Ra mắt từ tháng 11.2022, ChatGPT là mô hình ngôn ngữ lớn được huấn luyện bởi Công ty OpenAI (Mỹ) và hiện thu hút hàng triệu người dùng toàn cầu, trong đó có VN. Hệ thống phản hồi tự động này đang là chủ đề nóng trên các trang mạng xã hội vì ảnh hưởng đến đa lĩnh vực như công nghệ, truyền thông và đặc biệt là giáo dục.
TRỢ LÝ HỌC TẬP HỮU ÍCH
Lần đầu trải nghiệm ChatGPT vào tháng 1, Trần Hải Minh, học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM), cho hay nó có thể giúp em giải bài tập của nhiều môn khoa học tự nhiên như toán, lý, có chức năng như một trợ lý học tập. "Tuy nhiên, hệ thống này ra đáp án "lúc đúng, lúc sai" và chỉ có đáp số chứ không hướng dẫn từng bước làm bài, kém hiệu quả hơn một số ứng dụng gia sư hiện hành", Minh nhận định.
Nam sinh này lưu ý thông tin từ ChatGPT có thể sai và công cụ này không thể viết những câu văn truyền cảm. Chẳng hạn, khi yêu cầu phân tích Tắt đèn (tác giả Ngô Tất Tố), ChatGPT lại cho biết đây là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hay "Ngô Tất Tố tin rằng tắt đèn là một hoạt động nhỏ nhưng có tác dụng lớn trong việc bảo vệ môi trường". Vì vậy Minh cho rằng "Câu hỏi nghị luận xã hội sẽ phù hợp hơn" với ChatGPT.
MỘT "THƯ KÝ" ĐẮC LỰC CHO CÔNG VIỆC
ChatGPT có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tuyển dụng ngành truyền thông, đặc biệt ở các vị trí viết lách, là mối lo của Lê Phương Uyên, sinh viên (SV) ngành báo chí, Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM. Uyên cho hay từng chứng kiến hệ thống này viết bài quảng cáo tiếng Việt khuyên khách hàng mua sản phẩm với nhiều lý lẽ, dẫn chứng thực tế "khá thuyết phục", chỉ sai một số lỗi diễn đạt và lặp từ.
Mặt khác, theo Uyên, công cụ này cũng sở hữu nhiều tiện ích như có thể giúp cô tóm tắt số lượng lớn tài liệu trong thời gian ngắn để phục vụ nhu cầu đọc nhanh, hoặc đưa ra những phân tích, đánh giá về những vấn đề thời sự nổi bật. "Tôi cũng có thể trao đổi cùng ChatGPT để xin lời khuyên trong việc lên kế hoạch học tập, sắp xếp thời gian biểu, vì nó có thể tổng hợp thông tin khá tốt", nữ sinh này cho hay.
Nguyễn Gia Huy, nhà thiết kế game tại VNG Corporation (TP.HCM), cũng nhận định ChatGPT có thể hỗ trợ SV hoặc người đi làm "rất nhiều". Chẳng hạn, anh có thể nhờ nó viết code hoàn chỉnh hay cung cấp ý tưởng sơ khai để làm game theo yêu cầu. "Tôi quan niệm công nghệ sẽ luôn phát triển theo thời đại, do đó chỉ có chuyện con người không theo kịp, chứ con người không thể bị thay thế bởi máy móc", Huy nhấn mạnh.
HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU
Dành 2 tuần dùng ChatGPT viết về lĩnh vực nhân học và khoa học xã hội, Hưng Thịnh, nghiên cứu nhân học độc lập, cho biết bài nhận được sai một số dữ liệu cơ bản và "3 không": không chuyên sâu, không có tính lý luận, không dẫn nguồn. "Khi hỏi một số bài báo khoa học liên quan đến chủ đề nhất định, nó sẽ đưa ra danh sách nhưng tên bài, tác giả đều là giả, hoặc bài của tác giả này lại đề tên người khác", Hưng Thịnh nói.
Theo anh, ChatGPT bị giới hạn ký tự nên chỉ có thể viết nội dung tổng quan chung khoảng dưới 1.000 chữ, không thể làm được bài tiểu luận, nghiên cứu tốt. "Đừng nghĩ công cụ này quá siêu việt, vì nó không thể giải quyết được vấn đề dữ liệu thực địa cho những ngành khoa học xã hội. Nhưng nó có thể hỗ trợ, gợi ý thiết kế đề cương nghiên cứu khá tốt cho những ai lần đầu thực hiện", Thịnh khẳng định.
Từng công bố bài báo khoa học trên tạp chí Religions (thuộc Scopus Q1) và Journal of legal, Ethical and Regulatory Issues (thuộc Scopus Q2), Nguyễn Thị Ánh Tuyết, SV Trường ĐH Minerva (Mỹ), cho hay ChatGPT có khả năng chỉnh sửa ngôn ngữ bài nghiên cứu, rất hữu ích cho các nhà nghiên cứu Việt gặp khó trong quá trình viết bài tiếng Anh theo phong cách học thuật.
"Hệ thống này có thể hỗ trợ truyền tải nội dung nghiên cứu nếu được sử dụng đúng cách. Nhưng đây chỉ là công cụ chứ chưa xứng đáng trở thành đồng tác giả bài nghiên cứu do không thể phản biện trước nhà bình duyệt hay không thể chịu trách nhiệm nếu có vấn đề xảy ra. Nếu muốn công nhận sự hỗ trợ của ChatGPT, nhà nghiên cứu có thể miêu tả việc sử dụng nó trong phần phương pháp luận", cô nói.
Theo Ánh Tuyết, ChatGPT chưa thể thao tác những công việc đòi hỏi suy nghĩ sâu sắc nên trong tương lai chúng ta có thể không cần lo lắng việc AI (trí tuệ nhân tạo) hay ChatGPT "lấy cắp" công việc của con người. "Nhưng chính những người giỏi sử dụng AI hơn sẽ thay thế những người không biết tận dụng AI để nâng cao hiệu quả công việc", cô kết luận.
Ánh Tuyết cho biết cô thường mất rất nhiều thời gian đọc lượng lớn tài liệu để tìm thông tin cần thiết. "Thay vào đó, giờ tôi chỉ cần nhập link và yêu cầu, ChatGPT sẽ tóm tắt những điều cơ bản, giúp tôi dễ dàng nắm bắt ý chính và quyết định xem có cần quay trở lại đọc bài gốc để tìm hiểu sâu hơn không", nữ sinh chia sẻ.
Cũng theo Ánh Tuyết, với những thuật ngữ khó hiểu, ChatGPT có thể viết lại định nghĩa, giải thích đơn giản, dễ hiểu hơn. Ngoài ra, cô cũng tận dụng nó để giúp việc học thú vị hơn bằng cách yêu cầu trả lời theo phong cách của người nổi tiếng, ví dụ như giải thích khái niệm "bàn tay vô hình" trong kinh tế theo giọng văn của Donald Trump. "Nhưng trong quá trình sử dụng, tôi nhận ra rằng ChatGPT chỉ có thể đưa ra những kiến thức cơ bản chứ không thể viết chi tiết, sâu sắc về một chủ đề", cô nhận định.
Hồ Thanh Ngân, SV ĐH Mỹ ở Bulgaria, đang sử dụng hệ thống này mỗi ngày để tiết kiệm thời gian vì trường không cấm. “Trong công việc, tôi thường yêu cầu ChatGPT xử lý phần căn bản, sau đó tự làm phần nâng cao. Còn ở việc học, bài tập nào cần tìm thông tin nhiều thì tôi đưa ChatGPT làm, còn bài nào thiên về suy nghĩ, tư duy thì tự làm”, cô chia sẻ.
Vũ Nguyễn Vân Anh, SV ĐH Amsterdam (Hà Lan), khẳng định hiện cô không cần mất nhiều thời gian tra cứu cho các môn học như trước. “Khi có bài tập ở môn ngôn ngữ lập trình sử dụng Python, tôi chỉ cần hỏi nó câu lệnh đó nên làm thế nào. Hay ở môn luật, ChatGPT giống như một “từ điển” trực tuyến, chỉ cần nhập điều luật nào, khoản nào là sẽ lập tức nhận được trả lời đầy đủ”, nữ sinh nêu một số ví dụ.
Chia sẻ về một số nhược điểm của ChatGPT trong quá trình học, Cao Mai Thanh Tâm, hiện học thạc sĩ tại ĐH Central Oklahoma (Mỹ), cho biết hệ thống này không có khả năng tạo sản phẩm đa phương tiện như video, hình ảnh, đồ thị, bảng số liệu; không cho người dùng nhập nội dung khác ngoài chữ; không thể thu thập dữ liệu nên cần có con người cung cấp; hay bị lỗi logic nếu người dùng “hỏi xoáy”; không thể trả lời theo thời gian thật vì dữ liệu chỉ giới hạn đến tháng 9.2021. “Ngày 31.1 vừa qua, ChatGPT vừa nâng cấp chức năng tính toán. Trước kia, có một số phép tính cơ bản nó còn sai, như 6x6=40”, anh Thanh Tâm cho hay. Anh cho biết thêm trong tương lai, ĐH Central Oklahoma sẽ cấm dùng hệ thống này vì lo ngại người học mất đi tư duy suy nghĩ độc lập.
Lê Nguyễn Yến Vy, SV ĐH Duke Kunshan, một phân hiệu của ĐH Duke (Mỹ) tại Trung Quốc, cho hay cô không dùng ChatGPT vì hiệu trưởng nhà trường không cho phép, “nhưng hiện chưa có email thông báo chính thức”.
Tại Nhật, Trần Phương Anh, SV ĐH Nữ sinh Tokyo, cho biết dù có đọc nhiều bài viết về ChatGPT từ các trang tin Việt nhưng thực tế tại Nhật lại không nghe đến nhiều.
Bình luận (0)