Độc đáo vườn chanh leo ngọt tiền tỉ

05/11/2020 06:26 GMT+7

Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, chủ vườn là ông Nguyễn Thành Công (Sáu Công, 57 tuổi, ngụ xã Song Phụng, H.Long Phú, Sóc Trăng) đã thu trên 600 triệu đồng tiền bán chanh trái và chanh giống.

Ông Nguyễn Thành Công là người đầu tiên ở miền Tây ghép thành công giống chanh leo có vị ngọt, mang lại hiệu quả kinh tế ngoài mong đợi. Lúc đầu, nghe nói chanh dây (chanh leo) có vị ngọt, tôi cũng như nhiều người không khỏi bán tin bán nghi. Nhưng khi tới vườn của ông Sáu Công thì ai nấy đều ngạc nhiên vì đó là sự thật. Dưới những giàn chanh xanh mướt, trải dài mút mắt là hàng ngàn trái chanh cũng tròn, treo lủng lẳng. Ông Sáu Công với tay hái mấy trái chín vàng rồi cắt ra làm hai, mời mọi người thưởng thức. Đúng là chanh có vị ngọt và thơm. Vị ngọt pha chút chua rất đậm đà và hấp dẫn.

Thuần phục giống cây mới

Ông Sáu Công cho biết trước khi trồng chanh dây ông có nhiều năm trồng cam, chanh, quýt, bưởi. Một lần xem thông tin trên mạng, thấy quảng cáo chanh leo ngọt có nguồn gốc từ Colombia, ăn vào có lợi cho sức khỏe nên ông tìm mua 10 hạt giống về trồng. “Trong 10 hạt giống được ươm, có 5 hạt nảy mầm và chỉ 2 dây cho trái, trong đó một dây cho trái ngọt. Sau khi thưởng thức mùi vị đặc trưng của trái chanh ngọt, tôi mừng như trúng số”, ông Sáu Công kể.
Qua một thời gian chăm sóc, ông Sáu Công nhận thấy giống chanh này tuy cho trái ngọt nhưng lại không thích hợp với vùng nước mặn và đất nhiễm phèn nên cây cằn cỗi, trái ít, mau tàn. Lúc bấy giờ, nhiều bạn bè khuyên ông nên chọn giống khác cho phù hợp, song với tính năng động, yêu thích khoa học, yêu nghề vườn, ông quyết tâm theo đuổi, tìm cách khắc phục cho chanh phát triển ở vùng nước mặn.
Qua kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về các giống cây trồng, ông Sáu Công biết rõ loại cây nào chịu mặn, loại nào chịu lợ và ngọt. Vì vậy, sau nhiều lần “nâng lên đặt xuống”, ông quyết định chọn gốc nhãn lồng (lạc tiên) - loại cây sống rất khỏe ở vùng nước mặn và lợ, thử ghép chung với dây chanh. Không ngờ lần thí nghiệm đó thành công và đạt kết quả như mong muốn.

Ông Sáu Công giới thiệu những trái chanh leo sắp thu hoạch

Nhân rộng tới các nhà vườn

Năm 2019, ông mang chanh dây ngọt tham dự Hội thi trái ngon và an toàn Nam bộ lần thứ 11 tại TP.HCM nhưng chỉ nhận được giải khuyến khích vì sản phẩm chưa có giấy chứng nhận nguồn gốc. Từ những dây chanh ghép, ông mang ra trồng đại trà, cây phát triển rất nhanh và khỏe. Sau 5 tháng chăm sóc, dây bò sum suê, xanh mướt, bò tới đâu ra trái tới đó, trái rất sai, cứ mỗi mắt lá một trái đều đặn.

Nông dân giỏi cấp tỉnh

Ông Trần Hữu Thành, Phó bí thư Đảng ủy xã Song Phụng, cho biết ông Sáu Công là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền; từng được nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, mô hình trồng chanh leo ngọt của ông Sáu Công vừa mới lạ vừa cho năng suất cao, đầu ra ổn định, cây giống dồi dào. Hướng tới, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ ông làm thủ tục xin giấy chứng nhận về nguồn gốc, tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình trồng chanh leo ngọt mở rộng, góp phần nâng cao đời sống nông dân địa phương.
Ông Sáu Công cho biết đầu tiên ông xuống giống 15 dây, nay phủ xanh được 6 công, trong đó 3 công đã cho trái, giá bán từ 60.000 - 100.000 đồng/kg. Loại chanh dây ngọt dùng ăn tươi hoặc làm nước uống đều rất ngon. Ngoài bán trái, ông còn bán cây giống. Từ đầu năm 2020 đến nay, ông đã cung cấp cây giống cho cả nước trên 6.000 dây với giá 80.000 - 100.000 đồng/dây (bán hàng trực tiếp và online), hiệu quả gấp nhiều lần so với các loại dây leo khác. “Tính từ năm 2019 đến nay tôi thu trên 600 triệu đồng từ tiền bán chanh trái và chanh giống, chưa kể nguồn thu các mặt hàng nông sản khác”, ông Sáu Công chia sẻ và cho biết hướng tới sẽ mở rộng diện tích, phát triển quy mô lớn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng để đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Chia sẻ thêm về “bí quyết” thành công, ông Sáu Công cho biết trồng chanh leo ghép nhãn lồng không tốn nhiều tiền đầu tư, chỉ cần mặt bằng rộng và giàn leo vững chắc. Nhờ ghép với gốc nhãn lồng, một loại dây leo hoang dã, nên chanh phát triển rất mạnh, đạt năng suất cao. “Nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, tôi hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, hạn chế đối đa việc dùng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật”, ông Sáu Công nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.