Các nước châu Á đang lao vào cuộc đua phát triển tên lửa hành trình có độ chính xác cao và tầm bắn xa hơn nhặm chiếm ưu thế về chiến lược.
Tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos phóng từ tàu khu trục của Ấn Độ - Ảnh: BrahMos.com
|
Hiện nay, các hiệp ước và thỏa thuận kiểm soát vũ khí đều tập trung chủ yếu vào tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, có một loại vũ khí khác ngày càng phổ biến và nguy hiểm hơn là tên lửa hành trình. Sở dĩ vũ khí này được xem có mức độ nguy hiểm cao vì nhiều cuộc thử nghiệm cho thấy nó khó kiểm soát hơn, một phần vì trong nhiều trường hợp những loại tên lửa được thiết kế độ chính xác cao có thể mang đầu đạn nổ thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.
Hiện nhiều nước ở châu Á trở thành đối thủ mới của Mỹ và Nga trong lĩnh vực chế tạo tên lửa hành trình. Lâu nay, hai nước này được xem là dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực chế tạo tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân, loại vũ khí được phóng từ máy bay ném bom tầm xa hoặc tàu ngầm. Nhưng Bộ Tư lệnh lực lượng tấn công toàn cầu thuộc không quân Mỹ cho biết Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đang phát triển nhiều loại tên lửa hành trình hạt nhân. Cả Ấn Độ và Pakistan cũng đang phát triển các loại tên lửa như vậy.
Mối đe dọa Trung Quốc
Về phía Trung Quốc, nước này đã bắt đầu sản xuất một loạt tên lửa hành trình nằm trong số có độ chính xác cao nhất thế giới, với khả năng bắn trúng mục tiêu tại Nhật Bản lẫn các căn cứ quân sự của Mỹ, theo một báo cáo của Viện Dự án 2049 có trụ sở tại Washington (Mỹ).
Trong bài viết có tựa đề Các khả năng tấn công - do thám của Trung Quốc, tác giả Ian Easton nhận định rằng sau nhiều năm nỗ lực, Trung Quốc đã có được số lượng đáng kể các hệ thống tên lửa hành trình, bao gồm tên lửa hành trình đối đất CJ-10 của Lực lượng pháo binh số 2, tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 của hải quân cũng như các tên lửa YJ-63 và CJ-20 của không quân Trung Quốc.
Với số lượng lên tới 500 tên lửa triển khai trên 40 - 55 bệ phóng di động của Lực lượng pháo binh số 2, tên lửa hành trình đối đất chiến lược CJ-10 gây lo ngại cho cả Nhật Bản và Mỹ, vì tầm bắn 1.500 km của nó có khả năng tấn công lãnh thổ Nhật Bản. Trong khi đó, tên lửa hành trình CJ-20 được trang bị trên máy bay ném bom tầm xa H-6 của Trung Quốc.
Các quan chức quốc phòng Mỹ lo ngại một khi CJ-20 được triển khai có thể tấn công các mục tiêu trên khắp châu Á và miền Đông nước Nga, cũng như các căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam, ở phía tây Thái Bình Dương, theo tờ The Japan Times. Theo truyền thông Úc, nếu được triển khai tại các sân bay có đường băng dài 3.000 m mà Trung Quốc đang xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa, máy bay ném bom loại mới H-6K trang bị tên lửa CJ-20 có thể tấn công phần lớn lãnh thổ Úc.
Tại CHDCND Triều Tiên, tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân KN-09 được dùng để tăng cường phòng thủ ven biển. Tên lửa này được cho là có tầm bắn chỉ 100 - 120 km, theo Bộ Tư lệnh lực lượng tấn công toàn cầu thuộc không quân Mỹ. Còn theo tờ Korea JoongAng Daily dẫn nguồn giới tình báo Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đang phát triển tên lửa đất đối đất mang tên KN-10, với tầm bắn khoảng 200 km và có khả năng mang đầu đạn 500 kg. KN-10 có thể được phóng từ bệ phóng di động và dùng nhiên liệu rắn. Những đặc tính này giúp KN-10 khó bị phát hiện, gây thêm mối đe dọa cho Hàn Quốc.
“Át chủ bài” của Ấn Độ
Theo chuyên gia Michael Richardson, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, trong bài viết đăng trên tờ The Japan Times, Ấn Độ hiện xem tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos mà nước này hợp tác với Nga để phát triển là loại vũ khí mới quan trọng giúp New Delhi có lợi thế chiến lược hơn hẳn nước láng giềng Pakistan.
Thông tin từ Hãng chế tạo BrahMos Aerospace, tên lửa này di chuyển với tốc độ gấp 2 - 3 lần vận tốc âm thanh hoặc tương đương 1.000 m/giây. Ấn Độ và Nga đã đồng ý sản xuất hơn 1.000 tên lửa BrahMos để trang bị cho quân đội Ấn Độ, theo tờ The Japan Times. Hai bên cũng quyết định cùng phát triển một phiên bản siêu thanh của loại tên lửa này, hoạt động với tốc độ nhanh hơn gấp 5 lần vận tốc âm thanh.
Được phóng từ mặt đất, trên biển lẫn trên không, tên lửa hành trình của Ấn Độ có tầm bắn khoảng 300 km, mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, theo tuyên bố của New Delhi. Với tốc độ siêu thanh, tên lửa hành trình BrahMos có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm vào sào huyệt của các tổ chức cực đoan trong lòng đất nước Pakistan. Hiện Ấn Độ đã cải biên hàng chục chiến đấu cơ Su-30 MKI để có thể lắp loại tên lửa này.
Ưu thế tên lửa hành trình
Được vận hành bằng động cơ phản lực, tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp và dễ dàng lướt nhanh hoặc chậm trên mặt đất hay mặt nước và thay đổi mục tiêu trong lúc bay, khiến chúng rất khó bị phát hiện.
Tên lửa hành trình tương đối nhỏ gọn so với các loại tên lửa đạn đạo tầm xa, nên cơ động hơn. Với giá thành rẻ hơn, tên lửa hành trình có thể được sản xuất nhiều và phóng ồ ạt để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa.
Ngoài ra, tên lửa hành trình còn mang được cả đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân, điều khiến các quốc gia bị tấn công khó nhận biết liệu các loại vũ khí đang tiến đến thuộc loại thông thường hay hạt nhân.
|
Bình luận (0)