, Ecuador và Peru.
Cây chanh leo có vị thế quan trọng trong ngành nông nghiệp. Từ năm 2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT để chỉ đạo, định hướng phát triển bền vững sản xuất loại cây này. Những năm gần đây, thị trường thế giới có nhu cầu tiêu thụ rất lớn đối với quả chanh leo tươi và các loại đồ uống chế biến từ trái cây này.
Đến nay, chanh leo Việt Nam đang được xuất khẩu tới các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm như: Úc, Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thụy Sĩ...
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Hiểu, Trưởng bộ môn Công nghệ bảo quản nông sản thực phẩm, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (VIAEP), cho hay chanh leo nằm trong 4 loại trái cây chủ lực (cùng với sầu riêng, xoài, bưởi) còn rất nhiều tiềm năng xuất khẩu sang Mỹ, các nước châu Âu.
Theo đó, từ năm 2020, Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng (GQSP) do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) thực hiện và Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ 1,5 triệu USD thông qua Tổng cục Kinh tế Liên bang (SECO) nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện Dự án nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng của chuỗi giá trị trái cây nhiệt đới tại Việt Nam. VIAEP là đối tác thực hiện hợp phần hỗ trợ kỹ thuật cho trái cây nhiệt đới xuất khẩu trong đó có sầu riêng, bưởi, chanh leo và xoài.
"Đối với trái chanh leo, dự án đang tập trung xây dựng các quy trình thao tác chuẩn bao gồm từ canh tác, quản lý dịch bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình bảo quản đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Mỹ, Úc. Trong đó, khâu bảo quản sẽ áp dụng các công nghệ tiên tiến có thể kéo dài bảo quản chanh leo từ 35 - 50 ngày, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đường biển đi các thị trường", ông Hiểu thông tin.
Bình luận (0)