Đổ tiền xây cầu để đó cho... hư
Sau khi Giám đốc Sở GTCC Trần Quang Phượng đọc bản trả lời các câu hỏi đại biểu đã gửi trước xoay quanh việc phát triển và tổ chức giao thông, tình hình ngập nước và cấp nước sạch, đại biểu Đặng Văn Khoa đứng dậy: "Anh Phượng có nêu TP thiếu vốn cho các công trình và đặc biệt quan tâm đến chống lãng phí. Anh cũng cho biết TP chỉ có một công trình cầu Bà Tổng (Cần Giờ) đã hoàn thành nhiều năm nhưng chưa đưa vào sử dụng và đó là chuyện rất hãn hữu. Nếu đúng thì rất mừng. Nhưng tôi rất buồn phải nói với anh (vừa nói vừa giơ tấm ảnh lớn chụp cầu An Lộc) một cây cầu trị giá hàng tỉ đồng ở Q.12 đã xây xong 6 năm rồi mà chưa có một vết xe lăn qua mà nhiều chỗ đã bể nứt. Chiều qua khi tôi xuống, người dân bảo cầu thế này nhiều lắm và dẫn tôi đi xem 3-4 cây nữa".
Ông Phượng trả lời: "Cũng như cầu Bà Tổng, cầu An Lộc thuộc phân cấp do quận, huyện làm chủ đầu tư. UBND Q.12 cho biết đó là do yếu kém của đơn vị chủ đầu tư, giám sát... Chúng tôi cũng đã biết và ngay sau kỳ họp này sẽ xuống cùng Q.12 đôn đốc tiến độ".
Đại biểu Nguyễn Quý Cường lập tức bẻ: "Anh nói phân cấp cho quận, nhưng việc phân cấp cũng chỉ mới đây thôi. Còn 6 năm về trước ai chịu trách nhiệm?".
Nhiều đại biểu chất vấn cụ thể các công trình chậm tiến độ, thi công cẩu thả, gây khổ sở cho dân thậm chí tai nạn chết người, như dự án kênh Ba Bò, dự án Hoàng Diệu 2 (Thủ Đức), dự án hương lộ 2... Ông Phượng tiếp tục cho rằng nhiều công trình thuộc phân cấp quận, huyện quản lý và do yếu kém của nhà thầu, tư vấn... Nghe vậy, đại biểu Nguyễn Việt Dũng đứng lên: "Tôi thấy anh Phượng trả lời trách nhiệm của Sở GTCC về chuyên môn không rõ ràng và không dám nhận trách nhiệm. HĐND và người dân không chấp nhận có những cán bộ yếu kém trong quản lý đầu tư như anh nói".
"Có thể chết vì ô nhiễm"
Chất vấn Sở TN-MT, đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa đặt vấn đề về dự án bãi rác Gò Cát chỉ tiếp nhận được 16 m3 nước rỉ rác/ngày thay vì 400 m3/ngày như thiết kế, số còn lại phải chở khoảng 600 m3 qua Đông Thạnh là "cực kỳ lãng phí về tiền bạc". "Trách nhiệm thuộc về ai? Bãi Đông Thạnh đã đóng cửa lâu nay, thế thì chở qua đổ đi đâu? Nước rỉ ngấm xuống, không phải làm dân Hóc Môn, Q.12 bị ảnh hưởng, mà dân nhiều quận khác nữa vì có tư liệu cho thấy mực nước ngầm tụt 3 lần từ 2001-2004, nước rỉ sẽ chảy từ chỗ cao về chỗ thấp" - ông Nghĩa lo ngại: "Thành phố ta nguy cơ chiến tranh không có, đói không còn, nhưng dịch bệnh thì có thể xảy ra vì môi trường ô nhiễm. Có cách gì xử lý?".
Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo bổ sung thêm: "Một cử tri viết thư cho tôi: Hai cuộc chiến tranh không chết, phen này chắc chết vì ô nhiễm môi trường, không thể chịu nổi mùi hôi của bãi rác bên cạnh".
Giám đốc Sở TN-MT Trần Thế Ngọc thừa nhận khu Gò Cát có vấn đề về kỹ thuật, hiện đang phải xử lý và kết luận: "Đây là bài học lớn cho chúng tôi và cả nhà thầu nước ngoài vì dự án sử dụng vốn ODA Hà Lan". Tuy nhiên, không thấy ông Ngọc nói về trách nhiệm của Sở TN-MT.
Không để "chìm xuồng" vụ chạy trường, giải phẫu thẩm mỹ
Sở GD-ĐT có 13 câu hỏi gửi trước và Giám đốc Huỳnh Công Minh được phép trình bày vắn tắt các vấn đề chính vì thời gian có hạn. Không thấy ông Minh nói về vụ chạy Trường Lê Quý Đôn (LQĐ), chủ tọa cho nghe chất vấn của một cử tri: "Việc cô Hòa ở Trường LQĐ nhận 2.000 USD để chạy trường là đã vi phạm pháp luật hình sự, phải đưa ra truy tố, không thể dàn xếp cho êm được".
Ông Minh trả lời ngay: "Trường hợp cô Hòa là không thể chấp nhận được, nhưng khá phức tạp về hình sự. Chúng tôi đã chuyển qua cơ quan điều tra và chắc chắn sẽ xử lý đến nơi đến chốn, không xếp yên như cử tri lo lắng đâu".
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng đứng dậy: "Giám đốc trả lời nhưng tôi chưa đồng ý. Quan trọng là có cách nào để năm học tới không còn chạy trường nữa. Cách tuyển vào không minh bạch, Sở biết, nhưng thanh tra không đến nơi đến chốn".
Giám đốc Huỳnh Công Minh cho biết giải pháp là hoàn thiện quy chế quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ - giáo viên, thanh tra đến nơi đến chốn, không bao che tiêu cực. "Mặc dù chỉ có một trường hợp ở LQĐ thôi, nhưng đầu năm học này cả ngành GD rất buồn. Vì thế, không thể chấp nhận việc chạy trường” - ông Minh khẳng định.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thế Dũng cũng được chủ tọa cho phép chọn lọc các vấn đề chất vấn trước để trình bày ngắn gọn, và ông Dũng đi thẳng vào việc quản lý hành nghề y dược tư nhân, cụ thể là vụ BV Hoàn Mỹ (HM) và ông Nguyễn Xuân Ái. Theo ông Dũng, trường hợp BVHM ngày 13.6.2006 Sở Y tế đã phát hiện và vừa ra quyết định ngưng hoạt động cơ sở ở 121 Lý Chính Thắng từ 15.6.2006 vì chưa có giấy phép thì sau đó xảy ra vụ bệnh nhân đặt "stent" tử vong.
Còn trường hợp ông Nguyễn Xuân Ái, khi vụ việc mổ vùng bụng bệnh nhân để làm thẩm mỹ do Trung tâm y tế Q.3 phản ánh, Sở đã đình chỉ hoạt động cơ sở của ông Ái, sau đó ra quyết định xử lý hành chính, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề và chứng chỉ hành nghề. "Nghĩa là sau 10 ngày phát hiện vi phạm, ông Ái không còn giấy gì để hành nghề giải phẫu thẩm mỹ. Sở Y tế cũng đã thu thập thêm chứng cứ và đề nghị đưa vụ việc qua công an điều tra" - ông Dũng nói.
Nhưng đại biểu Phạm Minh Trí bẻ: "Phần trả lời của anh Dũng không xác đáng, né tránh những vấn đề nhạy cảm. Không phải cử tri bức xúc về cá nhân ông Ái hay BVHM, mà là về cách quản lý nhà nước. Ở đây, Giám đốc Sở phải thấy trách nhiệm, nhưng không thấy nêu. Ông giám đốc cũng cần xem lại bộ máy của mình. Bộ phận quản lý và thanh tra của Sở có vấn đề...".
Đ.T
Bình luận (0)