ChatGPT 'quá nhanh quá nguy hiểm' nhưng không thể thay thế bác sĩ

15/02/2023 04:00 GMT+7

ChatGPT ra đời đã làm 'dậy sóng' nhiều nhà khoa học và các ngành nghề khác nhau. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, công cụ này đã phát triển nhanh chóng và được rất nhiều người sử dụng.

Việc ChatGPT ra đời được giới chuyên gia cho rằng sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, như việc công cụ này có thể tự viết khóa luận hay thậm chí vượt qua kỳ thi cấp phép hành nghề y của Mỹ vừa qua. Rất nhiều người đã đặt câu hỏi liệu rằng ChatGPT có thể thay thế được bác sĩ hay không?

 Tính năng tìm kiếm và tổng hợp thông tin mạnh mẽ 

Theo thạc sĩ - bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, với sự trải nghiệm trong nhiều ngày qua, ChatGPT cho thấy lợi thế về tìm kiếm và tổng hợp thông tin vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, đối với ngôn ngữ là tiếng Anh sẽ cho kết quả chính xác hơn vì việc sử dụng tiếng Việt chưa được tối ưu. Vì thế, các thông tin mà công cụ này đưa ra cho lĩnh vực tìm kiếm thông tin y tế nhiều lúc vẫn chưa đúng.

Đồng thời, trong các câu trả lời về kiến thức y khoa, chính AI này cũng nhận định mình chỉ là một công cụ trí thông minh nhân tạo và không thể thay thế được bác sĩ. Hoặc trong các câu trả lời, ChatGPT đều khuyến cáo người đặt câu hỏi nếu có các vấn đề về sức khỏe phải đến gặp các chuyên gia y tế để được chẩn đoán và xử trí đúng.

ChatGPT  - Ảnh 1.

Chụp màn hình

Trong một số trường hợp khẩn cấp hoặc cần tìm hiểu thông tin về một số thủ thuật y khoa, ChatGPT cũng đưa ra câu trả lời như hình dưới đây:

ChatGPT  - Ảnh 2.

Chụp màn hình

ChatGPT  - Ảnh 3.

Chụp màn hình

Theo bác sĩ Mẫn, việc chẩn đoán cho một người bệnh dù là đông hay tây y đều có những bước thăm khám cụ thể, không chỉ hỏi bệnh để nắm bắt các triệu chứng, mà còn phải thông qua các bước nhìn -  sờ - gõ - nghe hay vọng - văn - vấn - thiết, chưa kể về việc mỗi người bệnh được xem là một cá thể riêng biệt vô cùng phức tạp và với thời đại hiện nay việc kết hợp các cận lâm sàng để chẩn đoán là điều không thể thiếu. Một số trường hợp làm đủ các bước này vẫn có thể xảy ra nhầm lẫn.

Từ những yếu tố trên thì có thể kết luận rằng, trong thời điểm hiện tại ChatGPT có thể sử dụng giống như một công cụ để tham khảo và hoàn toàn không thể thay thế được chức năng của một bác sĩ. Trong tương lai, các công cụ này nếu được phát triển sẽ có ích hơn trong việc hỗ trợ cho các bác sĩ trong nhiều trường hợp.

Nên đối chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau

Bàn về vai trò của ChatGPT, dược sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, chia sẻ: "Theo tôi, ChatGPT có thể đối thoại, trả lời các thắc mắc của người bệnh hoặc người tìm kiếm thông tin, đưa ra những thông tin một cách nhanh chóng, khá chính xác với sự hỗ trợ của công nghệ AI. Tuy nhiên, để nói và xem ChatGPT thay thế bác sĩ thì hoàn toàn không thể. Vì ở mỗi người bệnh sẽ có những tình trạng bệnh lý khác nhau, cần cá thể hóa khi điều trị, nên bác sĩ sẽ cho các chỉ định trong từng trường hợp cụ thể, còn ChatGPT sẽ chỉ dựa trên nguồn dữ liệu dồi dào do con người tập huấn, nên cũng sẽ bị hạn chế với các bệnh lý, tình trạng mới, chưa từng phát sinh trước đây. Nhìn chung, ngành y học là ngành có khối lượng kiến thức vô tận, luôn luôn đổi mới và cập nhật từng ngày mà những người tiên phong vẫn là các bác sĩ, đội ngũ y tế và sẽ không thể thay thế vai trò của họ trong xã hội, cuộc sống".

Hỏi khó ChatGPT: siêu thông minh nhưng có lúc 'ngớ ngẩn'?

Cũng theo dược sĩ Ngọc Thạch, các công cụ hỗ trợ như ChatGPT giúp con người tiến gần với các nguồn thông tin vô tận trong kho tàng kiến thức của nhân loại, tuy nhiên các công cụ này đều có những mặt hạn chế nhất định. Người dùng nên đối chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, nhất là các thông tin liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.