(TNO) Nhân kỷ niệm 34 năm ngày mất của Charlie Chaplin (25.12.1977 - 25.12.2011), sáng 10.12, tại quán Cà Phê Thứ Bảy (TP.HCM) đã tổ chức buổi nói chuyện và chiếu phim mang chủ đề Những thước phim quý của vua hề Charlot với sự tham gia của đạo diễn Bá Vũ.
Charlie Chaplin thường được khán giả Việt Nam biết đến với tên gọi vua hề Sác lô. Ông sinh năm 1889 trong một gia đình mà cả cha và mẹ đều là diễn viên. Tuy nhiên, trả lời cho câu hỏi “Ai là thầy của Charlie Chaplin?”, bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, đạo diễn Bá Vũ nhận định: “Không ai là thầy của Charlie Chaplin, mà bằng chính sự sáng tạo của mình, Charlie Chaplin đã làm nên những thước phim tuyệt vời. Những tình huống, câu chuyện mà Charlie Chaplin đưa lên màn ảnh chính là từ cuộc đời ông”.
Charlie Chaplin được xem là một trong những nghệ sĩ kịch câm và diễn viên hài xuất sắc nhất mọi thời đại. Ông cũng là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của kỷ nguyên phim câm, được các nguyên thủ quốc gia yêu mến và xem như một thiên tài.
“Cái hay của Charlie Chaplin chính là việc ông tự đóng, đạo diễn, viết kịch bản, sản xuất và soạn nhạc cho chính bộ phim của mình. Đến nay, hiếm có ai làm được điều này một cách xuất sắc như Charlie Chaplin”, đạo diễn Bá Vũ chia sẻ.
Buổi giao lưu cũng chiếu lại hai bộ phim rất nổi tiếng của Charlie Chaplin là Shoulder Arms (tạm dịch: Charlot súng vác trên vai) sản xuất năm 1918 và The Pilgrim (Charlot: Tên cướp hoàn lương) sản xuất năm 1923. Những thước phim không lời nhưng lại khiến khán phòng không ngớt tiếng cười vì những tình huống thật hài hước và lối diễn xuất hóm hỉnh của Charlie Chaplin.
Đạo diễn Bá Vũ phân tích: “Charlie Chaplin không bao giờ chọc cười. Chính những tình huống cay đắng trong phim đã làm nên tiếng cười. Giống như người ta thường có câu đỉnh cao của sự hài hước là nỗi đau khổ”.
Nhắc đến Charlie Chaplin, không thể không kể đến sự đào hoa của ông. Charlie có đến bốn người vợ và chính điều này từng khiến ông và những bộ phim của ông bị tẩy chay. Và dù rất xuất sắc trong lĩnh vực phim câm nhưng ông tỏ ra rất "thủ cựu" khi điện ảnh chuyển sang giai đoạn phim có tiếng. Charlie cho rằng điện ảnh chỉ cần hành động, không cần lời nói và kiên quyết chống lại phim có tiếng nói trong suốt những năm 1930.
Những năm cuối đời, ông bị tẩy chay ở Mỹ nên chuyển đến Thụy Sỹ sinh sống cho đến cuối đời. Dù vậy, cách đi chữ bát, chòm râu, trang phục... vẫn mãi là thương hiệu của "vua hề Sác lô".
Ngát Ngọc
Bình luận (0)