Chất lượng giảm do xét tuyển vào lớp 10

07/12/2011 02:45 GMT+7

Giáo viên các trường THPT tại TP.HCM báo động về chất lượng đầu vào ngày một kém, trong khi đó Sở GD-ĐT lại chưa tìm được phương án ưu việt trong việc xét tuyển vào lớp 10.

Giáo viên các trường THPT tại TP.HCM báo động về chất lượng đầu vào ngày một kém, trong khi đó Sở GD-ĐT lại chưa tìm được phương án ưu việt trong việc xét tuyển vào lớp 10.

Học tàng tàng cũng vào lớp 10

Từ năm học 2006 - 2007, Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện phương thức xét tuyển vào lớp 10 ở 3 huyện: Cần Giờ, Bình Chánh và Củ Chi. Đến năm học 2011 - 2012 đã có 9 quận, huyện thực hiện phương án này với 18.001 HS chiếm tỷ lệ 33,47% tổng số HS trúng tuyển.

Tiếp tục  thi tuyển và xét tuyển

Năm học 2012 - 2013, tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM vẫn thực hiện song song giữa xét tuyển và thi tuyển. Ngoài 9 quận, huyện đã xét tuyển là Q.2, Q.6, Q.9, Bình Chánh, Bình Tân, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Sở sẽ mở rộng địa bàn thực hiện phương thức này ở Q.12. Những quận, huyện còn lại thực hiện phương thức thi tuyển với 3 môn toán, văn, ngoại ngữ và HS được quyền đăng ký 3 nguyện vọng như trước đây.

Cùng là xét tuyển nhưng trên thực tế mỗi nơi thực hiện một kiểu nên khá rối rắm. Tuy nhiên, vấn đề làm lãnh đạo các trường THPT băn khoăn chính là chất lượng HS.

Ngay năm học đầu tiên (2009 - 2010), Q.Thủ Đức thực hiện phương thức xét tuyển, ông Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, đã nêu thực tế: "Chỉ trong học kỳ 1, trường phải trả hồ sơ cho 30 HS lớp 10. Trong số đó, chỉ có vài ba HS xin chuyển trường, một số xin rút hồ sơ để học trung cấp, số còn lại phụ huynh nói thẳng là con bỏ học vì không theo được". Đến thời điểm này, khi đặt vấn đề về chất lượng HS, vị hiệu trưởng này vẫn khẳng định: "Nếu như khi chưa thực hiện xét tuyển thì tỷ lệ HS khá giỏi đạt khoảng 80%, nay thì chỉ tròm trèm 50% mà thôi. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê, còn chính xác chất lượng giảm sút đến mức độ nào thì năm học này là năm đầu tiên lứa HS này sẽ thi ĐH- CĐ, tôi mới trả lời được".

Còn bà Lê Thị Minh Loan, Trưởng phòng GD Q.9, người trực tiếp quản lý bậc THCS cũng thẳng thắn: "Mỗi năm phòng GD đều thống kê chất lượng HS ở từng môn học và nhận thấy chất lượng có giảm sút. Nguyên nhân do HS biết học tàng tàng cũng được vào lớp 10, còn giáo viên cũng chẳng nhiệt huyết". Bà Minh Loan còn chỉ ra hệ lụy: "Giáo viên các lớp THCS cũng không đánh giá, nhận xét và cho điểm HS một cách chính xác".

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Phùng Quốc Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trung Phú (Củ Chi), cho rằng: "Việc xét tuyển với những phương án như hiện nay đã triệt tiêu động lực dạy và học ở bậc THCS từ đó dồn hết áp lực vào bậc THPT. Ngoài ra, có hiện tượng giáo viên làm hư HS bằng cách cứ cho điểm thoải mái để được lên lớp còn lên lớp 10 có học được hay không thì tùy thuộc vào bản thân học trò". Một số lãnh đạo các quận huyện khác thực hiện xét tuyển cũng cho biết tỷ lệ HS bỏ học ngày một tăng, có nơi có đến 1/3 HS bỏ học sau khi vào lớp 10.


Giáo viên chủ nhiệm Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM) giới thiệu và tư vấn phụ huynh HS về kỳ thi và xét tuyển vào lớp 10 năm học 2011-2012 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức xét tuyển có những ưu điểm riêng như tạo được sự đồng đều về chất lượng đầu vào giữa các trường THPT trên cùng địa bàn, HS học trường gần nhà và đặc biệt không phải chịu áp lực qua một kỳ thi tuyển sinh căng thẳng, tiết kiệm được ngân sách nhà nước và tiền bạc của phụ huynh.

Xét tuyển cũng có 3 nguyện vọng

''Nếu như khi chưa thực hiện xét tuyển thì tỷ lệ HS khá giỏi đạt khoảng 80%, nay thì chỉ còn tròm trèm 50% mà thôi'' - Ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM

Trong cuộc họp rút kinh nghiệm về phương thức xét tuyển vào lớp 10 diễn ra ngày 6.12, Sở GD-ĐT đã đưa ra phương án mới lấy ý kiến của các quận huyện thực hiện xét tuyển. Nếu như những năm trước, HS xét tuyển vào lớp 10 được phân tuyến theo địa bàn trường THCS hoặc địa bàn cư trú thì năm nay sẽ đăng ký theo 3 nguyện vọng. Nghĩa là HS sẽ được đăng ký vào 3 trường THPT trên địa bàn theo thứ tự nguyện vọng ưu tiên. Phương án này sẽ khắc phục những hạn chế của việc xét tuyển hiện nay: tránh tình trạng phụ huynh, HS tìm cách chuyển trường, chuyển hộ khẩu. Vì các nguyện vọng ưu tiên sẽ xét theo điểm chuẩn từ cao xuống thấp nên HS muốn vào được các trường theo đúng nguyện vọng phải cố gắng đạt điểm cao ở cả 4 năm học THCS. Điều này sẽ nâng cao chất lượng đầu vào, một trong những hạn chế lớn nhất của việc xét tuyển như hiện nay.

Phương án này vẫn chưa có sự đồng thuận của các trường. Trước tình hình đó, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương cho rằng: "Thực hiện phương án nào thì các địa phương cũng phải đi kèm với những quyết liệt như phân luồng cho HS theo học những mô hình phù hợp với khả năng, nghiêm túc trong việc kiểm tra đánh giá ở bậc THCS để HS không ỷ lại… Ngay hiệu trưởng các trường THPT cũng phải tự xây dựng kế hoạch để nâng chất lượng HS. Đừng nên có tâm lý chấp nhận số phận mình là những trường chỉ có HS yếu kém…". Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó giám đốc Sở, khẳng định: "Sở đưa ra phương án để các quận huyện cùng bàn bạc và sẽ tổng hợp ý kiến. Còn quyết định phương án nào thuộc quyền của UBND TP".

4 phương án xét tuyển hiện hành

Theo địa bàn trường: HS tốt nghiệp THCS thuộc địa bàn trường THPT nào thì vào học lớp 10 trường đó, các quận huyện: 2, Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh đang thực hiện.

Theo địa bàn cư trú: HS cư ngụ trong bán kính của trường THPT nào thì học tại trường đó. Phương án này Q.9 đang thực hiện.

Theo địa bàn cư trú kết hợp địa bàn trường THCS: Q.6, Q.Bình Tân và huyện Hóc Môn thực hiện điểm sàn vào lớp 10 cho toàn quận sau đó sắp xếp HS vào các trường THPT theo địa bàn cư trú và địa bàn trường THCS.

Theo điểm số: Q.Thủ Đức xét tuyển theo điểm học lực, đạo đức của HS 4 năm THCS từ cao xuống thấp. Mỗi trường THPT có điểm xét tuyển riêng, HS muốn vào học các trường THPT có danh tiếng phải cố gắng học tốt ở bậc THCS.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.