Các cuộc tranh luận sẽ không đi đến đâu nếu không xét đến mục đích của vấn đề.
PGS-TS một ngành công nghệ, là phó hiệu trưởng trẻ của một trường thành viên lớn ở ĐH Quốc gia TP.HCM kể rằng thầy hướng dẫn anh làm tiến sĩ ở nước ngoài chưa có bằng tiến sĩ nhưng có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực này và cũng là giáo sư. Hiện thầy của anh còn làm tổng biên tập một tạp chí chuyên ngành rất uy tín. Anh còn cho biết có một người cùng chuyên ngành với anh ở Trường ĐH Cambridge (Anh quốc) là giáo sư nhưng cũng chưa có bằng tiến sĩ. Những trường hợp như thế này hiếm nhưng vẫn xảy ra.
Trở lại câu chuyện ở VN. Với tình hình hiện nay, nếu không có quy định mỗi ngành học phải có ít nhất một tiến sĩ thì việc mở ngành học ở các trường bị dư luận cho rằng đang có nhiều kẽ hở sẽ càng trở nên quá dễ dãi. Nhưng rất khó có quy định nào phù hợp với tất cả mọi đối tượng theo một chuẩn chung.
Việc quy định cần người có chuyên môn cao là để các trường đảm bảo chất lượng và chất lượng đó có thể định lượng bằng nhiều cách khác nhau. Với ngành này có thể là tiến sĩ nhưng với những ngành nghề đặc thù đó có thể là nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn, diễn viên nổi tiếng… Vì vậy, trong nhiều trường hợp, Bộ vẫn có thể điều chỉnh, bổ sung quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế. Bởi nếu không, chắc chắn các trường bằng cách này hay cách khác, cũng sẽ lách tìm được người có học vị theo yêu cầu. Nếu cứ bám vào những quy định cứng nhắc, không thực tế chỉ làm tăng thêm tiêu cực. Người ta sẽ tìm mọi cách để có bằng tiến sĩ dù đó chỉ là tiến sĩ giấy mà điển hình là vụ mua đầu vào cao học ở Thanh Hóa mới đây. Vậy thì, chất lượng nào mới là thực chất?
Nhưng nếu cứ thay đổi quy định cho phù hợp thì cũng sẽ phát sinh nhiều tình huống. Khi mở cánh cửa này cho một vài người tốt đi qua, ngay lập tức có những người xấu cũng rủ nhau đi. Thực tế đã cho thấy điều đó. Chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục đã có hàng loạt quy định với chủ trương tốt nhưng rồi bị các trường lợi dụng khiến nó biến dạng, bóp méo, nảy sinh tiêu cực.
Vậy vấn đề là gì?
Quy định này đề ra nhằm giúp các trường có điều kiện kiến tạo, phát triển, nâng cao chất lượng. Còn thực hiện điều đó như thế nào là công việc của các trường, không phải của Bộ, Bộ chỉ đóng vai trò tư vấn. Các trường sẽ tự chịu trách nhiệm về việc đào tạo và tuyển sinh, Bộ làm công việc khảo thí, đánh giá chất lượng. Nghĩa là chuyển từ quản lý tập trung sang phân tầng. Ở đây, một lần nữa lại nhắc đến sự cần thiết phải có xếp hạng, đánh giá cũng như phân tầng trong giáo dục ĐH. Như thế người học sẽ biết trường nào giỏi, trường nào dở và họ sẽ tự quyết định chọn trường học.
Không thể chạy theo từng vụ việc, trường hợp để điều chỉnh nhưng chúng ta có thể tạo ra một cơ chế để nuôi dưỡng, kiến tạo những điều được xem là đúng, chuẩn mực.
Thùy Ngân
Bình luận (0)