Tạp chí quân sự uy tín Defense Review Asia (DRA) của Úc vừa đăng bài phân tích chi tiết về số lượng, kế hoạch mua sắm và mức độ đầu tư xe tăng tác chiến chủ lực (MBT) của nhiều nền quân sự châu Á. Tạp chí này dẫn lời các chuyên gia dự đoán đến năm 2017, Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc sẽ chiếm 60,38% lượng xe tăng sản xuất trên toàn cầu. Theo DRA, xét về hỏa lực, độ chắc chắn và cơ động, MBT vẫn là loại khí tài cực kỳ hiệu quả trong chiến tranh hiện đại, bất chấp sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại xe bọc thép gọn nhẹ và linh hoạt.
Hai đối thủ Nam Á
Bài phân tích của DRA cho rằng trong trường hợp nổ ra xung đột lớn giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực Kashmir có địa hình chập chùng thì xe tăng sẽ đóng vai trò chủ lực của cả hai bên. Ấn Độ phần lớn dựa vào mẫu thiết kế của Nga, trong khi Pakistan phụ thuộc nhiều vào công nghệ Trung Quốc.
Hiện nay, đội xe tăng Ấn Độ có khoảng 1.900 chiếc T-72M1 Ajeya do Nga sản xuất và được nâng cấp sau này với hệ thống kiểm soát hỏa lực, cảm biến đầu nòng, hệ thống cảnh báo laser và giáp phản ứng nổ. Chưa hết, dự kiến tới năm 2020, lục quân Ấn Độ sẽ nhận 1.640 chiếc T-90S hiện đại và sẽ triển khai 6 trung đoàn (tổng cộng 348 chiếc) tới khu vực biên giới với Trung Quốc. Nước này là bên đang gây nhiều quan ngại với Ấn Độ vì những hoạt động quân sự rầm rộ tại khu vực biên giới đang tranh chấp, theo tờ The Times of India. Bên cạnh xe tăng của Nga, quân đội Ấn cũng đã đặt hàng 124 chiếc MBT nội địa Arjun Mk.II và dự kiến nhận những chiếc đầu tiên vào năm 2014/2015.
|
Về phần Pakistan, lục quân nước này có khoảng 1.400 MBT với các loại Al-Zarrar, Al-Khalid và Type 85-IIAP. Xe tăng tác chiến chủ lực Al-Khalid do Tập đoàn công nghiệp nặng Taxila của Pakistan sản xuất theo nhượng quyền mẫu MBT-2000 của Trung Quốc. Hiện nay, khoảng 50 kỹ sư Trung Quốc đang ở Pakistan làm việc với Taxila về nhiều dự án xe tăng khác nhau, trong đó có phát triển, sản xuất các phiên bản mới của Al-Khalid là Al-Khalid I và II.
Hàng khủng ở Đông Bắc Á
Ngoài Ấn Độ và Pakistan, Trung Quốc cũng được xem là một nước lớn về sản xuất xe tăng ở châu Á với đỉnh cao là chiếc ZTZ99 của Tập đoàn Norinco sản xuất. ZTZ99 được đưa vào phục vụ vào năm 2001 với hệ thống cảnh báo laser và súng 125 mm. Dự kiến trong tương lai gần, quân đội Trung Quốc sẽ nhận khoảng 500 chiếc ZTZ99. Ngoài ra, một loại khác cùng dòng là xe tăng ZTZ96 cũng đóng vai trò chủ đạo trong lực lượng tăng và thiết giáp của Trung Quốc. ZTZ96 ra đời năm 1997 và hơn 1.500 chiếc đã được đưa vào tác chiến. Bên cạnh đó, Norinco đang phát triển và chào bán xe tăng thế hệ mới MBT-3000 và loại này có thể đến tay quân đội vào năm 2014.
Quốc gia đang căng thẳng với Trung Quốc do tranh chấp chủ quyền là Nhật Bản cũng đã triển khai loại MBT mới Type 10 từ năm 2012. Đây là dòng xe tăng tác chiến tối tân, một trong những sản phẩm chủ lực của Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi. Type 10 được trang bị súng máy 12,7 mm và pháo nòng trơn L/44 120 mm, có thể đạt tốc độ 70 km/giờ và nhờ hệ thống tự nạp đạn nên một ê kíp trên xe được rút gọn chỉ còn 3 người. Theo DRA, đặc tính nổi bật nhất của Type 10 là hệ thống điều khiển - liên lạc hiện đại bằng máy tính giúp các xe tăng có thể kết nối và chia sẻ thông tin với nhau cũng như với bộ chỉ huy của bộ binh, giúp việc phối hợp tác chiến dễ dàng và hiệu quả hơn. Dự kiến 68 chiếc Type 10 được đưa vào sử dụng trước năm 2015.
Bán đảo Triều Tiên cũng là một khu vực đang căng thẳng ở châu Á và cả hai miền Triều Tiên đều trang bị MBT. Theo đó, CHDCND Triều Tiên được cho là sở hữu 3.500 xe tăng, bao gồm 250 chiếc P’okpoong kết hợp công nghệ Nga và Trung Quốc. Hồi năm ngoái, P’okpoong đã lần đầu tiên được phô diễn công khai trong một cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng. Trong khi đó, đội xe tăng Hàn Quốc ước tính có khoảng 1.500 chiếc K1 và K1A1 do Tập đoàn Hyundai Rotem sản xuất với sự hỗ trợ công nghệ của Đức. Hyundai Rotem đang nghiên cứu nâng cấp K1A1 và phát triển K2 Black Panther hiện đại hơn. Tuy nhiên, việc ra mắt K2 đã bị trì hoãn đến năm 2014 do vấn đề kỹ thuật.
Đông Nam Á sôi động
Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang diễn biến phức tạp, một số nước Đông Nam Á cũng đẩy nhanh trang bị MBT. Theo DRA, quân đội Malaysia đang đi đầu khu vực khi từ năm 2003 đã bắt đầu đặt mua 48 chiếc Bumar Labedy PT-91M Pendekar do Ba Lan sản xuất và nhận những chiếc đầu tiên từ năm 2007. Cùng năm, Singapore mua 96 chiếc Leopard 2A4s đã qua sử dụng của Đức. Indonesia cũng đang xem xét ký hợp đồng mua 113 chiếc loại này. Thái Lan thì đang sốt ruột vì đội MBT già cỗi của mình và vào năm 2011 đã ký hợp đồng trị giá 240 triệu USD mua 49 chiếc T-84 Oplot của Ukraine. DRA dẫn lời giới chuyên gia cho rằng quân đội Thái Lan có thể cần tới 200 chiếc T-84 Oplot để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa lực lượng MBT.
Văn Khoa
>> Phần Lan chặn phụ tùng xe tăng từ Nga đến Syria
>> Thái Lan giục Ukraine giao xe tăng
>> Israel điều lính, xe tăng đến Dải Gaza
>> Campuchia mua 100 xe tăng, 40 xe bọc thép
>> Thổ Nhĩ Kỳ điều xe tăng đến sát biên giới Syria
>> Quân nổi dậy Syria “nhận xe tăng, tên lửa”
Bình luận (0)