Chất lượng phim truyền hình Việt vẫn 'hên xui'

Thu Thủy
Thu Thủy
11/11/2024 05:53 GMT+7

Thời gian gần đây, trong khi có nhiều phim truyền hình Việt thu hút khán giả thì cũng có những phim không thực sự chất lượng khiến người xem ngán ngẩm.

ĐUỐI SỨC VỀ NỘI DUNG

Có thể thấy, phim truyền hình Việt đã trở thành "món ăn" quen thuộc của khán giả, nhất là trên sóng phim giờ vàng. Mỗi tuần đều đặn có 3 - 4 phim phát sóng với nội dung khá đa dạng từ tình cảm gia đình, khởi nghiệp của người trẻ đến cảnh sát hình sự phá án…

Trong đó nhiều phim "gây bão", đạt tỷ suất lượt xem "khủng" nhưng cũng có phim bị chê là "thảm họa" khiến khán giả chỉ muốn chuyển kênh như Sao Kim bắn tim Sao Hỏa vừa kết thúc ở tập 36. Được kỳ vọng là bộ phim chuyển tải những nội dung sâu sắc, mới lạ về cuộc sống gia đình của người trẻ ở tầng lớp lao động, viên chức, bình dân với dàn diễn viên khá ổn, ý tưởng nội dung tốt nhưng lại được triển khai rối rắm, nhiều vấn đề nhỏ bị đẩy lên không đáng, không tạo nên sức nặng mà khiến phim ngày càng kém hấp dẫn, càng xem càng thấy chán. Sau gần 20 tập phim phát sóng, hầu hết khán giả đều ngao ngán và bức xúc bình luận trên các diễn đàn phim: "Phim vô duyên, chỉ có chuyện của mấy bà mà lan man, không có tính giải trí, tính giáo dục và nhân văn gì cả. Nhà đài nên cho dừng phim đi cho mọi người nhờ"; "Hết đề tài khai thác rồi hay sao mà đạo diễn và biên kịch lại làm một bộ phim nhạt như nước giếng vậy"; "Bộ phim dở nhất, thảm họa nhất từ trước đến giờ mình từng xem. Phim chán lắm luôn. Thường xem phim để thư giãn, giải trí mà thấy nhức đầu nhất là nhân vật Yên, rất dở hơi"…

Chất lượng phim truyền hình Việt vẫn 'hên xui'- Ảnh 1.

Phim Đi giữa trời rực rỡ

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Gây chú ý hơn cả là phim Đi giữa trời rực rỡ với 10 tập đầu thực sự "gây bão", đạt lượt xem "khủng" với hơn 11 tỉ lượt sau 58 tập, nhưng đây cũng là bộ phim gây tranh cãi nhiều nhất. Lý do là càng về các tập sau, kịch bản càng lộ rõ sự đuối sức, nội dung đi chệch khỏi những vấn đề khán giả thực sự quan tâm, kiểu chắp vá nhưng lại "lệch pha" từ tình tiết, tâm lý nhân vật, đến việc đẩy nhanh các tình huống không hợp lý khiến người xem ức chế. Nhiều nhận xét cho rằng kịch bản yếu kém, đạo diễn dễ dãi khiến bộ phim càng về sau càng giảm hẳn sức hút.

Sau khi bộ phim Đi giữa trời rực rỡ kết ở tập 58, nhà sản xuất đã "đánh tiếng" sẽ thực hiện phần 2 nhưng phần lớn người xem đều không hào hứng vì cho rằng: "Kịch bản đã quá đuối ở tập 58 rồi, nếu có phần 2 không biết nội dung sẽ ra sao. Phim tự nhiên dở tệ ở tập 10 trở đi, tình tiết không hợp lý, gây khó chịu trong cách xây dựng vài nhân vật, trong đó có nữ chính" - một ý kiến của khán giả trên diễn đàn phim.

Trước đó, có nhiều phim được chiếu dù nội dung khá ổn nhưng hầu như mỗi phim đều "có bệnh" không nhiều thì ít, từ những lỗ hổng kiến thức cơ bản nhất vẫn mắc phải ở khâu biên kịch đến việc kéo rê tình tiết một cách khiên cưỡng.

KINH PHÍ THẤP, KỊCH BẢN VIẾT VỘI, ĐỀ TÀI HẠN CHẾ

Trước thực trạng chất lượng phim truyền hình "hên xui" như hiện nay, nhiều đạo diễn cho rằng kinh phí làm phim thấp là vấn đề chính khiến nhiều phim không hay và hấp dẫn như mong đợi. Theo đạo diễn Bùi Tiến Huy, chi phí sản xuất mỗi tập phim ở VN khoảng 300 - 400 triệu đồng, trong khi ở Hàn Quốc tầm 500.000 USD mỗi tập, nên không thể đòi hỏi hơn được.

Chất lượng phim truyền hình Việt vẫn 'hên xui'- Ảnh 2.

Phim Sao Kim bắn tim Sao Hỏa

ẢNH: VFC

Đồng quan điểm, đạo diễn Trịnh Lê Phong cũng cho rằng: "Nhiều nước vẫn thực hiện phim cuốn chiếu, vừa làm vừa chiếu nhưng họ có cách tổ chức tốt hơn, tay nghề của họ cũng đều hơn ở các khâu và chắc chắn kinh phí của họ cũng cao hơn, ê kíp chuyên nghiệp hơn nên chất lượng đồng đều. Hiện nay khó khăn nhất của phim truyền hình Việt là vấn đề kinh phí. Ở những nước có nền truyền hình phát triển, kinh phí để sản xuất một bộ phim truyền hình cao gấp nhiều lần so với chúng ta. Kinh phí cao thì mới có thể yêu cầu cao ở các công đoạn liên quan".

Nói về việc nội dung phim thường khai thác theo kiểu "thượng vàng hạ cám" khiến chất lượng phim không đồng đều, theo đạo diễn Trịnh Lê Phong, sự hạn chế về đề tài cũng là vấn đề lớn. Phim truyền hình ở ta thường chỉ loanh quanh đề tài gia đình, tình yêu, vài vụ án hình sự… với những bối cảnh đơn giản, câu chuyện không có gì đặc biệt. Ngoài ra có nhiều kịch bản được viết khá vội vì đến hạn chiếu, không có thời gian chuẩn bị, hoặc nhiều nơi nhà sản xuất cũng không yêu cầu cao về chất lượng kịch bản.

Cũng theo các đạo diễn, hiện nay đội ngũ biên kịch phim truyền hình không thiếu nhưng những biên kịch giỏi, tạo ra những sản phẩm tốt không nhiều. Nói về vấn đề này, nhà biên kịch phim Quách Thùy Nhung cho rằng: "Kịch bản non tay, phim làm non tay, đạo diễn non tay… là những nhận xét đại khái, chung chung để nhận định về một dự án phim mà trong đó có "sạn" hoặc lỗ hổng… Thật ra bất cứ tác phẩm, sản phẩm nghệ thuật nào ra mắt cũng thường có những phản hồi khen chê, có những quan điểm khác nhau. Bởi đối tượng khán giả cũng chia ra rất rõ ràng theo độ tuổi, trình độ nhận thức. Vì vậy lựa chọn đề tài, theo tôi, đầu tiên cần đáp ứng độ tuổi của khán giả". Ngoài ra, chị cũng cho rằng "chi phí sản xuất là yếu tố tiên quyết cho việc chọn đề tài. Phim truyền hình Việt sẽ rất hay, chất lượng ổn định nếu được đầu tư đầy đủ".

"Chỉ cần bám sát hiện thực cuộc sống, các nhà làm phim sẽ vẫn luôn có những thứ mới mẻ mang đến cho người xem. Cái gọi là xu hướng, thị hiếu... từ trước đến giờ về mặt bản chất không có nhiều thay đổi. Chẳng hạn, khán giả luôn yêu thích một nhân vật có sự tương đồng nhất định với bản thân, hoặc gần gũi với mơ ước về tương lai của họ. Xã hội phát triển, khán giả cũng thay đổi, nhưng xu hướng yêu thích đó chưa bao giờ thay đổi. Chúng ta chỉ cần hiểu rõ khán giả của mình, thì luôn có những đề tài hợp thị hiếu và hấp dẫn người xem", nhà biên kịch Phạm Đình Hải chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.