Chất độc da cam di họa được báo trước

09/08/2011 23:12 GMT+7

Trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, di chứng đáng sợ nhất là chất độc da cam mà quân đội Mỹ gây ra cách đây tròn 50 năm (10.8.1961 - 10.8.2011).

Những văn bản tối mật

Mặc dù đã cùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam (mà họ gọi là chất khai quang), nhưng ngay từ đầu một số cơ quan của chính quyền Việt Nam cộng hòa (VNCH) đã nắm được tác hại của chất này. Các tài liệu của chính quyền VNCH giúp tiếp cận trực tiếp với tài liệu của Mỹ qua những nội dung trao đổi về chất khai quang. Đây là những tài liệu gốc, hầu hết đều có yêu cầu bảo mật (đóng dấu “mật” hoặc “tối mật”). Khai thác khối tài liệu này, chúng tôi muốn đưa ra một góc nhìn từ phía bên kia về những tác hại do chất khai quang gây ra.

Có 2 nguồn tài liệu liên quan đến chất khai quang:

- Tài liệu hành chính của chính quyền (đệ nhất và đệ nhị) VNCH từ năm 1961 - 1974, gồm các cơ quan: Phủ Thủ tướng, các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Y tế, Xã hội, Viện Đại học Sài Gòn, Canh nông, Cải cách điền địa… Trong đó, văn bản của Bộ Ngoại giao và Canh nông là nhiều nhất.

- Tài liệu của Mỹ gồm 2 mảng: tài liệu hành chính của chính quyền Mỹ lúc bấy giờ và các công trình nghiên cứu do các cơ quan khoa học công bố, trong đó phần lớn là của các nhà khoa học Mỹ. Họ đã nghiên cứu trên thực địa và phòng thí nghiệm về chất khai quang đã sử dụng tại miền Nam Việt Nam.

Khi tìm hiểu về chất độc da cam, có vấn đề cần làm rõ: Chất độc da cam là gì? Loại chất này được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam nhằm mục đích gì? Tác hại và di họa của nó với môi trường và con người ở miền Nam Việt Nam đã được phát hiện và xử lý ra sao trong guồng máy tổ chức chiến tranh của chính quyền VNCH và chính quyền Mỹ lúc bấy giờ?


Chiếc máy bay số hiệu UH-1D đang rải chất khai quang trong vùng rừng của Đồng bằng sông Cửu Long tháng 7.1969 - Ảnh: tư liệu 

“Đình chỉ tức khắc”

Văn bản sớm nhất cho thấy tác hại của chất khai quang được tìm thấy trong phông tài liệu Phủ Thủ tướng VNCH ban hành vào năm 1967. Còn tài liệu quan trọng nhất là công văn số 291/MC-LHQ/M, ngày 9.5.1970 của Tổng trưởng Ngoại giao Trần Văn Lắm gửi Thủ tướng VNCH, “v/v Hoa Kỳ ra lệnh đình chỉ sử dụng chất khai quang 2, 4, 5-T” trên cơ sở văn thư số 99, ngày 16.4.1970 của Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn gửi Bộ Ngoại giao VNCH: “các bộ trưởng Canh nông, Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Xã hội Hoa Kỳ đã ra lệnh ngày 15.4.1970 đình chỉ tức khắc việc sử dụng các chất khai quang nước (liquid) 2, 4, 5-T gần các gia cư, ao hồ và mương rạch”.

Việc “đình chỉ tức khắc” việc sử dụng chất khai quang - chất độc da cam - dioxin tại chiến trường miền Nam Việt Nam cho thấy mức độ nguy hại khủng khiếp của loại hóa chất tồi tệ này. Công văn số 291/MC-LHQ/M do Tổng trưởng Trần Văn Lắm ký còn cho biết những quyết định từ các cơ quan hữu trách của Mỹ nhằm ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất khai quang:

“Bộ Canh nông Hoa Kỳ còn dự định bãi bỏ việc sử dụng các chất khai quang không thuộc thể nước (non liquid) ở nơi có người cư ngụ và trên các mùa màng hoa màu và cây ăn trái (như táo, dâu, lúa, gạo và mía v.v).

Bộ Y tế, Giáo dục và Xã hội Hoa Kỳ còn cho biết rằng chất 2, 4, 5-T và các chất dioxin nhiễm độc có thể gây ra sự tăng trưởng bất thường trong cơ thể của các sinh vật tượng hình…”.

Ngay sau đó, Bộ Nội vụ VNCH đã gửi thông tư số 1622 BNV/HC.30M, ngày 23.6.1970 đến các đô trưởng, tỉnh trưởng về việc đình chỉ sử dụng chất khai quang loại 2, 4, 5-T.

Tuy nhiên, trước khi có văn thư số 99 của Sứ quán Mỹ và công văn số 291/MC-LHQ/M của Bộ Ngoại giao VNCH, các cơ quan có trách nhiệm về sức khỏe con người và môi trường như bộ Canh nông, Y tế cũng đã có những báo cáo “mật” hay “tuyệt mật” cảnh báo về vấn đề này. Có thể liệt kê các tài liệu xuất hiện từ năm 1967 (sau 5 năm chất khai quang được rải xuống miền Nam Việt Nam):

- Công văn số 3460-BCN/KH/2.D, ngày 26.5.1967 của Ủy viên Canh nông gửi Ủy viên Phủ Chủ tịch Ủy ban hành pháp T.Ư, về ảnh hưởng của chất khai quang và các thiệt hại gây ra đối với hoa màu.

- Công văn số 245/QH/ NGTT/DY, ngày 9.6.1967, của Chủ tịch Quốc hội gửi Chủ tịch Ủy ban hành pháp T.Ư, về việc 16 chủ vườn cao su và cây ăn trái tại Tây Ninh xin đặc cách bồi thường thiệt hại do công tác xịt chất khai quang của quân đội Mỹ gây ra vào ngày 30 và 31.7.1964.

- Công văn ngày 7.10.1967 của Phủ Đặc ủy hành chính gửi tỉnh trưởng, thị trưởng về việc bồi thường cho các trại chủ có hoa màu bị thiệt hại vì chất khai quang.

“Tai hại cho tương lai”

Ngoài các tài liệu trên, công văn số 136-BCCĐĐCN/KH /2B/M (dạng mật, khẩn), ngày 27.1.1968 của Bộ Cải cách điền địa và Canh nông gửi Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, đã nhận xét rất cụ thể về tác hại của chất khai quang:

- Các hóa chất như sodium cacodylate, dimethyl arse nic acid thuộc nguồn gốc thạch tín, rất độc và có hại đối với con người và gia súc.

- Loại chất stérilisant có tác dụng hủy diệt tất cả thảo mộc còn xanh tươi và làm hư hại đất đai. Nếu sử dụng ở những nơi quá khô khan, có thể gây cháy và nổ.

- Các chất 2, 4, 5-T có độc ester là một kích thích có ảnh hưởng rất mạnh đối với thảo mộc thuộc nhóm “dicotylédones” và có thể hủy diệt tất cả hoa màu, mùa màng theo nồng độ 1% 2, 4-D và 2% 2, 4, 5-T hiện đang được áp dụng tại Việt Nam”.

Tiếp đó còn có 2 văn bản thể hiện những nội dung rất quan trọng khi nói đến mức độ độc hại và tác hại lâu dài của chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng tại miền Nam Việt Nam:

- Biên bản (liên bộ: ngoại giao, quốc phòng, canh nông, y tế, nội vụ, xã hội, bình định và phát triển nông thôn) ngày 11.8.1970 “về chính sách khai quang và cách đối xử với phái đoàn Matthew Meselson” dưới sự chủ trì của Đổng lý văn phòng Bộ Ngoại giao. Phần thuyết trình của đại diện Bộ Ngoại giao do Giám đốc Nha Mỹ châu trình bày là một tổng kết khái quát, đầy đủ nhất về chất khai quang đang sử dụng tại miền Nam Việt Nam:

“a/ Hoa Kỳ có 5 hãng lớn sản xuất thuốc khai quang… Cơ quan Chính phủ Food and Drug Administration chưa bao giờ yêu cầu các hãng sản xuất khảo nghiệm xem có nguy hại cho sinh vật hay không.

Thuốc sản xuất ra mạnh nhất và nhiều nhất là 2, 4-D và 2, 4, 5-T, Hoa Kỳ gọi là thuốc trừ cỏ dại (herbicide)…

b/ Hai loại thuốc trên được dùng ở Việt Nam rất nhiều với độ lượng (dosage) mạnh hơn ở Hoa Kỳ gấp bội - gấp 13 lần hơn với Agent Orange - trên một diện tích đã ước lượng là 12,5% diện tích VNCH kể từ cuối năm 1961 đến nay…

c/ Theo nhiều nhà bác học Hoa Kỳ, thuốc khai quang có thể gây những thiệt hại lớn lao như sau:

- Dùng nhiều và nhiều lần tại một nơi, thuốc khai quang, nhất là thuốc 2, 4, 5-T có thể làm cho đất chết đi và biến thành chất laterrite (đá Biên Hòa) vĩnh viễn không thể trồng trọt được nữa;

- Dùng nhiều tại những nơi bùn lầy gần biển có thể làm chết cây cối, gây ảnh hưởng tai hại cho sinh vật dưới nước, không chỗ sinh sản hay thay đổi môi trường sinh hoạt của sinh vật dưới nước;”.

- Công văn số 518/BNG/MC/M ngày 13.8.1970, của Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng kết luận buổi họp liên bộ ngày 11.8.1970 “về chính sách khai quang và cách đối xử với phái đoàn Matthew Meselson”, trong đó phần “I. Đặt vấn đề về chính sách” đã nhấn mạnh: “Dùng thuốc khai quang nhiều có thể tai hại cho tương lai dân tộc...”.

Ngoài chất khai quang màu vàng làm rụng lá, quân đội Mỹ cùng chính quyền VNCH cũng tiến hành rải chất màu xanh nhằm triệt hại cả cây nông nghiệp (nhất là lúa) để người dân vùng nông thôn không thể tự cấp lương thực và cũng không thể hỗ trợ cho lực lượng du kích, phải bỏ ra thành thị sinh sống. Báo cáo của Đại sứ VNCH tại Mỹ ngày 8.2.1971 về bản phúc trình của tổ chức America Association for the Advancement of Science do 3 giáo sư công bố tại Chicago, sau khi nghiên cứu thực tế tại miền Nam Việt Nam đã cho kết quả đáng sợ như sau:

- 1/7 đất đai tại Việt Nam bị rải chất hóa học để phá hủy mùa màng hoặc khai quang.

- Các khu rừng sản xuất gỗ trị giá 500 triệu Mỹ kim bị phá hủy.

- Trên 3.200 dặm vuông đất làm mùa bị rải hóa học. Diện tích này trước đây sản xuất thực phẩm đủ nuôi 600.000 người.

- … tại Tây Ninh, nơi rải chất khai quang nhiều, số hài nhi bị chết khi sinh gấp đôi số trung bình trên toàn quốc…

Trong hầu hết những tài liệu nói trên, tác hại của chất độc da cam đối với con người và môi trường đều được các cơ quan của chính quyền VNCH nắm bắt rất chính xác, rõ ràng. Qua biên bản họp liên bộ ngày 11.8.1970 và công văn báo cáo kết luận kết quả cuộc họp ngày 13.8.1970 (đã dẫn), hầu hết ý kiến của bộ Ngoại giao, Canh nông, đại diện các nhà khoa học với những mức độ khác nhau đều đề nghị ngưng sử dụng chất khai quang trước ngày 16.4.1970 theo đề nghị của văn thư số 99 của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Nhưng cuối cùng, các ý kiến (chủ yếu từ đại diện Bộ Quốc phòng) là không thể từ bỏ vì: “không dùng chất khai quang thì không biết có phương cách chiến đấu chống cộng sản nào khác thay thế”.

Như vậy, việc xác định chất khai quang có di hại đến con người và môi trường ở miền Nam Việt Nam là không thể chối cãi. Bằng chứng thuyết phục nhất là các công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc của các nhà khoa học Mỹ và quốc tế, đặc biệt là lệnh cấm sử dụng chất khai quang có chất 2, 4, 5-T của chính giới chức Mỹ - nơi khởi nguồn phát minh, sản xuất và tổ chức sử dụng loại hóa chất độc ác này trong chiến tranh Việt Nam. Bên cạnh đó, những tài liệu của chính quyền VNCH khẳng định di hại của chất khai quang cũng có giá trị cao về mặt lịch sử và pháp lý.

Nguyễn Văn Kết - Lê Huỳnh Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.