Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: ChatGPT sẽ thay đổi toàn diện nền giáo dục Việt Nam
Trong phiên thảo luận "Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục", cách nhìn nhận của các khách mời về sự xuất hiện của ChatGPT có xu hướng trái ngược nhau.
TẠO ĐIỀU KIỆN CHO NGƯỜI HỌC TỰ HỌC
Trong khi TS Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX, và TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục, thể hiện sự vui mừng thì PGS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông - ĐH Bách Khoa Hà Nội, và ông Phùng Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Microsoft VN, có thái độ chừng mực hơn.
TS Nguyễn Thành Nam gọi ChatGPT là "dòng nước mát", là "cơn mưa rào", là một món quà "từ trên trời rơi xuống", bởi nó tháo gỡ được một mắt lỗi trong thiết kế hệ thống giáo dục VN: Không tạo điều kiện cho người học tự học. Theo TS Thành Nam, muốn giáo dục phát triển thì người học phải có khả năng tự học, muốn tự học được thì phải đặt câu hỏi, trong khi hệ thống giáo dục hiện nay được thiết kế không cho người học cơ hội "hỏi". Còn TS Lê Thống Nhất thì cho rằng ChatGPT là một sản phẩm công nghệ đỉnh cao. Nên để sử dụng ChatGPT như thế nào để công cụ này trở nên hữu ích với GD-ĐT là cả một vấn đề lớn, cần được sự nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học.
LĨNH VỰC AI sẽ tiếp tục tạo bất ngờ lớn
Tuy nhiên, theo PGS Tạ Hải Tùng, những người làm về khoa học công nghệ nhìn nhận câu chuyện này "cũng bình tĩnh thôi". Công nghệ hay khoa học công nghệ nói chung có một quá trình phát triển rất dài, hằng năm sẽ có những công nghệ mới, đến một thời điểm nào đó, khi mà người ta thấy có đủ độ chín, có đủ các điều kiện hội tụ thì người ta sẽ ra một sản phẩm. Sản phẩm ChatGPT là AI tạo sinh (Generative AI), là mô hình AI đưa ra nội dung mới trên cơ sở các dữ liệu và nội dung đã được dùng để huấn luyện trước, đi thẳng tới người dùng đại chúng, cho nên gây sự bất ngờ trên diện rộng. ChatGPT tạo hiệu ứng khiến cho người dùng cảm thấy đó là một sản phẩm "kỳ diệu".
ChatGPT đơn giản là mô hình dự đoán, vẫn chưa có khả năng suy luận hay sáng tạo như con người. Cho nên, chúng ta tiếp cận ở thái độ vừa phải, coi nó là một công cụ để phục vụ con người tốt hơn, không ai cảm giác là bị đe dọa nếu chúng ta vẫn giữ tinh thần là ủng hộ cái mới, tiếp cận với cái mới, coi nó là công cụ giúp cho chúng ta làm việc tốt hơn.
"Chúng tôi nghĩ ChatGPT là demo cho một công nghệ đằng sau, công nghệ AI tạo sinh, hay là mô hình ngôn ngữ lớn. Những cái đó là tương lai cho một lĩnh vực đã có một quá trình phát triển tương đối dài như là AI. Bây giờ nó đang thu hút được sự đầu tư nghiên cứu và nhanh chóng tạo ra sản phẩm. Không chỉ là text to text, mà còn là text to image, text to voice, text to music… đều dựa trên nền tảng công nghệ này. Và có lẽ chúng ta sẽ còn bất ngờ nữa về những kết quả mà hiện nay còn đang ở đâu đó trong các phòng thí nghiệm, các trường ĐH, các viện nghiên cứu họ vẫn đang tiếp tục làm", PGS Tùng chia sẻ.
Còn ông Phùng Việt Thắng nhận định đây là một phiên bản thể hiện vô cùng thành công của ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Phiên bản này có yếu tố khác so với các sản phẩm khác là tính phổ cập, tính tiếp cận, và tính học hỏi mang màu sắc của ngôn ngữ.
CẦN SỬ DỤNG, PHÁT TRIỂN AI MỘT CÁCH CÓ TRÁCH NHIỆM
PGS Tạ Hải Tùng cho biết thế giới đã có nhiều ca nghiên cứu kinh điển về tác động của AI với GD-ĐT. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, họ làm một nghiên cứu rất bài bản: chia kiến thức ra thành nhiều modun nhỏ, thiết kế khoảng 10 câu hỏi để từ đó có thể tìm ra được lỗ hổng kiến thức, kỹ năng của người học, sau đấy tìm cách hỗ trợ người học để trong khoảng 1 năm, một bạn từ điểm 5 lên được điểm 8. "Minh chứng này cho thấy khi đưa công nghệ vào thì nó sẽ hỗ trợ được chúng ta việc hiểu hơn học sinh, sinh viên (SV) của mình. Hiểu được người học là bước đầu tiên chúng ta đưa ra được những dịch vụ giáo dục tốt, vì nếu không hiểu thì không thiết kế được bài học giúp cho SV hiểu bài tốt hơn", PGS Tùng nhận xét.
Cũng theo PGS Tùng, việc đâu đó có chuyện cấm SV dùng ChatGPT vì sợ SV lạm dụng để viết các bài luận, qua đó để "qua mặt" được thầy cô khi cho điểm, thì đó là cách nghĩ khá bảo thủ. Thậm chí, có thể khai thác ChatGPT ở khía cạnh nâng cao năng lực viết luận cho người học. "Công nghệ sẽ hỗ trợ chúng ta hiểu SV hơn, và qua đó chúng ta có những dịch vụ giáo dục tốt hơn cho SV. Cái này là tương lai của giáo dục", PGS Tùng nói.
Về việc ChatGPT nóng lên trong thời gian qua, trong thời gian ngắn có 100 triệu người dùng, ông Thắng bình luận: "Đây là một biểu hiện vô cùng tốt, nó là động lực để chúng ta phải nhìn nhận rằng đầu tư vào khoa học công nghệ để nó hỗ trợ cho GD- ĐT như thế nào, để làm chủ công nghệ mới ra làm sao. Đồng thời, xác định những thách thức của nó, dù những thách thức đó mang tính tích cực, để chúng ta làm tốt hơn trong quá trình dạy và học, hay đó là những thách thức mang tính tiêu cực mà chúng ta phải hạn chế! Cần phải sử dụng, phát triển AI một cách có trách nhiệm".
Bộ GD-ĐT kêu gọi học sinh, nhà giáo trải nghiệm
Tổng kết buổi tọa đàm, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng công nghệ phục vụ giáo dục nổi lên từ nhiều năm nay, là một cơ hội rất lớn mà chúng ta cần phải có những chính sách kịp thời. Tất nhiên, tất cả những cái mới còn nhiều sự thay đổi và còn nhiều tiến bộ. Không có chính sách nào ra bắt kịp tương lai lâu dài. Nhưng trước hết, chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này, cách đón nhận nó.
"Chúng ta không quá hào hứng nhưng chúng ta không quá lo ngại, hay hoảng sợ", ông Sơn nói, và chia sẻ thêm: "Với ChatGPT, cách tốt nhất để hiểu nó, chính là dùng nó. Công nghệ, công cụ này đã có sẵn. Toàn thể hơn 20 triệu học sinh, 1,5 triệu nhà giáo, rồi các nhà quản lý giáo dục, hãy dùng, hãy cảm nhận, hãy trải nghiệm để hiểu hơn. Tôi mong rằng ở các nhà trường, các tổ chức sau khi đã dùng, đã trải nghiệm rồi sẽ thảo luận tiếp, làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại và tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác cũng sẽ mang đến cho chúng ta. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT và các cấp ban, ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời".
Bình luận (0)