Nếu đơn thuần nhìn vào thực chất cuộc đối địch giữa hai phe thì việc khởi động tiến trình hòa đàm là tín hiệu rất tích cực, đáng khích lệ và nhen nhóm hy vọng vãn hồi hòa bình, an ninh và ổn định. Nhưng nếu đặt xung đột vào bối cảnh chung ở khu vực, đặc biệt dưới tác động của tình hình ở nước láng giềng Afghanistan và của mối quan hệ rất phức tạp, nhạy cảm và mong manh giữa Pakistan và Mỹ thì không thể không bi quan về triển vọng của tiến trình hòa đàm ở Pakistan.
Những gì vừa được hai bên tiến hành chỉ là bước đi nhỏ chập chững ban đầu trên con đường rất dài mà hai bên vừa kéo nhau đi lại vừa níu bước nhau. Chủ định và mục tiêu hiện tại của hai phía không phải là thỏa thuận hòa bình mà chỉ là xây dựng khuôn khổ, thiết lập kênh tiếp xúc và đối thoại trực tiếp để cùng dền dứ chờ thời. Cả hai đều chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản chính trị an ninh ở Afghanistan và khả năng can thiệp cũng như hoạt động quân sự của Mỹ.
Nếu Taliban ở Afghanistan thắng thế và Mỹ tiếp tục cách thức đối phó với Taliban ở Pakistan lâu nay thì lực lượng này sẽ được lợi rất nhiều và sẽ có ưu thế trong hòa đàm với Pakistan. Nếu Taliban bị kiềm chế và dần bị vô hiệu hóa về quân sự trong khuôn khổ một giải pháp chính trị ở Afghanistan và Pakistan được Mỹ nể mặt hơn thì cục diện tình hình sẽ ngược lại. Cho nên việc khởi động tiến trình hòa bình này hiện nặng về danh nghĩa mà nhẹ trong thực chất.
La Phù
Bình luận (0)