Chất xyanua đe dọa nước sông Đồng Nai

18/03/2009 00:23 GMT+7

Chiều ngày 16.3, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai thông báo phát hiện chất xyanua tại suối Siệp chảy ra sông Đồng Nai. Đáng lo ngại là vị trí phát hiện nằm không xa những trạm bơm đang cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TP.HCM. Chất độc xuất hiện gần các trạm bơm

Suối Siệp bắt nguồn từ xã Đông Tân Hiệp, H.Dĩ An (Bình Dương) chảy qua địa phận xã Hóa An, P.Bửu Hòa, xã Tân Vạn (TP Biên Hòa) trước khi thoát ra sông Đồng Nai. Theo ông Hoàng Văn Thống, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Sở TN-MT Đồng Nai, mỗi ngày đêm có khoảng 7.500 - 8.100m3 nước thải chưa qua xử lý từ 2 khu công nghiệp (Đông Tân Hiệp A và B), khu dân cư Dĩ An và mỏ đá Tân An (tất cả đều thuộc tỉnh Bình Dương) đổ ra sông Đồng Nai. 

Kết quả phân tích nguồn nước suối Siệp cho những thông số đáng phải giật mình: coliform (chất gây bệnh về đường ruột) vượt 9.200 lần, amoni vượt 216 lần, BOD5 vượt 38,8 lần... Đáng lo ngại nhất là chất độc xyanua vượt từ 1,3-2 lần, đó là chưa kể cùng với hàng loạt kim loại nặng khác như niken vượt 2,4 lần, sắt vượt 2,4 lần, phát hiện nhiều dầu mỡ loang...

 “Ô nhiễm hữu cơ xử lý dễ, còn ô nhiễm kim loại thì rất khó xử lý. Nguy hiểm hơn, cách họng xả ra sông Đồng Nai khoảng 1 km có đến 3 trạm bơm nước và một nhà máy đang cung cấp nước sinh hoạt cho người dân TP Biên Hòa và TP.HCM. Nếu không có biện pháp khắc phục rất dễ ảnh hưởng đến nguồn nước”, ông Thống lo lắng.

Tại cuộc họp bàn giải pháp giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương vào ngày 16.3, đại diện UBND H.Dĩ An còn cho biết thêm, sắp tới hệ thống kênh T5 kết nối với suối Siệp để “gánh” nước thải cho cả thị trấn và nhiều khu dân cư thì tình trạng ô nhiễm sông Đồng Nai càng trầm trọng hơn nếu như không tăng cường xử lý đầu nguồn. Ông Phan Văn Hết, Phó giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai đề nghị ngành tài nguyên - môi trường Bình Dương thường xuyên quan trắc các vị trí xả thải để có giải pháp kiểm soát mức độ ô nhiễm, trước khi thoát ra sông Đồng Nai. 

Những mỏ khai thác đá cũng góp phần gây ô nhiễm nguồn nước

Nhà máy nước lo lắng

Đứng bên bờ suối Siệp, tay bịt mũi, chị Phan Ngọc Liễu (ấp Cầu Hang, xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bức xúc cho hay, năm 1994 chị đã sống ở đây, còn nhảy xuống suối tắm. Nay thì đứng cách con suối cả trăm mét còn ngửi thấy mùi hôi thối, đến mức bạn bè mới đến chơi nhà chị, phải bịt mồm bịt mũi nói chuyện.

Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hóa An cho biết, trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân nơi đây thường xuyên phản ánh về tình trạng ô nhiễm suối Siệp.

Ông Nguyễn Xuân Thịnh, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai cho biết, nhà máy đang cung cấp 36.000m3/ngày đêm cho một số phường thuộc TP Biên Hòa, chất lượng nước đều được kiểm soát rất chặt chẽ, mỗi quý đều đưa mẫu đi thử và chưa phát hiện ô nhiễm gì nghiêm trọng. “Với phát hiện mới của ngành tài nguyên về chất xyanua chảy ra sông Đồng Nai gần các trạm bơm nước thì cần phải có những giải pháp khắc phục. Nếu không rất dễ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt”, ông Thịnh phát biểu. 

Từ họng xả về hướng thượng nguồn sông Đồng Nai là Trạm bơm Hóa An thuộc Nhà máy nước Thủ Đức công suất 750.000m3 và trạm bơm nước thô công suất 300.000m3 của Nhà máy nước BOO Thủ Đức. Ngược về hướng cầu Đồng Nai là trạm bơm của Công ty TNHH cấp nước Bình An công suất 100.000m3. Đây là 3 trạm cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TP.HCM. Lãnh đạo Công ty TNHH cấp nước Bình An (đóng tại H.Dĩ An, Bình Dương) cho biết, cũng như nhiều nhà máy cấp nước khác, việc ô nhiễm nguồn nước trên sông Đồng Nai đang là vấn đề công ty rất quan tâm, nhất là sau khi cơ quan chức năng công bố một số mẫu nước ô nhiễm vượt tiêu chuẩn gần khu vực các trạm bơm. Đề cập đến nguyên nhân ô nhiễm, vị này lý giải: “Trên dọc sông có quá nhiều tàu bè chở hàng hóa qua lại, rồi nước thải của hàng loạt nhà máy từ các khu công nghiệp chưa qua xử lý xả ra, cộng với nước thải các khu dân cư dọc bên hai bờ sông... làm cho nguồn nước ngày càng ô nhiễm".

Mặc dù nước sinh hoạt của các nhà máy được kiểm nghiệm thường xuyên và đạt chất lượng, nhưng sự ô nhiễm hiện nay đã làm cho ngành cấp nước không khỏi lo lắng. Lãnh đạo một công ty cấp nước nói: "Nếu chính quyền không xử lý triệt để thì tương lai sông Đồng Nai cũng “chết” như sông Thị Vải...”.

Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.