Sống giữa rừng xanh cao su xứ Chùa Tháp

Chào đời ở mái nhà cao su

Đình Phú
Đình Phú
24/05/2023 07:41 GMT+7

Ở tỉnh Kratie (Campuchia), có 4 công ty thành viên Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) phát triển dự án cao su: Cao su Đồng Nai - Kratie, Cao su Dầu Tiếng Kratie, Cao su Đồng Phú - Kratie và Công ty VKETI.

Chào đời ở mái nhà cao su - Ảnh 1.

Trong 4 công ty này, Công ty VKETI nằm gần biên giới Việt Nam nhất, chỉ cách cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) khoảng 50 km đường ô tô. Công ty VKETI là công ty con của Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh (thuộc VRG). Thực hiện dự án phát triển hơn 4.381 ha cao su tại Campuchia, trụ sở chính của công ty tại xã Kronhungsenchay, huyện Snuol (Kratie).

Năm 2022, công ty khai thác được 4.284 tấn mủ cao su, có khoảng 750 công nhân người Campuchia, tiền lương bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Công ty phấn đấu năm 2023 thực hiện hoàn thành sản lượng khai thác 4.700 tấn mủ cao su theo kế hoạch VRG giao.

Chị Choy Sina sinh con ở khu nhà ở công nhân Công ty VKETI ẢNH: ĐÌNH PHÚ

Chị Choy Sina sinh con ở khu nhà ở công nhân Công ty VKETI

ẢNH: ĐÌNH PHÚ

VƯỜN CÂY LÀ TÀI SẢN LỚN

Cũng như các công ty cao su khác thuộc VRG ở Campuchia, trụ sở Công ty VKETI cũng là nơi lưu trú của cán bộ, công nhân viên công ty, được bao bọc bốn bề là rừng cao su bạt ngàn. Cạnh nhà ăn tập thể có 1 khoảnh nhỏ được treo các giò hoa lan. Anh Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty VKETI khi đón chúng tôi từ Việt Nam qua thăm, vui vẻ chỉ tay vào giò lan báo hỷ: "Giò hoa này mới bung nở mấy hôm nay. Anh em bảo nhau thế nào cũng có khách đến thăm". Cạnh nhà ăn còn có một khoảnh vườn lớn được chăm chút trồng rất nhiều loại rau xanh và cây ăn trái đang kỳ phát triển tươi tốt…

Anh Nguyễn Trường Giang là giám đốc đời thứ 3 của Công ty VKETI. 2 đời giám đốc trước, một đã nghỉ hưu, một trở lại công ty mẹ làm giám đốc nông trường ở Lộc Ninh (Bình Phước). Tuy chỉ cách nhà mấy chục km nhưng lâu lâu anh mới về Lộc Ninh, vào những khi có dịp hiếu hỷ thì mới kết hợp về thăm nhà, còn phần lớn thời gian bám trụ những cánh rừng cao su ở Kronhungsenchay.

Theo chia sẻ của anh Giang, so với các công ty cao su thuộc VRG ở Campuchia, quy mô Công ty VKETI khá khiêm tốn, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là những tháng đầu năm 2023 giá mủ cao su chỉ dao động ở mức 31 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 8 - 9 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2022.

Do vậy, để có lợi nhuận, công ty tiết giảm nhiều chi phí nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, nguồn vốn. Điển hình như về chi phí quản lý chung, kế hoạch năm 2022 gần 18 tỉ đồng, thực hiện hơn 15 tỉ đồng. Trong đó, chi phí nhân viên quản lý, kế hoạch 9,66 tỉ đồng, thực hiện 8,84 tỉ đồng; chi phí vật liệu quản lý và đồ dùng văn phòng, kế hoạch 0,67 tỉ đồng, thực hiện 0,17 tỉ đồng... Đặc biệt, cán bộ, công nhân viên còn tự chủ trong công tác sửa chữa các công cụ, dụng cụ, máy móc và các phương tiện trong công ty.

"Nghề cao su, tài sản lớn nhất là vườn cây, phải chăm cho tốt. Vườn cây phát triển tốt, quản lý và khai thác tốt thì năng suất mủ tốt. Có mủ thì có tiền. Năng suất vườn cây là yếu tố sống còn. Đất trồng cao su ở Việt Nam là đất đỏ, màu mỡ. Còn đất ở Kronhungsenchay là đất xám, khô cằn hơn. Ở đây, có giống nào cho mủ nhiều thì anh em kiếm chồi về ghép cho bằng được để phát triển vườn cây", anh Giang chia sẻ.

Ở Kronhungsenchay, nguồn lao động tại địa phương khan hiếm, không ổn định, đa số là lao động từ các nơi khác đến tạm trú làm việc. Do đó lao động thường xuyên biến động vào các ngày lễ, tết. Vào mùa vụ thu hoạch nông sản thường có một lượng lớn người lao động nghỉ về quê thu hoạch nông sản gây khó khăn trong việc khai thác mủ cao su. Anh Giang cho hay, lao động biến động liên tục nên việc tuyển dụng, đào tạo tay nghề cho công nhân gặp không ít khó khăn. Để có nguồn thay thế, công ty luôn có đội ngũ chuyên tuyển dụng để dự phòng những trường hợp lao động nghỉ tự do, nghỉ bệnh, nghỉ về quê làm vườn…

Ông Oknha Leng Rithy (trái) là người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển các dự án cao su của VRG tại Campuchia

Ông Oknha Leng Rithy (trái) là người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển các dự án cao su của VRG tại Campuchia

ẢNH: ĐÌNH PHÚ

ĐIỀU ĐẶC BIỆT

Khi chủ trì lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie (2008 - 2023) ở xã O'Kreang, huyện Sambo (Kratie) vào ngày 22.5, ông Yim Chhayly, Phó thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Khôi phục và phát triển nông nghiệp nông thôn Campuchia, ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của 16 công ty cao su thuộc VRG và tất cả các công ty Việt Nam đầu tư trên lĩnh vực trồng cao su ở Campuchia. Các công ty đã hợp tác rất chặt chẽ với Bộ Nông lâm và ngư nghiệp, Bộ Môi trường và các cơ quan liên quan của Campuchia để đóng góp cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân Campuchia.

Cũng như các công ty cao su khác, Công ty VKETI không chỉ lo đào tạo tay nghề, đảm bảo thu nhập ổn định cho công nhân (100% là người Campuchia), mà còn chú trọng đảm bảo sinh kế cho người lao động thông qua việc xây trường học, nhà ở, đường giao thông, hỗ trợ an sinh… Tại vùng dự án cao su, Công ty VKETI xây dựng 6 khu nhà ở cho công nhân ở miễn phí.

Tại một khu nhà ở do Công ty VKETI xây dựng, tầm 4 giờ chiều, đông đảo công nhân quây quần bên nhau chuyện trò. Chúng tôi gặp Choy Sina, 28 tuổi, đang bồng em bé trông rất kháu khỉnh. Anh Phorn, chồng của Choy Sina cũng là công nhân cao su. Choy Sina kể, 2 vợ chồng ở tỉnh Tbong Khmum, cách Kronhungsenchay khoảng 160 km. 2 vợ chồng Choy Sina đến vùng dự án cao su của Công ty VKETI làm công nhân được 3 năm nay. "Em bé mình bế trên tay là con đầu lòng, mới sinh được 3 tháng ngay tại khu nhà ở dành cho công nhân của công ty", Choy Sina chia sẻ.

Cạnh nhà của Choy Sina là nhà của vợ chồng anh Dương Thanh Nhật, 30 tuổi. Anh Nhật quê gốc ở tỉnh Đồng Tháp nhưng sinh ra và lớn lên ở tỉnh Prey Veng (Campuchia). Năm 2012, anh đến Kronhungsenchay làm công nhân cao su và nay là tổ trưởng với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng (650 USD/tháng), quản lý gần 50 công nhân. Anh Nhật cưới vợ người Campuchia, đã có 2 đứa con. Gia đình anh Nhật thuộc diện khá giả, vì ngoài thời gian đi cạo mủ cao su, vợ anh còn mở một quầy tạp hóa ở khu nhà ở dành cho công nhân…

Hôm ở Kratie, chúng tôi gặp ông Oknha Leng Rithy, Trưởng Văn phòng đại diện VRG tại Campuchia. Ông Oknha Leng Rithy nói rằng: "Không lắm trau chuốt như những câu văn, lời thơ nhưng chuyện phát triển cao su ở Kratie có nhiều điều đặc biệt…".

Ở vùng đất Kronhungsenchay xa xôi còn lắm khó khăn, những đứa trẻ đã chào đời dưới mái nhà giữa rừng cao su vươn lên xanh tốt, là một trong nhiều điều đặc biệt ấy…

Trụ sở Công ty VKETI ở xã Kronhungsenchay, huyện Snuol, tỉnh Kratie

Trụ sở Công ty VKETI ở xã Kronhungsenchay, huyện Snuol, tỉnh Kratie

TUÂN THỦ PHÁP LUẬT CỦA NƯỚC SỞ TẠI

Công ty CP cao su Đồng Phú - Kratie là đơn vị thành viên của VRG, được thành lập ngày 31.3.2008, có dự án đầu tư phát triển cao su tại huyện Sambo, tỉnh Kratie. Diện tích cao su đang thời kỳ thu hoạch mủ hơn 5.108 ha, sản lượng năm 2022 đạt hơn 8.012 tấn.

Công ty có khoảng 1.000 công nhân người Campuchia, thu nhập bình quân năm 2022 hơn 7,8 triệu đồng/người/tháng. Công tác giải quyết chế độ, chính sách được triển khai thực hiện đúng pháp luật của nước sở tại, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho công nhân hài hòa với lợi ích của công ty.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.