Đã đành trong thế phát triển không thể không phá bỏ đi những cái cũ nhưng bao nhiêu nước người ta cũng thay đổi dữ lắm mà có mấy ai phá bỏ cái cũ đâu? Xét cho cùng thì đời con người thật ngắn, ai cũng biết rằng rồi sẽ đến lúc mình bước ra khỏi cuộc đời này. Mỗi dấu vết con người để lại ở đời đều khắc ghi, chứa đựng biết bao niềm yêu thương, âu yếm. Còn khi chẳng để lại dấu vết gì hết, mọi dấu vết đều bị xóa từng ngày, cái mới luôn có mặt để thay thế cái cũ, thì sẽ sao nhỉ? Thật không dễ chịu chút nào khi cảm thấy mình như một đứa con hoang, không quê hương, nguồn cội.
Khi quyết định chặt bỏ hàng cây để mở rộng con đường, các nhà quản lý, nhà quy hoạch có ai nghĩ đến điều ấy để một thoáng do dự khi đặt bút ký? Đừng nghĩ rằng đó là chuyện tình cảm vớ vẩn, hoặc nếu nói thế thì cũng bảo chẳng sao đâu, thời gian rồi cũng sẽ có những kỷ niệm mới thay thế cho những kỷ niệm cũ, lo gì. Có thể là như vậy, nhưng liệu sẽ xảy ra điều này không, rằng có một người xa xứ nào đó tìm về chốn cũ để làm ăn, gắn bó với đất nước quê hương chỉ vì nơi đây lưu giữ những kỷ niệm một thời của họ nhưng rồi họ lại bỏ đi vì không thể tìm được bóng dáng nào của cố hương trong ký ức?
Một khi người ta xa lạ ngay trên con phố nhà mình, nhớ nhà khi đứng ngay trước ngõ nhà mình thì người ta cũng sẵn sàng ra đi mà không thèm quay lại, họ sẽ trở thành những người không có quê hương để nhớ.
Có thể rút ra một điều không, rằng chẳng riêng gì các nhà quản lý phải cân nhắc khi xóa bỏ một công trình, một vật thể như tòa nhà cũ hoặc gốc cây vài chục năm tuổi; mà ngay cả mỗi một con người cũng cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi thay đổi một cái gì đó trong căn nhà của mình, nhất là khi đã sống chung với nó vài ba thế hệ hoặc vài ba chục năm. Có thể không phải chỉ vì những vạch đo độ lớn của con trẻ hoặc chiếc lu nước nhưng nó vẫn ám ảnh ta như những gốc cây đã gắn bó với bao người bị chặt bỏ. Nó như một phần đời người. Cắt bỏ sao đành!
Hồ Trung Tú
>> Lớp học của Bút Chì
>> Sống chung với bút chì
>> Cây" bút chì
>> Tranh ghép từ bút chì
Bình luận (0)