ChatGPT được OpenAI giới thiệu vào ngày 30.11.2022.
Trong năm qua, những phản ứng giống hệt con người đến kỳ lạ của ứng dụng này đã gây bão trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, ảnh hưởng ngày càng tăng của ChatGPT đã dẫn đến những câu hỏi nghiêm túc - và các phong trào chống lại vai trò của AI trong xã hội.
Đó cũng là chủ đề thảo luận trong màn "cung đấu" kịch tính chứng kiến sự ra đi và trở lại bất ngờ của CEO Sam Altman.
Dưới đây là cái nhìn lại tác động của ChatGPT đối với lĩnh vực công nghệ.
Cạnh tranh
ChatGPT đã trở thành ứng dụng phần mềm phát triển nhanh nhất thế giới trong vòng 6 tháng kể từ khi ra mắt, mở đường cho sự xuất hiện của các chatbot đối thủ và hàng loạt công ty khởi nghiệp.
Các đối thủ cạnh tranh của nó bao gồm Bard, Claude của Anthropic, Character.AI, và CoPilot của Microsoft. Số người dùng các ứng dụng này cũng đã tăng mạnh.
Tuy nhiên, ChatGPT lại nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường.
Big Tech đổ tiền vào AI
Sự ra mắt của ChatGPT đã thu hút đầu tư lớn từ những công ty công nghệ hàng đầu.
Microsoft và Alphabet đã đầu tư hàng tỉ USD để cải thiện năng lực điện toán đám mây của họ và đảm nhận nhiều khối lượng công việc AI hơn khi các doanh nghiệp áp dụng các công cụ như vậy.
Kẻ hưởng lợi
Nhà sản xuất chip Nvidia đã trở thành công ty chip đầu tiên và duy nhất gia nhập câu lạc bộ định giá 1 nghìn tỉ USD.
Công ty này được nhiều người đánh giá là người chiến thắng lớn nhất trong sự bùng nổ AI, do có vị thế là nhà cung cấp chính các loại chip được sử dụng để cung cấp sức mạnh cho ChatGPT và các ứng dụng AI tạo sinh khác.
Vì các ứng dụng này chủ yếu chạy trên đám mây, cổ phiếu của các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như Microsoft, Amazon và Alphabet cũng tăng vọt.
Tranh cãi
OpenAI và Microsoft đã phải đối mặt với một số vụ kiện bản quyền.
Các tác giả bao gồm John Grisham, George R.R. Martin và Jonathan Franzen khởi kiện các công ty này đã lạm dụng tác phẩm của họ để đào tạo hệ thống AI.
Tuy nhiên, các công ty đã phủ nhận cáo buộc trên.
Bình luận (0)