“Dập dịch ruồi thôi cũng chưa thành công”
Là người “đăng đàn” đầu tiên, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu mở đầu bằng việc khái quát một số kết quả đạt được của ngành và cập nhật những diễn biến mới nhất về tình hình dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Theo đó, tình hình bệnh tay chân miệng, cúm A/H1N1, sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp; tình trạng chung của thực phẩm là không an toàn... và một trong những nguyên nhân là bộ máy của ngành y tế còn ít.
ĐB Võ Văn Sen: “Vậy theo ông giám đốc, cần thêm bao nhiêu người nữa thì mới kiểm soát được tình hình? Ông cho biết bây giờ ăn rau đã an toàn chưa. Bao giờ thì người dân mới yên tâm việc này?”.
Cho đến giờ Sở Y tế vẫn chưa đủ người để có thể kiểm soát được tình hình ATVSTP. Còn đến bao giờ kiểm soát được thì sẽ trả lời bằng văn bản sau kỳ họp này.
|
|
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu |
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nói bà từng nhìn thấy có quán ăn ở quận 8 “dùng móc sắt móc cục thịt” và đặt câu hỏi: “Bao giờ thì cơ quan y tế mới hoàn thành việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho tất cả các quán ăn, để người dân yên tâm?”.
Ông Châu khẳng định: Cho đến giờ Sở Y tế vẫn chưa đủ người để có thể kiểm soát được tình hình ATVSTP. Còn đến bao giờ kiểm soát được thì... “sẽ trả lời bằng văn bản sau kỳ họp này!”. Việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho tất cả các quán ăn Sở làm được, riêng “thức ăn đường phố” và thực phẩm bày bán ở chợ thì... “chịu”.
ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa chất vấn: “Năm nào TP cũng đề ra việc phòng chống dịch sốt xuất huyết, nhưng chưa thấy có giải pháp dập dịch hiệu quả. Ngay việc dập dịch ruồi thôi cũng chưa thành công. Phải chăng, nghiệp vụ của Sở trong việc này là yếu kém?”. Ông Châu cho rằng bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh “có một phần đóng góp” của các bãi cỏ hoang, vũng nước đọng ở các dự án đô thị hóa; muỗi sinh ra từ đó. TP đã dự báo trước và có nhiều chiến dịch dập dịch.
* Trước bức xúc của người dân về tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài hứa sẽ chỉ đạo các quận, huyện rà soát các đồ án quy hoạch còn phù hợp thực tế hay không, để xem xét, điều chỉnh. “Đối với các dự án chậm triển khai, nếu không có những lý do khách quan hoặc giải pháp khắc phục nhanh thì sẽ kiên quyết thu hồi”, ông Tài nói. * Một số đại biểu thắc mắc, cho rằng đơn giá xử lý rác thành phân com-pốt tại bãi rác Đa Phước là cao (16,4 USD/tấn rác) so với giá của một nhà máy xử lý rác tại Củ Chi (9 USD/tấn rác). Ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở TN-MT trả lời, cho đây là giá hợp lý vì Nhà máy xử lý rác Đa Phước xử lý rác tốt, công nghệ hiện đại. |
Trả lời ĐB Nguyễn Minh Hương về tỷ lệ 2,7 - 3,7% số rau, quả bị nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, vượt ngưỡng cho phép “Sở đã tiêu hủy số rau quả này hay vẫn để bày bán ra thị trường?”, ông Châu nói bộ phận kiểm tra chỉ chọn ngẫu nhiên một số ít rau, quả để kiểm định, số lớn còn lại do không có kho lạnh để chứa nên đã ra ngoài thị trường. ĐB Hương: “Có nghĩa là đã vào... dạ dày của người dân?”. Ông Châu xác nhận “đúng như vậy”, nhưng không thấy nói đến trách nhiệm thuộc về ai!
Bó tay với các công trình “rùa”
Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Phượng liên tục bị các ĐB chất vấn về những công trình “rùa”, như: đường Lê Văn Lương (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) dài chỉ 3,5 km thi công chậm tiến độ hơn 1 năm; đường Tân Hóa (Q.11) đã lên dự án từ... 19 năm qua, đến nay vẫn chưa triển khai...
Trả lời về những “món nợ” trên, ông Phượng đẩy trách nhiệm sang đơn vị khác, khi cho rằng dự án đường Tân Hóa thuộc BQL Dự án Nâng cấp đô thị, trực thuộc UBND TP; còn dự án đường Lê Văn Lương do UBND H.Nhà Bè làm chủ đầu tư. “Với trách nhiệm quản lý ngành, Sở đã rất nhiều lần có văn bản đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, nhưng cũng không có kết quả. Giờ chỉ còn thiếu mỗi văn bản đề nghị kỷ luật”, ông Phượng nói.
Tình trạng bê tông hóa vỉa hè tại một số quận nội thành cũng được các ĐB chất vấn, truy trách nhiệm lãnh đạo ngành GTVT. ĐB Võ Văn Sen thậm chí còn yêu cầu Sở GTVT phải bốc dỡ hết loại gạch này lên, “dù có tốn kém nhưng phải sửa sai”.
Ông Trần Quang Phượng nói: “Vụ việc này Sở đã nhìn thấy trách nhiệm của mình” và cho biết Thành ủy và UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT phải có hướng dẫn chi tiết hơn cho các quận, huyện, theo hướng từ nay về sau khi xây dựng, sửa chữa vỉa hè phải ưu tiên cho cây xanh và thoát nước.
Nguyên Thủy - Minh Nam
Bình luận (0)