Theo các doanh nghiệp du lịch, chưa khi nào tình trạng khan hiếm HDV quốc tế, đặc biệt là người nói các tiếng hiếm, lại nghiêm trọng như hiện nay. Phụ trách HDV của một công ty du lịch cho biết mỗi lần tàu biển nước ngoài chở khách Ý, Tây Ban Nha, Đức… cập cảng là mỗi lần cả công ty nháo nhào tìm HDV. Có tàu, số khách du lịch lên tới 2.000 - 3.000 người, cần 15 - 20 HDV, nhưng không thể tìm đâu ra. Gần đây, các HDV tiếng hiếm bị “kẹt” thẻ, tình hình càng rối rắm hơn. Nếu không phân công HDV chưa được đổi thẻ dẫn đoàn thì không có người; còn làm liều thì nơm nớp lo sợ bị kiểm tra.
|
Các đoàn tàu biển thường tham quan theo hành trình xuyên Việt. Từ TP.HCM sẽ tiếp tục di chuyển ra Đà Nẵng, lưu lại vài ngày để đến các điểm du lịch nổi tiếng miền Trung rồi tới Hạ Long. Do thiếu hụt HDV ở các vùng miền, nên HDV ở TP.HCM sẽ phải di chuyển bằng đường bộ để theo đoàn, khiến chi phí tăng cao, còn trong trường hợp có một đoàn khách khác vào TP.HCM sẽ lại xảy ra chuyện không có HDV đón tiếp đoàn mới.
Không chỉ khó tìm HDV dẫn đoàn, các công ty còn đối mặt với rất nhiều phát sinh tiêu cực. “Nắm được tình trạng thiếu hụt lực lượng, các HDV lâu nay gắn bó với công ty bắt đầu xin nghỉ ra làm HDV tự do để mong có thu nhập cao hơn. Quy định của ngành du lịch, mỗi công ty lữ hành quốc tế buộc phải có 3 HDV quốc tế. Nhưng có một số công ty, cả 3 HDV cơ hữu đều xin nghỉ để làm tự do. Vì thế các HDV tiếng hiếm hét giá gấp đôi, gấp ba bình thường, làm xáo trộn mọi phương án đón khách, kinh doanh”, giám đốc một hãng lữ hành ở TP.HCM than vãn.
Không có nơi nào như du lịch Việt Nam, chỉ có ba loại ngôn ngữ được xem là không hiếm, gồm tiếng Hoa, Pháp, Anh; còn lại tất cả đều là HDV tiếng hiếm (những ngôn ngữ mà lực lượng HDV không đáp ứng được nhu cầu thị trường), như tiếng Đức, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, Ý, Nga…
Để đối phó với khó khăn về nguồn lực HDV, các công ty tìm cách né quy định. Chẳng hạn, quy định bắt buộc HDV đón đoàn ở sân bay phải là người theo đoàn suốt hành trình. Nhưng gần đây, công ty du lịch cử nhân viên đi đón và tiễn đoàn thay cho HDV nhằm giảm bớt số ngày thuê HDV. Ngoài ra, như một thỏa thuận ngầm, các HDV chưa được đổi thẻ khi dẫn đoàn được công ty nhắc nhở mang theo thẻ cũ và biên nhận đã nhận hồ sơ xin đổi thẻ của Sở VH-TT-DL, để khi cơ quan chức năng kiểm tra thì xuất trình, xin "du di".
Sở VH-TT-DL TP.HCM cũng thừa nhận tình trạng phát sinh lộn xộn hiện nay trên địa bàn, khi cho rằng do thiếu HDV, các doanh nghiệp làm liều bằng cách sử dụng cả HDV chưa có thẻ để dẫn đoàn, vì thế gây tác động xấu đến hoạt động phục vụ khách du lịch quốc tế và hình ảnh du lịch Việt Nam, bởi khi cơ quan chức năng kiểm tra sẽ buộc phải đình chỉ hàng loạt chương trình du lịch của các công ty lữ hành quốc tế. Đây là vấn đề mà Tổng cục Du lịch nếu không cân nhắc, sẽ phải đối mặt với những thách thức trong thực tiễn giữa yêu cầu phát triển và các quy định chưa phù hợp với thực trạng trình độ đội ngũ HDV hiện nay của du lịch Việt Nam.
Do vậy, nếu tình hình không sớm được giải quyết, các công ty vẫn phải lo lắng tìm từng HDV một, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển thị trường và chất lượng phục vụ khách du lịch quốc tế.
N.Trần Tâm
Bình luận (0)