Chập chờn những xóm ven sông

Bá Cường
Bá Cường
11/10/2022 20:57 GMT+7

Người dân vùng rốn lũ Quảng Bình vẫn chưa thôi ám ảnh sau những mùa mưa bão và tiếp tục đối diện nỗi lo nước sạch, lũ cuốn…

Thiếu nước sinh hoạt

Hàng chục năm qua, người dân ở thôn Hữu Tân (xã Tân Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) vẫn trông chờ nguồn nước sạch. Đây là thôn duy nhất ở xã Tân Ninh đang “khát”. Nhiều năm nay, gia đình chị Lê Thị Tình (46 tuổi, thôn Hữu Tân) phải mua nước đóng bình từ các xã khác để ăn uống, nấu nướng; chuyện tắm rửa, giặt giũ thì đành dùng đến nước giếng nhiễm phèn. Theo chị, nước giếng ở đây bơm lên, lọc qua một lượt nhưng để sau 15 phút là đổi sang màu đỏ, đục ngầu, có mùi hôi, đọng váng trên bề mặt. Vì thế, mỗi tháng gia đình chị tốn gần 10 bình nước để ăn uống, nấu nướng (12.000 đồng/bình), mua từ các xã khác. Để tiết kiệm chi phí, gia đình phải tự chế một hệ thống lọc nước thô sơ để lọc nước giếng dùng cho giặt giũ, tắm rửa…

“Đến mùa mưa bão, các xã khác có hệ thống nước sạch, họ còn có cái tích trữ dùng cho những ngày lũ lụt, chứ ở thôn chúng tôi chỉ biết hứng nước mưa dùng tạm”, chị Tình nói.

Nhiều hộ dân tại xã Đồng Hóa vẫn phải sống tạm bợ trên đò suốt hàng chục năm qua

BÁ CƯỜNG

Thôn Nguyệt Áng (xã Tân Ninh) tình hình có khá hơn, khi đã được lắp đặt hệ thống nước sạch cách đây 5 năm. Mặc dù vậy, người dân chưa hẳn đã có đủ nước sạch để dùng. Chị Nguyễn Thị Hương (40 tuổi) cho hay sinh hoạt mùa hè thì không sao, nhưng đến mùa mưa bão lại lo, nhất là chuyện vệ sinh cho những thành viên khi rút lên tầng 2 tránh lũ nhưng nguồn nước lại… không bơm lên nổi, cứ phải xách theo từng xô nước.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, cho biết dự án cấp nước sạch cho thôn Hữu Tân vẫn chưa được thông qua, nên tình trạng không có nước sạch, thiếu nước để dùng mùa mưa bão vẫn còn ám ảnh người dân. Chính quyền địa phương vẫn đang muốn giải quyết dứt điểm, nhưng có lẽ vẫn phải chờ hết mùa mưa bão năm nay…

Anh Nguyễn Văn Sơn (xã Đồng Hóa) trong con đò nhỏ

Thấp thỏm vạn đò

Tại xã Đồng Hóa (H.Tuyên Hóa) hiện có hơn 10 hộ dân đang sống thấp thỏm trên những chiếc đò, ghe ven sông. Nhiều bất cập liên quan đến vấn đề đất đai đã khiến họ phải sống cuộc sống tạm bợ trên những chiếc đò chật hẹp suốt hàng chục năm qua.

Hơn 20 năm sống trên đò, gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (40 tuổi, thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa) trải qua hàng chục mùa mưa bão. Năm 2020, nước lên rất cao, anh phải neo thuyền cạnh hàng cây, ngày đêm canh con nước lên xuống… “Có những đêm ngủ quên, nước rút nhanh mà không kịp trở tay”, anh Sơn nhớ lại. Cùng 10 hộ dân khác vẫn đang sống tạm ven bờ sông Gianh khu vực xã Đồng Hóa, gia đình anh Sơn mưu sinh bằng nghề chài lưới, nuôi cá lồng kiếm sống quanh năm. Ở đó, nhịp sống của họ luôn trồi sụt theo con nước “chập chờn”…

Bà Lê Thị Hồng Phước (xã Châu Hóa) phải “kè” bảo vệ nhà cửa

BÁ CƯỜNG

Ở thôn Lạc Sơn (xã Châu Hóa, H.Tuyên Hóa), người dân ven sông đối diện mối nguy hiểm khác: lũ lớn kéo theo đất đá từ thượng nguồn. Trong hai mùa mưa bão 2020 - 2021, hàng chục tấn đất đá tràn về bồi đắp hai bên sông, tràn vào xóm nhà. Bà Lê Thị Hồng Phước (thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa) vừa bỏ ra gần 400 triệu đồng chỉ để xây dựng hệ thống trụ bê tông kiên cố để ngăn đất đá. “Tôi sống ở đây từ năm 1993. Trước đây, từ vườn sau ra đến sông phải cách 30 mét, nhưng gần đây lũ về cuốn trôi hết phần bờ, năm ngoái sạt lở vào sát trụ nhà. Tôi phải lo vay mượn, bỏ tiền túi xây “kè” này”, bà Phước nói.

Ông Cao Xuân Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Hóa, cho biết hằng năm trước mùa mưa bão, chính quyền xã đều lên phương án, vận động bà con di dời lên cao để an toàn. “Xã vẫn đang cố gắng xử lý các bất cập về vấn đề đất đai, sớm cho những hộ dân tại xóm vạn đò sớm chuyển lên đất liền sinh sống”, ông Hùng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.