Không ai muốn đứa con mình rứt ruột đẻ ra lại mang khuyết tật. Thế nhưng, khi không thể tránh né sự thật phũ phàng ấy, người ta đành chấp nhận và hơn thế, thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực hơn.
Đó là những trải nghiệm, đúc kết từ một người mẹ suốt 22 năm qua đã chăm sóc, nuôi dưỡng đứa con gái mắc hội chứng Down.
Từ bảo bọc kỹ…
“Con mình có bị làm sao không?”, câu hỏi này từng là nỗi ám ảnh thảng thốt của vợ chồng bà Tôn Thị Kim Diên (ngụ tại P.6, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khi đứa con gái út Lê Hoài Yến Linh chào đời. Linh nặng 3,7 kg, bụ bẫm, trắng trẻo song dường như không biết khóc là gì. Vị bác sĩ sản khoa cũng lảng tránh những ánh nhìn dò hỏi đau đáu của vợ chồng bà Diên.
Một tháng sau, cha mẹ Yến Linh càng cảm nhận rõ hơn “có điều gì đó không ổn” ở đứa con. Ông bà quyết định mời một bác sĩ quen thân đến chẩn đoán. Và họ bàng hoàng khi sự thật chính thức lên tiếng!
|
Lúc sinh Yến Linh, bà Diên đã 45 tuổi. Trước bệnh tình của con, bà đã bỏ hết công việc thiết kế xây dựng vốn đang tiến triển tốt đẹp để ở nhà chăm bé. Bà Diên giãi bày: “Bản thân tôi từng rất đau khổ nhưng cũng phải chấp nhận thực tế đó”.
Lên 4 tuổi, Linh bắt đầu đi học. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau, nhà trẻ đã trả bé về nhà vì cô bé thường “quậy tưng” giấc ngủ trưa của những trẻ khác. Sự cố đầu đời của đứa bé gieo vào lòng người mẹ nỗi hoang mang: Phải chăng con mình không thể hòa nhập được? May mắn thay, trong giai đoạn từ 6 -17 tuổi, Linh đã có cơ hội gắn bó lâu dài với Trường chuyên biệt Gia Định.
Nhìn lại một chặng đường nuôi con, bà Diên thừa nhận: “Hồi nhỏ, tôi thương con quá nên không cho nó làm gì. Một số người nói tôi bảo bọc cho con quá kỹ khiến nó phần nào ỷ lại”.
… Đến “mẹ - con cùng làm”
Thẳng thắn tiếp thu góp ý trên, bà Diên dần dà tập cho con tự làm những việc trong khả năng và điều kiện của nó. “Hằng ngày, Linh đảm nhận việc gấp quần áo thẳng thớm cho cả nhà. Trước bữa ăn, cháu luôn biết lau chén đũa, xới cơm theo đúng sở thích từng người, ăn xong lại lau bàn sạch sẽ…”- bà Diên khoe. Từ khi tham gia dự án My Future - mô hình hỗ trợ và phát triển khả năng cho những người thiểu năng trí tuệ - tại Hội quán Đời Rất Đẹp (số 91/6N Hòa Hưng, Q.10, TP.HCM), cô gái này đã biết nhặt rau và làm một số món ăn và nhất là biết phụ mẹ làm nhang ở một số công đoạn. Mỗi tháng, cô nhận khoản thu nhập là 50.000 đồng.
Đặc biệt, nhờ theo lớp võ thuật aikido hơn 1 năm nay mà Linh đã giảm bớt tính khí thất thường và chứng mất ngủ triền miên trước đó. Nhiều người "té ngửa" khi biết rằng cô gái có vẻ ngoài khù khờ, ít nói này lại là võ sinh aikido đai xanh ba gạch. Năm 2011, Linh là một trong số ít học trò được võ sư Thanh Loan (Trưởng bộ môn aikido thuộc Hội võ thuật người khiếm thị TP.HCM) tuyển chọn tham gia đợt tập huấn, biểu diễn aikido quốc tế tại Hà Nội.
“Trung tâm cuộc sống của vợ chồng tôi bây giờ chính là Yến Linh, bởi hai đứa con lớn đã trưởng thành. Có cháu nó, nhà tôi đầy ắp tiếng cười. Điểm nổi bật ở Linh là rất tình cảm, thương yêu mọi người trong nhà và cũng rất hiếu khách. Với chúng tôi, được như vậy quý lắm rồi!”- bà Diên tâm tình.
Chương trình “Cám ơn mẹ đã tin tưởng con” do Procter & Gamble (P&G) VN tài trợ nhằm mục đích nâng cao hiểu biết của cộng đồng về Special Olympics và kêu gọi những người mẹ sử dụng thể thao Special Olympics để giúp con nâng cao sức khỏe và hòa nhập cộng đồng. Bạn hãy cùng P&G ủng hộ Special Olympic bằng cách: - Tham gia thắp đuốc online “Bạn click, P&G đóng góp” trên trang www.thanhnien.com.vn hoặc www.camonmedatintuongcon.com Tính đến hôm nay đã có hơn 10.000 người tham gia thắp đuốc ủng hộ cho chương trình. - Khi bạn mua sản phẩm của P&G tại hệ thống siêu thị Metro, P&G sẽ trích một phần doanh số để đóng góp cho Special Olympic |
Như Lịch
Bình luận (0)