Chất lượng của luật là cuộc sống

23/05/2015 05:00 GMT+7

Những tranh luận, phát biểu của ĐBQH trong phiên họp tổ ngày 22.5 cho thấy một thực tế: thời gian qua có những luật, điều luật được QH thông qua đã không phản ánh đúng thực tế và đảm bảo lợi ích cho cử tri.

Những tranh luận, phát biểu của ĐBQH trong phiên họp tổ ngày 22.5 cho thấy một thực tế: thời gian qua có những luật, điều luật được QH thông qua đã không phản ánh đúng thực tế và đảm bảo lợi ích cho cử tri. Chính vì vậy, có không ít điều luật khi đi vào triển khai đã bị phản ứng mạnh, thậm chí bị phản ứng ngay khi mới thông qua, như điều 60 của luật Bảo hiểm xã hội.

Cho dù có không ít ĐBQH vẫn cho rằng điều 60 của luật BHXH là “nhân văn”, “đúng đắn”, thể hiện đúng quan điểm, chủ trương về an sinh xã hội và có lợi cho người lao động, nhưng thực tế nó lại không thể thuyết phục được một bộ phận không nhỏ người lao động, bởi như phát hiện của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM), có những công nhân tay nghề cao, có thâm niên hơn 18 năm làm việc mà khi về hưu chỉ được lĩnh một khoản lương hưu 943.000 đồng thì họ không thể sống nổi. Và những người làm luật cần hiểu rõ một thực tế, ở VN, khá đông công nhân từ nông thôn ra, khi nghỉ việc, họ lại trở về quê làm ruộng và không có điều kiện đóng BHXH liên tục để hưởng lâu dài.

Những điều này còn cho thấy, quy định quan trọng nhất của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật là trong một số vấn đề cụ thể, cần nên tham khảo ý kiến của đối tượng chịu sự tác động khi ban hành chính sách. Khi làm luật BHXH, người ta mới chỉ lấy ý kiến ở hội thảo, ở cán bộ công đoàn… chứ chưa lắng nghe ý kiến trực tiếp từ những công nhân lao động tại các nhà máy, công trường. Và ở đây, cách nhìn nhận và xử lý vấn đề, suy nghĩ của nhà làm luật với người lao động có khác nhau.

Không chỉ điều 60 luật BHXH, mà một ĐBQH ngành tòa án hôm qua còn phát hiện ra rằng luật Phí và lệ phí hiện hành đang bao trùm cả phí và lệ phí của ngành tòa án. Trong khi, phí và lệ phí ngành tòa án lại hoàn toàn khác biệt với các loại phí và lệ phí khác, vì nó phải tính trên cơ sở xác định giá trị tài sản tranh chấp trong các vụ án. Hiện nay, do luật Phí và lệ phí quy định không đúng và mờ nhạt về điều này nên thực tế xử lý việc thu phí, lệ phí với công dân trong xử án rất vướng mắc, mất rất nhiều thời gian của công dân và cán bộ tòa án.

Không phải trong QH không có nhiều ĐB gần dân, hiểu những câu chuyện thực tế và có những ý kiến, đề xuất xác đáng, giá trị trong quá trình làm luật. Nhưng đáng tiếc, cách thức tiếp thu ý kiến ĐBQH tại nghị trường, trong nhiều kỳ họp gần đây dường như đang có vấn đề. Nói như ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thì: “Nhiều khi nói (mà ban soạn thảo - PV) chẳng tiếp thu gì. Điều cần đem ra biểu quyết thì không đưa ra, điều không cần lại đưa ra. Cách biểu quyết thông qua luật ào ào, theo kiểu cả gói chứ không theo từng điều như ngày xưa, rõ ràng không ổn”.

Thiếu thực tế, không lấy ý kiến của đối tượng bị tác động, thông qua luật khi mà nội dung một số chương, điều khoản còn thiếu khoa học, chặt chẽ, không cân nhắc đầy đủ ý kiến phản biện... rõ ràng đang là những nguyên nhân chính khiến đang có không ít luật, điều luật mới thông qua đã phải xem xét đến việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.