Mặc dù đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay lên mức 5,5% so với dự báo 5,4% hồi tháng 10 năm ngoái, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn cảnh báo rằng triển vọng kinh tế của khu vực này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn do các chính sách tiền tệ và tài khóa lỏng lẻo.
“Triển vọng kinh tế ngắn hạn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang bị che khuất bởi những chính sách không chắc chắn và rõ ràng. Do đó kéo theo nhiều rủi ro, đồng thời khiến cho cán cân có xu hướng đi theo chiều giảm”, đại diện IMF cho biết hôm 9.5.
Theo Straits Times, báo cáo trong tháng 4.2017 cho thấy IMF vẫn giữ dự báo tăng trưởng khu vực năm 2018 không thay đổi ở mức 5,4%, cao hơn so với mức tăng trưởng 5,3% vào năm 2016. Số liệu dự báo này được đưa ra vào thời điểm mà các nhà hoạch định chính sách của khu vực đang phải vật lộn với các thách thức về việc làm thế nào để định hướng rủi ro khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, và khả năng đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo IMF, suy giảm thương mại toàn cầu và việc tiếp tục thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu có thể gây ra sự biến động trong dòng vốn. Bên cạnh đó, nếu lượng tiêu dùng của Trung Quốc tăng nhanh hơn dự kiến thì nền kinh tế khu vực sẽ phải chứng kiến hàng loạt tác động tràn lan. Nguyên nhân khiến châu Á - Thái Bình Dương dễ bị tổn thương như vậy là vì khu vực này có tỷ lệ mở cửa thương mại cao, với sự tham gia đáng kể vào các chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Không những thế, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong khi năng suất suy giảm do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tạo ra những trở ngại đầu tư trung hạn cho tăng trưởng kinh tế của khu vực.
“Thích ứng với sự lão hóa dân số có thể là một thách thức đối với châu Á, đặc biệt ở những nơi mà mức thu nhập bình quân đầu người tương đối thấp”, IMF cho hay.
Nếu tăng trưởng kinh tế suy yếu và thị trường bên ngoài không có được sự ổn định thì một số ngân hàng trung ương của các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan có thể sẽ phải cắt giảm lãi suất. Đồng thời các nước khác như Ấn Độ, Indonesia nên sẵn sàng tăng lãi suất trong trường hợp áp lực lạm phát gia tăng, IMF nhấn mạnh.
tin liên quan
Nhật, Hàn và Trung Quốc cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ thương mạiCác lãnh đạo tài chính của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vừa đồng ý chống lại tất cả các hình thức bảo hộ trong một cuộc họp ba bên diễn ra vào hôm 5.5.
Bình luận (0)