Thử hình dung tình cảnh: một người lao động lâm cảnh thất nghiệp phải trông chờ vào khoản tiền trợ cấp từ bảo hiểm xã hội (BHXH) để xoay xở sinh nhai thì nhận được sự thật sét đánh ngang tai.
Là họ không được trợ cấp vì công ty nơi họ làm việc ăn lương đã trốn đóng BHXH, dù người lao động mỗi tháng đều chịu mức trích thu nhập tiền lương để nộp BHXH. Khi ấy thì tình cảnh của người lao động sẽ thế nào? Rồi với những tình cảnh tương tự. Cả đời lao động và tuân thủ trích nộp BHXH để mai sau được an hưởng tuổi già với chút lương hưu, vậy mà cuối cùng phải chuốc lấy thiệt thòi đắng cay.
Phải hình dung đến những cảnh đời như thế thì mới nhận ra chuyện doanh nghiệp trốn nộp BHXH không đơn giản là một vi phạm hành chính, phát hiện rồi xử phạt là xong. Vấn đề phải được đặt vào tầm mức kiểm soát nghiêm khắc hơn nếu chính quyền thật sự coi trọng chính sách an sinh xã hội, nhất là an sinh xã hội cho người thu nhập thấp.
Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết là những chuyện mà các thành viên của một xã hội bất kỳ đều có thể phải đối mặt như một loại rủi ro từ định mệnh. Và cách hiệu quả mà xã hội học được để bảo vệ các thành viên của mình, giúp họ ứng phó với những khó khăn, rủi ro gây ra tình cảnh mất sinh kế hoặc giảm thu nhập là cùng nhau thực hiện một số biện pháp chung cần thiết để dự phòng rủi ro. Trích nộp BHXH từ những khoản thu nhập tiền công tiền lương là một trong những biện pháp chung rất quan trọng trong chiến lược dự phòng rủi ro cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhưng hết thảy những nỗ lực xã hội rất nhân văn ấy sẽ trở nên vô nghĩa khi mà doanh nghiệp sử dụng lao động nhẫn tâm thực hiện hành vi trốn nộp BHXH. Ai đời, chủ doanh nghiệp lên xe xuống ngựa, xông xênh tiền bạc, súng sính thời trang hàng hiệu mà lại rắp tâm bày trò trốn nộp BHXH. Nạn nhân của họ thường là những người lao động hạn chế hiểu biết xã hội, bị lợi dụng và bị tước đoạt lợi ích nhân sinh rất quan trọng mà không biết, hoặc khi biết thì quá trễ. “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, lúc khó khăn khốn khổ thì một sự hỗ trợ nho nhỏ cũng vô vùng có ích giúp người ta vượt qua khó khăn hoạn nạn. Điều này đồng nghĩa với một lý lẽ khác. Rằng tìm cách tước đi chút quyền lợi BHXH nho nhỏ của những người lâm cảnh khó khăn thì cũng đồng nghĩa với một thứ tội ác, như thể dồn người khó khăn vào chân tường.
Chớ nên xem các vụ vi phạm trốn đóng BHXH là kiểu vi phạm gây thiệt hại không đáng kể mà bỏ qua, mà xử lý qua loa chiếu lệ. Không nên cứ hù dọa để răn đe, rồi hù dọa hoài mà thành nhờn thuốc. Bởi như Phòng Thanh tra - Kiểm tra BHXH TP.HCM cho báo chí biết: tính đến nay vẫn chưa có đơn vị nào bị khởi tố, đồng thời còn nhiều doanh nghiệp né tránh, chây ì và phớt lờ.
Bình luận (0)