Thu nhập tiền tỉ từ việc nuôi 'thủy quái sông Đà'

17/06/2020 12:12 GMT+7

Đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng những hộ dân đầu tư nuôi các loài cá có giá trị, được mệnh danh là " thủy quái sông Đà " ở lòng hồ thủy điện Lai Châu, đã có thu nhập lên tới hàng tỉ đồng mỗi vụ cá.

Khu vực thượng nguồn sông Đà (thuộc địa bàn quản lý của H.Mường Tè, tỉnh Lai Châu) những năm gần đây được nhiều người dân đến đầu tư nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện Lai Châu, với hàng trăm lồng cá, trong đó chủ yếu là các loại cá có giá trị kinh tế cao, được mệnh danh là "thủy quái sống Đà" như: cá chiên, cá lăng... Vì thế, nghề này đã cho thu nhập cao, có những hộ dân thu lãi tiền tỉ mỗi vụ thu hoạch (trong 2 năm).

Tỉ phú “Vũ cá”

Dân buôn cá trên thượng nguồn sông Đà hiếm ai là không biết đến Vũ “cá” (tên thật là Lê Văn Vũ) - người đàn ông quê gốc ở Thanh Hóa nhưng đã có nhiều năm gắn bó với vùng cao Tây Bắc. Sau những chuyến chạy xe đường dài buôn cá từ Mường Tè (Lai Châu) về xuôi, nhận ra tiềm năng của nuôi cá lồng bè, anh Vũ quyết định dồn hết tiền của, tài sản tích góp được (khoảng gần 1 tỉ đồng) để đầu tư phát triển mô hình này. Sau nhiều rủi ro, anh Vũ đã xây dựng được một hợp tác xã nuôi cá với 7 hộ dân, cho thu nhập vài tỉ đồng mỗi vụ.
Anh Vũ hồ hởi khoe thành quả sau hơn 4 năm gây dựng: “Hợp tác xã của tôi có 20 lồng cá, trong đó có nhiều loại cá quý trước đây dùng để tiến vua như: cá chiên, cá lăng đuôi đỏ, cá lăng đen, cá lăng chấm, còn lại là các loại cá khác. Mỗi kỳ thu hoạch lợi nhuận thu về ước tính khoảng 1 tỉ đồng”.

Anh Lê Văn Vũ trở thành tỉ phú nhờ nuôi cá lồng trên sông Đà

Ảnh Nguyễn Oanh

Anh Đinh Văn Dương, người dân tộc Mường, quê ở Sơn La, đã ngược lên vùng thượng nguồn sông Đà để đầu tư nuôi 8 lồng cá cũng có thu nhập khoảng 600 triệu đồng/vụ cá.
Anh Dương kể, gia đình anh trước đây chủ yếu làm nghề đánh bắt tôm, cá trên sông. Nhưng nghề này phụ thuộc phần lớn vào ý trời. Hôm nào thời tiết ủng hộ thì kiếm được nhiều. Hôm nào xấu trời thì coi như tay trắng. Chính vì vậy, 2 năm trở lại đây, anh Dương tham gia mô hình nuôi cá lồng bè và đã có cuộc sống ổn định hơn, bắt đầu cho thu nhập lớn.
Không chỉ anh Dương, anh Vũ, mô hình nuôi cá lồng bè đã giúp nhiều gia đình khác ở nơi địa đầu Tổ quốc này thay da đổi thịt như: gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn với 20 lồng cá; gia đình ông Nguyễn Văn Biên với 24 lồng cá; gia đình ông Đao Văn Khiêu với 9 lồng cá… cho thu nhập từ vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng mỗi vụ.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Đà mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Ảnh Nguyễn Oanh

Theo các hộ dân, sản phẩm của mô hình nuôi cá lồng bè vùng thượng nguồn sông Đà chủ yếu cung cấp cho thị trường Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội… Các loại cá ở đây đều là cá “đặc sản” được nuôi bằng cá tép dầu, không sử dụng cám tăng trọng cho nên thịt thơm, ngon, chắc; được thực khách khắp nơi ưa chuộng. 

Một đêm “chết” 200 triệu

Tuy nhiên để nuôi cá thành công không phải chuyện dễ dàng. Người dân phải đối mặt với nhiều rủ ro và khó khăn khác. Theo các “ngư dân” ở đây thì vùng thượng nguồn sông Đà rất thích hợp với các điều kiện để nuôi cá lồng bè, nhưng số hộ dân nuôi cá không nhiều (hiện có hơn 10 hộ dân) vì vốn đầu tư quá lớn.
Theo anh Vũ, tổng số tiền đầu tư vào mô hình nuôi cá lồng bè dao động từ 1 - 2 tỉ đồng. Trong khi đó, muốn vay vốn ngân hàng, người dân phải thế chấp nhà cửa.
Đặc biệt, nghề nuôi cá có nhiều rủi ro. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Vũ từng có lúc phải trắng tay vì nuôi cá. “Năm đầu tiên lấy cá về, trong một đêm tôi “chết” đúng 200 triệu. Hồi đó, tôi thả bè nuôi cá lồng trên Kan Hồ (một xã thuộc H.Mường Tè) đúng lúc nước rút, lượng bùn ra nhiều. Tôi không biết lại đi lấy cá giống về. Trời nóng, vận chuyển xa, vừa thả xuống thì cá lại cứ ngoi lên mặt nước. Do không có kinh nghiệm, tôi cứ tưởng mới thả vào sông nên cá mới thế. Ai ngờ, hôm sau, kéo lên thấy cá đi một phát sạch banh”, anh Vũ kể.

Cá chết hàng loạt vì bị sặc bùn

Ảnh do chính quyền địa phương cung cấp

Anh Nguyễn Văn Thắng, một người dân có kinh nghiệm 4 năm nuôi cá lồng bè trên vùng thượng nguồn sông Đà, cũng chua xót kể lại: “Nhà tôi có 6 lồng. Vụ đầu tiên nuôi, nước nông quá, cá chết hết vì bị sặc bùn. Gia đình mới phục hồi lại được, tính đến nay là gần 2 năm rưỡi”.
Giông bão cũng là một nỗi lo thường trực đối với những người dân nơi đây. “Nhà nào có lồng bè kiên cố bằng sắt thì không sao. Nhà nào vốn ít, đầu tư làm lồng bè bằng tre nứa thì có khi sau một trận bão là tan hoang hết cả”, anh Thắng bộc bạch.

Rất dễ bị lừa

Không chỉ cần thiên thời địa lợi, muốn nuôi thành công dòng cá lăng, cá chiên vốn được coi là “thủy quái sông Đà”, còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng con cá giống. Nếu không có kinh nghiệm thì người nuôi rất dễ bị lừa.
“Khi con cá giống còn nhỏ, có chấm, các tay buôn thường lừa dân đó là cá lăng sông. Dân không biết lại cứ lấy cả trăm, cả nghìn con thả xuống nuôi. Nhưng cuối cùng, đó lại không phải là cá lăng sông. Toàn cá lăng đen hết cả. Cá lăng sông và cá lăng đen loại nhỏ đều có chấm. Nhưng đầu của hai con cá khác hẳn nhau. Đầu con cá lăng sông dài và hẹp. Chứ không phồng và nhô như đầu con cá lăng đen”, anh Vũ kể.

Cá lăng, cá chiên có giá dao động từ 400.000 - 600.000 đồng/cân

Ảnh Nguyễn Oanh

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của người dân hiện nay khi muốn nuôi cá lồng bè vẫn là vốn đầu tư và đầu ra sản phẩm. Việc khó vay vốn ngân hàng để đầu tư, phát triển nên việc nuôi cá lồng chủ yếu vẫn theo quy mô nhỏ, tự túc. Hơn nữa, đầu ra của sản phẩm còn rất bấp bênh, hầu hết là buôn bán qua mối quen, chưa thực sự tiếp cận được những thị trường lớn.
"Vùng thượng nguồn sông Đà có rất nhiều lợi thế tự nhiên để phát triển nuôi cá lồng bè với quy mô lớn. Nếu có thêm những chính sách hỗ trợ về vốn vay và đầu ra sản phẩm thì người dân hoàn toàn có thể yên tâm làm ăn. Ước mơ lớn nhất của tôi là tạo dựng được tên tuổi cho con cá lăng, cá chiên vùng thượng nguồn sông Đà, để không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn có thể xuất khẩu đi thị trường quốc tế", anh Vũ trăn trở.
Trao đổi về nghề nuôi cá lồng bè, ông Tống Văn Dương, Phó chủ tịch UBND H.Mường Tè, cho biết mô hình này được đưa vào khai thác từ năm 2015 đến nay, rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế của địa phương. Mô hình đã tạo công ăn việc làm giúp người dân có thu nhập và phát huy được lợi thế tiềm năng của địa phương.
Ông Dương cũng cho biết, trước đây, chính quyền có chính sách hỗ trợ 20 triệu đồng cho mỗi lồng cá, nhưng hiện nay chính sách này không còn nữa. “Người dân muốn được hỗ trợ có thể tham gia làm hội viên của Liên minh HTX tỉnh Lai Châu để được vay vốn từ tỉnh”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, trong tương lai cần tính toán lại về cơ cấu nuôi trồng, chất lượng sản phẩm, vị trí nuôi cá… để làm sao mô hình nuôi cá lồng bè ở lòng hồ thủy điện Lai Châu thực sự có hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.