'ChatGPT cho thấy chúng ta đang phí sức để làm những sản phẩm giống nhau'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/03/2023 17:14 GMT+7

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm khuyến nghị trước khi suy nghĩ làm gì với trí tuệ nhân tạo AI như ChatGPT, báo chí nên suy nghĩ về những thứ không nên làm nữa.

Phát biểu tại Hội thảo trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2023, ngày 18.3, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, những điều mà trí tuệ nhân tạo AI như ChatGPT làm được cho thấy "chúng ta đang phí công sức, lực lượng trong tác nghiệp hàng ngày như thế nào để tạo ra những sản phẩm giống nhau mà mình không làm thì người khác cũng làm được".

'ChatGPT cho thấy chúng ta đang phí sức để làm những sản phẩm giống nhau' - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm nêu ý kiến tại hội thảo

PHẠM HẢI

Ông Lâm dẫn ví dụ, trong hội trường có tới 20 chiếc camera ghi lại nội dung hội thảo, việc ông đang phát biểu để đưa tin, song sự khác biệt trong các sản phẩm không nhiều.

"Có chăng sự khác biệt chỉ là góc máy. Tức là ta đang làm những việc giống nhau mà giá trị gia tăng của bạn này với bạn khác rất khó đo đếm", ông Lâm phân tích để nhấn mạnh sự phát triển của AI đang buộc báo chí "phải đặt câu hỏi về giá trị thực sự của việc mình đang làm".

Theo ông Lâm, cuộc sống dưới sự tác động của công nghệ đã được format (định hình), bố trí, tổ chức theo một cái cách mà con người "khỏi phải nghĩ gì nữa luôn". Điều này đẩy con người vào cuộc chơi của các nhà quảng cáo bán hàng trong nền kinh tế của sự chú ý (attention economy). 

"Họ muốn mình nghĩ thế, muốn mình thuộc về một cộng đồng, phân khúc khách hàng, độc giả, khán giả cùng sở thích để phục vụ kinh doanh", ông Lâm phân tích.

"Công nghệ có thể 4.0, 5.0 nhưng có những thứ luôn luôn 1.0 đó là lợi ích. Lợi ích thuộc về ai? Mình không tỉnh táo trong câu chuyện này mình không phải là người hưởng lợi", ông Lâm đúc kết.

Với nhà báo, ông Lâm cho rằng, thời gian dài sống với mạng xã hội khiến con người, trong đó có nhà báo mang sẵn định kiến trước khi viết về một việc nào đó.

"Quá trình tác nghiệp của chúng ta trở thành quá trình chứng minh định kiến đó là đúng chứ không phải quá trình đi tìm sự thật", ông Lâm nói.

"Nên suy nghĩ nhiều hơn tới những thứ không nên làm"

Tuy nhiên, ông Lâm cũng đánh giá cơ hội mà AI mang đến đối với báo chí là việc dần loại bỏ bớt những công đoạn, lao động, kỹ năng mà máy móc có thể làm hoặc làm tốt hơn con người.

"Trước những vấn đề thay đổi của thế giới chúng ta hay nghĩ rằng phải làm gì. Chúng ta nghĩ phải đào tạo, phải làm thêm việc này, làm thêm việc kia, bỏ thêm tiền, tuyển thêm người... Cái đó cũng là đúng nhưng cái quan trọng nhất theo tôi là trước khi nói chuyện chúng ta nên làm gì thì hãy nói chuyện chúng ta không nên làm gì nữa?", ông Lâm nói.

Ông Lâm cho rằng, giữa do (làm) và don't (không nên làm) thì nên suy nghĩ nhiều hơn tới những thứ không nên làm vì nó trùng khớp với những thứ người khác đang làm và không mang lại giá trị so với những thứ cả xã hội đang làm.

"Chúng ta không nên viết đề tài này nữa, không nên viết loại tin này nữa, không nên lên mạng xã hội xem hôm nay có gì rồi viết lấy vài cái view nữa…", ông Lâm nêu.

Gợi ý hướng mới trong tác nghiệp báo chí, Thứ trưởng Lâm nhìn nhận thế giới bên trong con người là điều lâu nay báo chí ít để ý mà "trộm vía" máy móc cũng chưa can thiệp.

Theo ông, những trải nghiệm, những câu chuyện của nhà báo luôn có giá trị với thế giới bởi nó là đơn nhất, độc bản, không sao chép được. "Và cũng không có AI để ngụy tạo", ông Lâm nhấn mạnh.

"Chúng ta chỉ dùng công nghệ ở chỗ nó có lợi cho chúng ta. Chúng ta không nên vào hùa theo những thứ nghe công nghệ nhưng nó làm mình mất đi cái bản thể, bản sắc, giá trị cốt lõi của mình", ông Lâm khuyến nghị.

Theo ông, mô hình kinh doanh dựa trên sự chú ý bắt đầu bất ổn. Người ta bắt đầu tìm những sản phẩm khác, thị trường ngách không nhất thiết cả xã hội tung hô nhưng vẫn có chỗ đứng với phân khúc độc giả nhất định.

"Với công nghệ hãy làm tốt nhất với nó. Trước đó hãy gạt bỏ những điều không cần thiết, không tạo nên giá trị", ông Lâm đúc rút, đồng thời khuyến nghị để làm được điều này, cũng đòi hỏi những người ra quyết định, người đang tác nghiệp phải có phông nền kiến thức, hệ giá trị bản thân vững vàng để từ đó có quyết định tốt nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.