Chưa thấy đột phá

15/06/2012 03:22 GMT+7

Thẳng thắn nhận trách nhiệm về rất nhiều tồn đọng của ngành, nhưng nhiều câu trả lời của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng chưa thực sự thỏa mãn được đại biểu và dư luận.

Sự thiếu rõ ràng trong các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra, cũng như việc các đại biểu phải lặp đi lặp lại qua nhiều kỳ chất vấn nỗi lo lắng về sự yếu kém của công nghiệp phụ trợ, về việc thiếu giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn đầu ra sản phẩm cho doanh nghiệp (DN), hệ lụy của thủy điện nhỏ... cho thấy, dường như trong những năm qua, Bộ Công thương đã “chưa thực sự tích cực” (từ của ĐB Bùi Mạnh Hùng). Bản thân Bộ trưởng Hoàng cũng đã thừa nhận, chậm ban hành khung pháp lý cho phát triển công nghiệp hỗ trợ là trách nhiệm của Bộ Công thương. Mà cụ thể hơn, tháng 2.2011, Bộ này mới trình Chính phủ Quyết định 12 về một số cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trên thực tế, sự chậm trễ này đủ lý giải cho việc vì sao nhiều năm qua, ngành dệt may, da giày, điện tử... dù kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng thực tế chỉ loanh quanh với thân phận làm gia công, giá trị gia tăng thu được rất thấp, bởi phụ thuộc gần như tuyệt đối nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu. Điều này cũng phần nào lý giải cho bài học thất bại cay đắng của hơn 10 năm thực hiện chiến lược nội địa hóa ô tô, ưu đãi rất lớn cho hàng loạt DN FDI, nhưng đổi lại là kết quả tỷ lệ nội địa hóa thấp, cũng như một nền công nghiệp hỗ trợ èo uột.

Chính Bộ trưởng Hoàng thừa nhận, 5 tháng đầu năm, tồn kho hàng hóa tăng khoảng 20 - 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải pháp mà Bộ Công thương đưa ra là tăng cường xúc tiến thương mại, hạn chế hàng nhập khẩu, đẩy mạnh chương trình “người Việt dùng hàng Việt” để tạo đầu ra cho sản phẩm. Nhưng rõ ràng, đây không phải là giải pháp gì mới hay mang tính đột phá, mà đã được Bộ lặp đi lặp lại rất nhiều lần mỗi khi bàn tới chuyện hỗ trợ thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho DN trong nước. Bộ trưởng Hoàng cũng cho rằng, trách nhiệm xử lý, giải quyết hàng tồn kho không phải của riêng Chính phủ hay xã hội, mà bản thân DN phải chủ động thoát ra, DN đã cố gắng rồi nhưng phải cố gắng hơn nữa. Nhưng có lẽ Bộ trưởng quên, rất nhiều DN nhỏ và vừa dù đã rất cố gắng, nhưng vì thiếu vốn, thiếu đầu ra đã phải ngừng sản xuất, thậm chí phá sản, và những DN này dù có muốn cũng không thể cố gắng hơn nữa.

Trước nhiều lo lắng của các đại biểu về tình trạng thu mua nông sản của thương lái Trung Quốc, Bộ trưởng Hoàng khẳng định sẽ rà soát và xử lý nghiêm. Nhưng việc để tồn tại khá lâu tình trạng này, bài học vải thiều Bắc Giang chưa hết nóng thì lại đến cua Cà Mau, khoai lang tím Vĩnh Long... cho thấy sự thiếu chặt chẽ trong phối hợp giữa các bộ ngành quản lý và các địa phương. Kết quả là dù đã có nhiều tiền lệ xấu về việc thương lái Trung Quốc thu mua sản phẩm của nông dân, cơ quan quản lý vẫn thiếu thông tin, đối sách kịp thời, kết quả là hàng nghìn nông dân điêu đứng vì bị ép giá, xù nợ...

Thẳng thắn nhận trách nhiệm là đáng quý, nhưng điều cử tri chờ đợi nhiều hơn là sự đột phá trong tư duy quản lý, những chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực và triển khai mạnh mẽ hơn nữa ở Bộ trưởng Công thương thời gian tới.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.